Điều Triều Tiên làm khi quan chức bỏ trốn ra nước ngoài

Mô-típ xử lý vụ việc khi một quan chức cấp cao Triều Tiên bỏ trốn đã tồn tại 70 năm qua.

Điều Triều Tiên làm khi quan chức bỏ trốn ra nước ngoài - 1

Nhà ngoại giao Thae Yong-ho bị gọi là "cặn bã loài người" khi bỏ trốn tới Hàn Quốc.

Khi nhà ngoại giao Thae Yong-ho bỏ trốn khỏi Anh cách đây ít ngày, Triều Tiên ngay lập tức gọi đây là âm mưu của Hàn Quốc. Theo Bộ Công lý Triều Tiên, hành động đào tẩu là “một kế hoạch điển hình của tình báo Hàn Quốc nhằm lật đổ Triều Tiên”.

Tuy nhiên vài ngày sau đó, Bình Nhưỡng buộc tội ông Thae hiếp dâm trẻ em và biển thủ công quỹ nhà nước. Chưa hết, Triều Tiên còn gọi vị Phó đại sứ ở Anh này là “cặn bã loài người” và “không có lòng trung thành tối thiểu ở một con người chân chính”.

Tuy nhiên, những lời lẽ kiểu này không phải là mới đối với những người bị Triều Tiên coi là phản bội. “Chiến thuật” này đã được Bình Nhưỡng sử dụng nhiều lần trước đây.

Một trong những vụ việc điển hình nhất liên quan tới Yi Sang-gu, một nhạc sĩ Triều Tiên học tập ở Moscow. Vì lý do riêng, ngày 16.10.1959, Yi đã xin tị nạn chính trị ở Liên Xô và được chấp thuận.

Thời điểm đó, chính quyền Xô Viết rất dễ dàng trao quy chế tị nạn cho người Triều Tiên ở vì biến động chính trị ở Bình Nhưỡng gia tăng. Trước đó nhiều người cũng xin tị nạn ở Moscow và được đồng ý.

Khi nghệ sĩ này biến mất, các nhà ngoại giao Triều Tiên lập tức tìm tới chính quyền Liên Xô và kể về “kẻ phản bội” Yi. Những sự thiếu nhất quán trong lời kể của mỗi người cũng giống như sự kiện đào tẩu gần đây của Phó đại sứ Thae Yong-ho.

Bà Kapitsa, thời điểm đó là Phó phòng Viễn Đông Thứ nhất của Nga, chịu trách nhiệm về vấn đề Triều Tiên, được Pak Tok-hwa, một nhân viên sứ quán Triều Tiên ở Moscow ghé thăm.

Pak nói rằng nghệ sĩ Yi đã cắt đứt mọi liên lạc với Triều Tiên và bị coi là một nghi phạm chính trị. Pak nói với chính quyền Xô Viết rằng Yi được sinh ra ở Hàn Quốc, lớn lên ở Nhật Bản và vùng Mãn Châu, Trung Quốc. Pak đề nghị chính quyền Moscow “suy nghĩ kĩ” trước khi ra tay giúp đỡ người này.

Điều Triều Tiên làm khi quan chức bỏ trốn ra nước ngoài - 2

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi thăm một trang trại cùng các quan chức quân đội.

Sau đó, Triều Tiên khẳng định Yi là một gián điệp Nhật Bản và người này có quan hệ bất chính với một phụ nữ Nga và muốn lấy người này làm vợ dù Yi đã kết hôn ở Triều Tiên.

Vài tuần sau, vào một buổi chiều ở trung tâm Moscow, Yi bị phát hiện và phục kích bởi một nhóm nhân viên Triều Tiên. Người này bị đánh đập và lôi vào xe của đại sứ quán. Sau đó, Yi bị đẩy lên máy bay về Bình Nhưỡng và không bao giờ thấy thêm thông tin nào nữa.

Tại Bình Nhưỡng, đại sứ Xô Viết tại Triều Tiên Puzanov đã gặp Pak Song-chol, ngoại trưởng vừa bổ nhiệm để phản đối. Lúc này, Ngoại trưởng Pak lại đưa ra một nội dung hoàn toàn khác về nhạc sĩ Yi.

Theo đó, chính quyền Bình Nhưỡng ra lệnh cho đại sứ quán Triều Tiên ở Moscow đưa Yi về nhà do nhận thấy những bất ổn trong hành vi của người này. Tuy nhiên, Pak nói rằng ông không nghĩ phía đại sứ quán lại bắt cóc luôn nhạc sĩ.

Hành động trên lặp lại khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il gặp gỡ Thủ tướng Junichiro Koizumi năm 2002 để bàn về một số công dân Nhật Bản bị bắt cóc từ thập niên 70 đến 80. Ông Kim nói rằng vụ bắt cóc do những nhân viên “quá mẫn cán” thực hiện mà chính quyền trung ương không hề hay biết.

Cách xử lý những vụ việc bỏ trốn ra nước ngoài của Triều Tiên đã tồn tại suốt hàng chục năm nay. Việc cáo buộc nhà ngoại giao Thae hiếp dâm trẻ em được nhận định giống như những gì quan chức ngoại giao Triều Tiên nói về nghệ sĩ Yi gần 70 năm trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh – Guardian ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN