"Đột kích" lò đào tạo vệ sĩ mỹ nhân ở TQ

Mặc dù phải trải qua khóa huấn luyện cực kỳ khắc nghiệt, các nữ vệ sĩ vẫn kiên cường trụ lại, trong khi nhiều nam học viên phải bỏ giữa chừng.

Dương Tống Lan có một sự nghiệp rất khác thường.

Cô gái trẻ 22 tuổi này từng là một nhân viên bán mỹ phẩm khá thành công, thế nhưng một năm trước đây cô bất ngờ từ bỏ những cây chổi đánh phấn để tìm đến với côn kiếm, trở thành một học viên của chương trình đào tạo vệ sĩ cực kỳ khắc nghiệt.

Tâm sự với phóng viên, cô gái này thổ lộ về quyết định bất ngờ của mình: “Tôi có thể ra ngoài cùng với các ông chủ và sẽ được thấy rất nhiều điều. Đó là một nghề giúp tôi mở mang tầm mắt.”

Cô Dương đã tốt nghiệp khóa đào tạo vệ sĩ tại Học viện An ninh Quốc tế Thiên Giao, một lò luyện vệ sĩ được thành lập vào năm 2008 ở Bắc Kinh để huấn luyện những vệ sĩ có khả năng phục vụ những nhân vật VIP đang ngày càng nhiều lên ở Trung Quốc.

"Đột kích" lò đào tạo vệ sĩ mỹ nhân ở TQ - 1

Một nữ vệ sĩ luyện tập bắn súng cùng các đồng nghiệp

Để tốt nghiệp được khóa đào tạo này, Dương đã phải bò qua những vũng bùn lầy lội giữa trời mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, học cách bắn súng và có những lúc phải thức suốt 24 giờ liên tục không được nghỉ ngơi, hình thức huấn luyện mà cô gọi là “khủng khiếp”.

Dương cho biết: “Trước đây tôi không tập tành nhiều lắm, thế nên khi bắt đầu chương trình đào tạo, có những lúc tôi gần như không thể được khi chạy đường dài, nhưng cuối cùng tôi cũng bắt kịp được với mọi người.”

Trần Tống Thanh, người sáng lập học viện đào tạo vệ sĩ này, người trước đây cũng là một vệ sĩ, cho biết ông đã “đánh hơi” được nhu cầu thị trường và quyết định nhảy vào lĩnh vực đầy mới mẻ nhưng cũng vô cùng tiềm năng này.

"Đột kích" lò đào tạo vệ sĩ mỹ nhân ở TQ - 2

Các cô gái phải bò qua những bãi bùn trong khóa huấn luyện

Theo xếp hạng của Hurun, một phiên bản Trung Quốc danh sách những người giàu nhất của Forbes, Trung Quốc hiện có 317 tỉ phú, đứng thứ hai về số lượng tỉ phú trên thế giới và chỉ xếp sau Mỹ.

Ông Trần tiết lộ: “Chúng tôi không chỉ đào tạo về sức khỏe và thể lực cho các vệ sĩ tương lai mà còn huấn luyện họ những thứ tinh tế hơn, chẳng hạn như khả năng nếm rượu để họ có thể giao tiếp hiệu quả hơn với ông chủ của mình.”

“Đối với các tỉ phú, họ không chỉ phục vụ như người vệ sĩ mà nhiều khi phải trở thành trợ lý cho ông chủ.”

Ông Trần cho hay số lượng học viên nữ tham gia chương trình đào tạo của ông ngày một đông, bởi vệ sĩ nữ có rất nhiều lợi thế so với đồng nghiệp nam, đặc biệt là khi số lượng tỉ phú nữ ở Trung Quốc ngày một nhiều hơn.

"Đột kích" lò đào tạo vệ sĩ mỹ nhân ở TQ - 3

Luyện tập tình huống bảo vệ yếu nhân

Ông nói rằng vệ sĩ nữ dễ dàng làm việc hơn với các bà chủ hoặc các thành viên trong gia đình của ông chủ, và một lợi thế nữa của vệ sĩ nữ là họ không nổi bật trong đám đông.

Cô Dương nói: “Con gái bọn tôi dễ dàng che giấu thân phận hơn. Mọi người xung quanh không hề nhận ra rằng chúng tôi là vệ sĩ. Còn đối với đàn ông, họ thường to cao, lực lưỡng, thế nên người ta dễ dàng nhận ra họ là vệ sĩ. Ngoài ra, vệ sĩ nữ cũng thường chăm sóc người khác tốt hơn.”

Khi được hỏi về ông chủ của mình, cô Dương rất ngại ngần khi nói ra bất cứ thông tin nào, vì cô cho rằng “lòng trung thành là tất cả” trong nghề nghiệp của mình.

Thông thường mỗi khóa huấn luyện vệ sĩ kéo dài khoảng 3 tuần với chi phí lên tới 12.800 tệ (khoảng 2.100 USD) và thu hút rất nhiều phụ nữ đến từ nhiều tầng lớp khác nhau, tuy nhiên nó không dành cho những cô gái yếu tim.

Hai cô gái Hồ Lệ và Trương Minh đều mơ ước được gia nhập quân đội từ khi họ còn nhỏ, song vì nhiều lý do khác nhau mà hai người không thực hiện được ước mơ của mình và phải làm nhân viên bán hàng hoặc giáo viên trước khi trở thành nữ vệ sĩ.

"Đột kích" lò đào tạo vệ sĩ mỹ nhân ở TQ - 4

Các cô gái phải trải qua những bài tập rất khắc nghiệt để trở thành vệ sĩ

Hồ Lệ cho biết khóa huấn luyện vệ sĩ của cô vô cùng khắc nghiệt. Trong vài ngày đầu, cô phải bò qua những hố bùn nhớp nháp và nhảy vào hồ nước lạnh buốt.

Cô kể lại: “Lúc đó tôi run lẩy bẩy, và một chàng trai 18 tuổi không chịu đựng nổi thử thách đã xin rút. Tôi trụ lại được vì được khích lệ tinh thần từ những người bạn gái cùng học với mình.”

Tuy nhiên cũng có những người đăng ký tham gia khóa đào tạo vệ sĩ chỉ để cảm nhận những trải nghiệm và thử thách mới.

Cô Đông là một trí thức “cổ cồn” trong một trường đại học, và cô cho biết cô học khóa này không phải để thành vệ sĩ mà vì cô tin rằng những trải nghiệm mà nó mang lại sẽ vô cùng quý giá và dạy cho cô biết cách trở nên cứng rắn và kiên quyết hơn.

"Đột kích" lò đào tạo vệ sĩ mỹ nhân ở TQ - 5

Một nữ vệ sĩ được huấn luyện tại Học viện An ninh Quốc tế Thiên Giao

Ông Trần cho biết có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng số lượng nữ vệ sĩ ở Trung Quốc, chẳng hạn như tỉ lệ thất nghiệp trong nghề này thấp, lương thưởng và đãi ngộ tốt, cũng như có nhiều cơ hội để gặp các VIP và mở mang tầm mắt. Tuy nhiên ông cho rằng yếu tố quan trọng nhất chính là sự tự tin ngày càng tăng của phụ nữ Trung Quốc trong thời đại hiện nay.

Ông tâm sự: “Ngày nay phụ nữ tự tin hơn rất nhiều trong việc lựa chọn những nghề nghiệp vốn thường được coi là dành riêng cho nam giới.”

Trái ngược với những gì người ta vẫn nghĩ, ông Trần cho biết tỉ lệ phụ nữ bỏ cuộc trong các khóa đào tạo vệ sĩ ít hơn đàn ông rất nhiều. Ông nói: “Phần lớn các cô gái đều kiên cường trụ lại cho tới hết khóa học.”

Cô Dương đã trở thành một nữ vệ sĩ gần một năm nay, và cô cho biết chưa hề có ý định chuyển sang làm nghề khác mặc dù nghề của cô phải chịu khá nhiều rủi ro.

Cô gái xinh đẹp này chia sẻ: “Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ và hành động một cách mau lẹ. Tôi nghĩ dù có gì xảy ra đi chăng nữa thì tôi vẫn sẽ gắn bó với nghề này. Đó là một hành trình đầy thú vị.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN