Đêm trắng ở vùng rốn lũ

Dân ở hạ nguồn sông Gianh nhà nào cũng có gác gỗ, nắng thì cản bớt nóng trên mái dội xuống, lũ thì leo lên đấy mà trốn...

Đêm trắng ở vùng rốn lũ - 1

Một căn nhà của dân nghèo hạ nguồn sông Gianh chìm dần trong lũ

Trao 15 máy phát điện đầu tiên của chương trình “Ánh sáng trong lũ” (do Báo Người Lao Động phát động nhằm trang bị máy điện dự phòng cho trạm xá, trường học, cụm dân cư các vùng rốn lũ) vào chiều 31-10, chúng tôi ngồi chờ xe trong một quán cà phê giữa thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Chìm dần trong nước

Mưa tầm tã. Sấm chớp đùng đùng. Chiều phố núi quánh sệt. Trưởng Phòng Y tế huyện Tuyên Hóa Lê Quí Lãm lắc đầu: “Mưa thế này coi chừng lụt lại”. “Mới lụt xong không lẽ lụt nữa, xưa nay có vậy không?” - tôi hỏi. Lãm nói ngay: “Gọi là lũ chồng lũ đó. Hồi trưa, lãnh đạo huyện chỉ đạo chuẩn bị tinh thần coi chừng lụt tiếp vì bên khí tượng báo là sẽ mưa liên tục 4-5 ngày. Mưa to thế thì lụt nữa là cái chắc”.

Chiều. Mưa xối nước. Đêm xuống lúc nào không hay. Chúng tôi cứ thức, nôn nao mong mưa tạnh. Nhưng mưa không tạnh mà ầm ào hơn. 4 giờ sáng, điện thoại reo. Tiếng Xuân lạc trong tiếng mưa sầm sập: “Anh về hạ nguồn vào rốn lũ không? Em về dưới Văn Hóa bây giờ đây?”. “Có thông tin gì dưới đó chưa?”. “Có rồi. Nước bắt đầu tràn đường mà mưa to thế là nước lên nữa”.

Nhoáng cái đã thấy Xuân lái con xe nổ như cối xay gió xé mưa lao đến. Vội vã lên đường. Xuân bẻ tay lái liên tục tránh dòng nước chảy xiết từng đoạn từ đồi cao dội xuống đường. Gió vùn vụt ném từng vốc nước. Chạy được chừng 10 km, đến đầu các xã Đức Hóa, Phong Hóa thì gần như chỉ mình xe chúng tôi còn dám chạy trên đường. Nhà dân đóng kín cửa. Cây cối vật vã như nổi cơn điên. Gió giật từng cơn cuồng nộ. Xuân dò dẫm từng mét đường, nước tràn lên nhiều đoạn ngập nửa bánh xe.

Rồi cũng đến được cầu Văn Hóa bắc qua sông Gianh nối 2 xã Cảnh Hóa và Văn Hóa. Trên cầu, xe máy, ô tô rồi trâu bò cùng chen lấn nhau giành một nơi để tránh lụt. Có lẽ khi thiết kế cầu không ai nghĩ đến việc nó còn có công năng đặc biệt như thế. Nước dưới sông đục ngầu, cuồn cuộn đẩy những núi rác và cây bụi lao nhanh từ thượng nguồn xuống xông thẳng vào những cụm dân cư đang chìm dần trong nước. Những ngọn tre oằn mình theo sóng nước chới với như muôn ngàn cánh tay cầu cứu yếu ớt, tuyệt vọng.

Trụ sở xã cũng bị cô lập

Đường từ chân cầu vào trụ sở xã Văn Hóa ngập khá sâu. Chúng tôi chỉ dám liều lội được chừng 100 m thì phải tìm điểm cao gọi thuyền hỗ trợ. Nước ngập cửa sổ các trường học dọc đường vào xã.

Chúng tôi kịp vào đến trụ sở xã khi nước thập thò ở bực thềm. Vừa quay qua quay lại, chưa kịp chào hỏi anh em ở đây thì nhìn xuống đã thấy nước vọt lên ngập bàn làm việc ở tầng trệt. Ở đây đang có chừng 20 người vừa là dân quân tự vệ vừa cứu hộ, có cả Bí thư Đảng ủy xã Lương Thanh Tấn và Chủ tịch UBND xã Đinh Xuân Thương.

Kíp trực chống lụt ở đây đã thức trắng đêm, đến giờ vẫn chưa ăn uống gì. Điện cúp từ 5 giờ sáng. Một cậu dân quân bê cái máy phát điện của chương trình “Ánh sáng trong lũ” tặng ra đổ xăng rồi khởi động. Tiếng máy nổ không át nổi tiếng mưa ràn rạt từng cơn. Có điện, ai nấy tranh thủ xạc gấp điện thoại để duy trì liên lạc. Mấy cậu dân quân xé vội mấy chục gói mì quẳng vào cái nồi to găm vào bếp điện. Mươi phút đã có cái ăn.

Non 9 giờ sáng thì không chỉ 10 thôn của xã này mà chính trụ sở xã cũng bị cô lập. Thương và Tấn cùng một nhóm dân quân xã mặc vội áo phao để vào các thôn chỉ đạo việc cứu dân. Tôi lên thuyền cùng họ. Thuyền lao đi trong mưa. Cậu dân quân cầm lái cho mũi thuyền lách theo từng ngọn cây vật vờ trong nước để canh luồng đi.

Cách trụ sở xã chừng 500 m, một người ngồi trên nóc nhà với tay vẫy. Tấn bụm tay gọi lớn: “Nước chưa đến tra mà lên mái sớm rứa, chuẩn bị kỹ chưa?”. Bên kia đáp: “Không sao, em chuẩn bị thôi chứ nước còn hơn mét nữa mới lên đến tra”. “Có lo đói không, nhắm chừng trụ được mấy bữa?” - Tấn hỏi tiếp. “Không lo mô, mì tôm cứu trợ còn ăn được cả tuần” - bên kia đáp. Dân ở đây nhà nào cũng có cái tra. Đấy là cái gác gỗ nắng thì cản bớt nóng trên mái nhà dội xuống, lũ thì leo lên mà trốn, nước ngập lên tra thì gỡ mái chui ra ngoài, nước ngập mái nữa thì... bó tay.

Thuyền ngang nhà Tấn, nước ngập nhà chừng hơn một mét. Anh gọi với vào, vợ và đứa con thò tay ra cửa sổ vẫy vẫy: “Không sao đâu ba. Không sao đâu”. Tấn cười vẫy lại. Tôi tiếc vì mưa quá to, không thể chụp được tấm hình ghi lại cảnh này. Hóa ra, trụ sở xã chỉ cách nhà có non cây số mà Thương kể mấy hôm nay, Tấn cùng anh em bám trụ ở xã nên chưa ghé về nhà lần nào.

Đêm trắng ở vùng rốn lũ - 2

Người dân tìm đủ mọi cách di chuyển tài sản đến nơi trú tránh

May mà không chết

Luồn lách mãi qua các xóm, chừng gần một giờ sau, chúng tôi vào được thôn Bàu Sỏi là nơi đầu lũ. Chiếc thuyền máy nhiều khi trụ không nổi với sức nước, cứ xoay vòng. Thứ gì trên thượng nguồn trôi xuống cũng ập vào thôn này nên sức tàn phá kinh khủng. Nước lớn thế mà vẫn còn thấy những cột điện bê-tông bị bẻ gãy ngang từ trận lụt 15 ngày trước chưa kịp dọn.

Nước mới lấp xấp nền vài căn nhà ở thôn Bàu Sỏi vì ở đây dân đắp nền nhà rất cao, có căn nền cao 5-6 m. Nhà ông Lê Anh Muôn cũng vậy, cả 5 con trâu và bầy gà đều lên hết trên căn chính. Ông Muôn nói sau trận lụt 15 ngày trước, gom rác đốt cả 10 ngày liên tục mà mới vơi một góc. Đêm qua, cả thôn này thức trắng để dọn đồ lên tra.

“Lụt thêm vài ngày nữa thì sợ gì nhất?” - tôi hỏi. Ông Muôn bùi ngùi: “Mì tôm còn nhiều, không lo đói. Lo nhất là rơm khô ngoài chuồng không cách gì lấy vào được cho trâu ăn. Người đói còn nhịn được chứ trâu đói và lạnh là chết như chơi”.

Quá trưa mưa tạnh. Từ đó về chiều, nước rút dần. Lúc 15 giờ đã có thể lội được. Không chỉ trụ sở xã mà trạm y tế, các trường học và nhà dân tràn không khí hối hả. Mọi người khẩn trương cào bùn, rác để tận dụng dòng nước rút tống bớt ra khỏi nhà. Bao nhiêu máy điện chạy hết công suất để bơm nước rửa. Hút nước lụt để rửa những dơ bẩn của lụt. Kế ấy thế mà hay chứ để khô hết nước thì khó tẩy rửa vô cùng. Bữa cơm cá khô được mấy anh dân quân nấu vội. Ai nấy tranh thủ nuốt vội vài miếng rồi lao vào chùi rửa nền nhà, bàn ghế.

Chừng tới 23 giờ, thấy nước vẫn rút tiếp, tưởng đã yên nên tôi tranh thủ chợp mắt. Dè đâu lúc 4 giờ sáng, còi hú inh ỏi, loa phóng thanh báo động tiếng được tiếng mất trong mưa khó có thể lớn hơn. Tôi lao vội ra ban công tầng 2 trụ sở xã. Cảnh tượng khó tin nổi, từ lúc nào nước đã lại dâng lên chỉ còn cách sàn tầng 2 hơn một mét. Hóa ra chỉ tôi ngủ chứ Tấn, Thương và anh em dân quân tự vệ đều thức trắng đêm để lần nữa soạn bàn ghế và tài sản từ tầng trệt lên tầng 2. Mắt ai nấy đều thâm quầng.

Tôi gọi điện thoại cho Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuyên Hóa là anh Trần Hữu Chức. Từ thị trấn Đồng Lê, anh Chức cho biết mưa ở thượng nguồn đêm qua rất lớn và tiếp tục nên khả năng nước sẽ còn cao hơn hôm qua. Từ trong thôn Bàu Sỏi, ông Muôn cũng cho tôi biết qua điện thoại rằng hồi đầu hôm, tưởng nước rút thật nên cả thôn đưa trâu và gà vịt về lại chuồng. Ngờ đâu, khuya nước vào lại nhanh quá chỉ kịp di chuyển trâu, còn gà vịt cả thôn trôi hết.

Đợt lụt trước, vừa thấy nước ngấp nghé ngoài đường rồi ào một cái đã ngập nền nhà, chỉ kéo được mấy con trâu chạy lên cao, còn thứ gì dưới nền nhà thấy trôi đó mà cũng sợ không dám xuống vớt” - ông Lê Ngọc Muôn kể.

Trâu bò chết vì lạnh và đói

Đêm trắng ở vùng rốn lũ - 3

Không ít nông dân mất đi thứ tài sản giá trị nhất của họ là trâu, bò

Trâu bò đối với hầu hết nông dân ở hạ nguồn sông Gianh là thứ tài sản đáng giá nhất. Bởi vậy mà như nhiều gia đình ở xã Văn Hóa, cạnh căn nhà chính, ông Muôn còn làm một phòng nhỏ cao hơn nền chừng 2 m để khi nước dâng cao thì trâu có chỗ trốn. Nhưng nhiều đận trâu vẫn chết vì lạnh do ngâm nước quá lâu và đói bởi không biết lấy gì ăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lương Duy Cường (Người lao động)
Lũ lụt ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN