Đọc sách Nick Vujicic tôi cười nhiều hơn

Nhân dịp Nick Vujicic, chàng trai không chân không tay sang Việt Nam (từ 22 đến 25/5), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện dịch giả Nguyễn Bích Lan, người đã dịch những cuốn tự truyện của Nick sang tiếng Việt. Bị mắc bệnh loạn dưỡng cơ tiến triển, nặng chưa đầy 30 kg, dừng lại việc học ở lớp 8, nhưng Bích Lan đã vượt lên số phận, trở thành dịch giả của 23 đầu sách trong đó có nhiều cuốn sách xúc động về Nick Vujicic.

Tuổi thơ nghiệt ngã

Nick Vujicic là tác giả của 2 cuốn tự truyện best-seller nổi tiếng: “Cuộc sống không giới hạn” (Life Without Limits) và “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng” (Unstoppable). Anh sinh năm 1982 tại Australia, không tay, không chân từ lúc chào đời. Anh trở thành biểu tượng của tinh thần vượt lên số phận, thấu hiểu tận cùng nỗi đau sâu sắc của con người, với óc khôi hài, thông minh, với hơn 1.600 bài nói chuyện ở 24 quốc gia.

Trong cuộc hội thảo về dịch thuật tại Trung tâm Việt Pháp TP. Hà Nội, diễn ra vào đầu tháng 5, chúng tôi có dịp gặp gỡ dịch giả bị khuyết tật nhưng có ý chí, nghị lực phi thường. Ngồi bên hàng ghế phía cuối căn phòng hội thảo, Lan kể, chị sinh ra ở thôn Kiều Trai, xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình trong gia đình có 3 anh chị em, chị là con thứ hai, bố làm kỹ sư, mẹ là giáo viên. Thuở nhỏ, tuổi thơ của Lan cũng trôi qua đẹp đẽ như bao người bạn cùng trang lứa. Nhưng đến năm 13 tuổi, Lan bỗng phát hiện mình bị mắc bệnh lạ. Đầu tiên chị có cảm giác tê điếng hai đầu gối, sau đó chân cứng đơ không tự đứng dậy được.

Gia đình đưa Lan thăm khám, được bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh loạn dưỡng cơ tiến triển. Căn bệnh đã khiến Lan không thể đứng vững trên đôi chân của mình. Kể từ đó, việc học của chị đành phải bỏ dở dang.

“Hay tin về căn bệnh, tôi có cảm giác bản thân mình như đang rơi xuống vực sâu”, Bích Lan tâm sự.

Phải nghỉ học vì căn bệnh quái ác, Lan từ hốt hoảng đến buồn chán. Nhiều lúc Lan đã tuyệt vọng nhưng rồi được sự động viên của bố mẹ, bạn bè, chị đã gượng dậy sống và chiến đấu với bệnh tật.

Bích Lan kể tiếp: Thời gian bị bệnh, bao ước mơ cháy bỏng của một cô học trò chuyên Văn trường năng khiếu bị bỏ lỡ, Lan chỉ biết quẩn quanh trong căn phòng rộng chừng 10m2. Chị yếu đến mức không tự bê nổi bát cơm. Những lúc như vậy, chị lại nghĩ đến cách giải thoát cho bản thân. Nhưng rồi sự quan tâm, tình yêu thương của gia đình đã giúp Lan tìm được hướng đi mới. Trong một lần thấy cậu em trai học tiếng Anh, Lan đã thích thú và hạ quyết tâm học cùng em.

Đọc sách Nick Vujicic tôi cười nhiều hơn - 1

Dịch giả Bích Lan: "Mỗi lần đọc sách hay dịch sách của Nick, tôi thấy anh cười nhiều hơn tôi. Đó là điều tôi học được từ anh"

Bích Lan chia sẻ: “Em trai tôi lúc đó đang học lớp 10, mỗi lần thấy em học tiếng Anh, tôi thấy thích nên hạ quyết tâm học cùng em. Ban đầu tôi nhờ người em họ trên Hà Nội mua giúp bộ giáo trình ngoại ngữ và tôi bắt đầu say mê học từ đó”.

Ngoài việc có giáo trình, Lan học thêm ngoại ngữ bằng cách nghe lỏm cậu em trai phát âm từ tiếng Anh rồi đọc nhẩm theo. Khi em trai đến trường, chị học thêm khả năng phát âm qua việc nghe đài…

“Tôi chưa từng có một thầy dạy tiếng Anh bằng xương bằng thịt nào. Trong những năm đầu tự học, tôi phải tự tưởng tượng ra một người bạn ảo để có thể rèn luyện kỹ năng nói. Với tôi, những cuốn sách và chiếc đài chính là người thầy của mình”, Bích Lan tâm sự.

Năm 24 tuổi, sau 6 năm học Anh văn, đọc sách luyện nghe qua băng đĩa, đài, chị đã mở một lớp dạy tiếng Anh cho trẻ làng với 10 em học sinh, phần lớn là học sinh lớp 3. Thấy các em học sinh tiến bộ, phụ huynh tin tưởng đã kéo đến xin cho con học rất đông. Lan phải mở thêm những lớp mới. Qua 2 năm mở lớp tiếng Anh dạy tại nhà, chị đã có gần 200 em học sinh, trong số đó có 8 em trở thành giáo viên dạy tiếng Anh tại các trường trung học phổ thông.

Sau 5 năm giảng dạy, Lan thấy mình yếu hơn, các bác sĩ khuyên Lan nên dừng việc dạy, bởi nói nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, với cân nặng chưa đầy 30 kg nên mọi tư thế đứng, ngồi, đi lại đối với Lan đều phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Vì vậy, chị phải quyết định ngừng dạy học.

Đọc sách Nick Vujicic tôi cười nhiều hơn - 2

Nick Vujicic trở thành biểu tượng của tinh thần vượt lên số phận

Tôi đã cười nhiều hơn khi dịch sách của Nick Vujicic

Nghỉ việc dạy học và vào viện nằm điều trị, nhưng Bích Lan vẫn khao khát được làm việc. Trong một lần, người cô ruột của Lan, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, đến thăm đã gợi ý Lan dịch sách. Chị đã đồng ý và bắt đầu theo đuổi con đường dịch sách.

Năm 2009, trong một lần vào mạng Internet, Lan đã tình cờ xem được video và những bài báo trên mạng nói về Nick Vujicic, một diễn giả không chân, không tay. Lần đầu tiên Lan đọc nguyên tác tiếng Anh “Life Without Limits” của Nick viết, chị bắt đầu cảm thụ mau lẹ. Đọc sách của Nick, Lan cảm nhận được rằng mình đang xem bộ phim về cuộc đời của một con người đặc biệt, trong đó có những đoạn phim giống như những đoạn phim về cuộc đời mình.

“Chính những quan điểm thái độ sống tích cực, can đảm và tinh thần lạc quan của Nick đã khiến tôi đồng cảm với anh. Tôi thấy được niềm hạnh phúc khi biết mình đã nắm được những chìa khóa để vượt lên nghịch cảnh và sống một cuộc sống hữu ích nhất có thể, dù số phận có nghiệt ngã đến mức nào”, Bích Lan nói.

Bước vào con đường dịch thuật, Bích Lan đã chuyển thể thành công nhiều tác phẩm tiếng Anh sang tiếng Việt có tiếng vang lớn như: Bị Bán, Một đêm duy nhất, Người đàn ông đào hoa… đặc biệt là cuốn sách "Triệu phú ổ chuột", cuốn sách được chuyển thể thành phim, đoạt giải Oscar năm 2008.

Năm 2011, khi Lan đang viết dở cuốn tự truyện “Không gục ngã”, chị đã được công ty Fist News mời dịch cuốn sách "Cuộc sống không giới hạn” của Nick.

“Tôi đã cảm thấy may mắn khi mình được dịch sách của Nick. Mỗi lần đọc sách hay dịch sách của Nick, tôi thấy anh cười nhiều hơn tôi. Đó là điều tôi học được từ anh”, Bích Lan chia sẻ.

Đọc sách Nick Vujicic tôi cười nhiều hơn - 3

Cuốn tự truyện “Không gục ngã” của Bích Lan phát hành năm 2013

Năm 2013, dịch giả Bích Lan đã phát hành tự truyện “Không gục ngã”. Cuốn tự truyện dày khoảng 300 trang, gồm hai phần: chuyện đời tôi và những chiêm nghiệm cuộc sống. Nội dung kể lại hành trình tuổi thơ của Lan từ hồn nhiên đến tuổi thiếu niên đầy sóng gió khi bệnh tật ập đến. Cuộc hành trình chiến đấu với bệnh tật và miệt mài thực hiện những ước mơ, những quả ngọt đầu tiên của những nỗ lực không mệt mỏi trên con đường dịch thuật...

Không chỉ dịch sách, chị còn tham gia rất nhiều bài báo, bài tham luận, rồi truyện ngắn, thơ...

Năm 2009, gia đình Bích Lan chuyển lên Hà Nội. Chị sống trong căn hộ mới cùng với người em trai. Trong căn phòng đẹp, thoáng mát, có một chiếc máy tính kê ngay sát cửa sổ, cùng với đó là cuốn tự truyện “Không gục ngã”.

Lịch trình của Nick Vujicic tại Việt Nam:

1. Ngày 22/5: “Hãy sống cho điều ý nghĩa hơn”
- Truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV6
- Thời gian: 19h30 - 22h ngày 22/5/2013
- Địa điểm: Hội trường White Palace (194 Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận, TPHCM)

2. Ngày 23/5: “Không bao giờ bỏ cuộc”
- Thời gian: 7h30-12h
- Địa điểm: Trung tâm Hội nghị White Palace (TPHCM)

3. Ngày 23/5: “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”
- Truyền hình trực tiếp trên VTV6
- Thời gian: 18h30-21h30
- Địa điểm: Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội)

4. Ngày 24/5: “Không bao giờ bỏ cuộc”
- Thời gian: 7h30-12h
- Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội)

5. Ngày 24/5: “Hãy sống như Nick”
 - Thời gian: 13h00-16h30
- Địa điểm: Cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội)
- Thành phần: 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến từ các mái ấm, nhà mở, trường giáo dưỡng khu vực TP Hà Nội.

6. Ngày 25/5: “Hãy sống như Nick”
 - Thời gian: 10h00-12h00
- Địa điểm: Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP.HCM)
- Thành phần: 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến từ các mái ấm, nhà mở, trường giáo dưỡng khu vực TPHCM

7. Ngày 25/5: “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”
- Thời gian: 18h-21h
- Địa điểm: Sân vận động Thống nhất (TPHCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Nick Vujicic đến Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN