Độc đáo chợ cầu duyên ở Bình Định

Sự kiện: Bình Định

Phiên chợ Gò (Trường Úc, Bình Định) họp vào đúng ngày mồng 1 và 2 tết Nguyên đán, từ nhiều đời nay là nơi người ta đến cầu may, cầu duyên.

Độc đáo chợ cầu duyên ở Bình Định - 1

Chợ Gò trở thành di sản văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Nẫu - Ảnh: Đào Tiến Đạt

Chợ họp ở bãi đất trống dưới chân núi Trường Úc (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, Bình Định). Một bên là núi, một bên là sông lại nằm ở gần quốc lộ nên rất dễ tìm. Ngoài người dân bản địa, du khách các nơi biết đến kéo về đây ngày càng đông.

Ngay cả các cụ cao niên trong làng cũng không thể nhớ chính xác chợ ra đời từ năm nào, chỉ biết từ bé đã được ông bà, ba mẹ dắt đi chợ trẩy lộc đầu năm.

Tương truyền,  thời Tây Sơn, đây là chỗ tập trận của quân đội. Bộ binh đóng đồn trên núi Trường Úc, thủy quân từ đầm Thị Nại vào. Hai bên thủy bộ giáp chiến. Quân từ nhiều nơi hội tụ về nên để thỏa nỗi nhớ xa quê dịp tết, các tướng Tây Sơn tổ chức cuộc vui ngay trên bãi thao trường vào mồng 1 và mồng 2 tết. Khi trời chiều xế bóng, thân nhân ra về còn binh sỹ chuẩn bị canh phòng nghiêm ngặt về đêm. Vì vậy hằng năm các gia đình binh sỹ theo lệ về đây, người dân địa phương mang các đồ “cây nhà lá vườn” bày bán, lâu thành lệ. Khi quân Tây Sơn tan rã nơi đây thành Lễ hội chợ Gò.

Đến thời Pháp thuộc, phải hạn chế tụ họp đông người nên có thời gian chợ phải họp vào buổi tối. Có năm trời mưa lớn, ngập lụt nhưng người dân vẫn xắn quần lội nước để đến chợ. Đời này qua đời khác, ký ức nhân lên nhắc nhở thế hệ sau gìn giữ một nét văn hóa truyền thống.

Độc đáo chợ cầu duyên ở Bình Định - 2

 Một góc chợ Gò - Ảnh: Đào Tiến Đạt

Đi chợ cầu duyên

Bà Lê Thị Thức (70 tuổi, ở xóm Nam, thôn Phong Thạnh) kể, từ khi về đây làm dâu không mùa nào bà vắng mặt ở phiên chợ Gò, thoắt đã gần 50 năm. Lúc mới về làm dâu, được mẹ chồng dẫn theo ra phụ bán cau, trầu. Bà mẹ chồng khi nằm xuống giao lại cho bà vườn cau, trầu như một món hồi môn, dặn dò chăm sóc, đợi đến phiên chợ Gò hái ra mang bán.

“Dù chẳng nhiều nhặn gì, mỗi gói cau, trầu chỉ vài ngàn đồng nhưng thiếu là xem như năm ấy không có lộc đầu năm” – bà Thức nói. Người ta vẫn nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” nên hầu như ai đến chợ chí ít cũng mang về gói trầu cau lấy may. Người mua về đặt lên bàn thờ tiên tổ, nhiều cô gái mua trầu về bói cầu duyên, cầu may. Nhiều cặp tình nhân lại mang trầu cau lên viếng những ngôi mộ trên núi Trường Úc.

Độc đáo chợ cầu duyên ở Bình Định - 3

 Hát bài Chòi trong Lễ hội chợ Gò

Độc đáo chợ cầu duyên ở Bình Định - 4

 Viết thư pháp trong Lễ hội chợ Gò  

Hàng hóa trong phiên chợ hầu hết là cây nhà lá vườn mang ra bán. Có khi là cơi trầu, cau, người thì ít trái cây hay mớ rau vườn. Muối cũng là mặt hàng đắt khách, bởi “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Điều đặc biệt, phiên chợ tuyệt nhiên ở đây không có cảnh chao chát trả giá vì người bán hay kẻ mua cũng đều mong lấy may.

Độc đáo chợ cầu duyên ở Bình Định - 5

 Bà Lê Thị Thức đang chăm chút vườn trầu, cau chuẩn bị cho phiên chợ Gò 2016. 

Năm nào cũng vậy, cứ giao thừa xong, cụ Thức lại cắp thúng cau trầu ra chợ. Cụ ông Đỗ Đình Hoa Xuân cùng cô con gái 26 tuổi Đỗ Nữ Lê Hà đi cùng để phụ giúp. Những bạn trẻ như Hà không hiếm gặp trong các phiên chợ Gò. Những cô gái má hồng xúng xính áo mới, những cặp tình nhân sánh bước, hân hoan câu chúc mừng đầu năm. Cô gái nào chưa gặp được duyên thì mua trầu về bói. Người ta nói mua 12 lá trầu về treo trên cây nêu trước nhà hoặc đặt lên bàn thờ tổ tiên tượng trưng cho 12 tháng trong năm, sau 7 ngày giở ra xem, lá nào hư, úa thì tháng ấy đề phòng có chuyện chẳng lành. 

Cụ Phạm Thị Hường (83 tuổi), bảo, ai không đi được chợ Gò xem như chưa ăn Tết. Trước còn khỏe cụ vẫn mang trầu cau ra chợ bán, nay già yếu rồi mỗi khi đến phiên chợ Gò lại nhờ con cháu dẫn ra. Ra chợ để được nghe bài Chòi cổ, vui hội dân gian và ít nhiều cũng phải mang về lon muối hay dăm trái cau, trầu xem như lộc may mắn trong năm. Con cháu trong nhà trong Nam ngoài Bắc cứ đúng 29 tết tụ họp đông đủ, sáng mồng một tết kéo nhau ra chợ Gò vui Xuân.

Theo ông Hồ Văn Vạn, trưởng thôn Phong Thạnh, khoảng hơn 10 năm lại đây, chợ Gò xôn xao nhộn nhịp hơn với đông đảo du khách tìm đến. Mặc dù vậy  tuyệt nhiên không có cảnh xô lấn, hay trộm cướp. “Qua thời gian, chợ có khác hơn xưa nhưng vẫn giữ lại nét mộc mạc, chân chất, đó là cái đẹp cốt lõi của phiên chợ đã ăn sâu vào người dân xứ Nẫu” – ông Vạn chia sẻ. 

“Hiện chúng tôi đang sưu tập tư liệu, vật chứng, hình ảnh lịch sử để phục dựng lại nguyên gốc phiên chợ xưa. Đồng thời làm đơn đề xuất công nhận chợ Gò trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh” - ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Văn ([Tên nguồn])
Bình Định Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN