Đề xuất cảnh vệ cho bí thư, chủ tịch tỉnh: "Tốn kém lắm"

Sự kiện: Thời sự

ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, sáng 8-6 cho rằng sẽ rất tốn kém nếu các lãnh đạo như bí thư, chủ tịch UBND tỉnh trở thành đối tượng có cảnh vệ.

Sáng 8-6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) về việc trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Cảnh vệ vừa qua, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, cho biết nhiều địa phương đề nghị bí thư, chủ tịch UBND tỉnh được có cảnh vệ, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc công an Tỉnh Nghệ An, đã tỏ ý không đồng tình với đề nghị này.

Đề xuất cảnh vệ cho bí thư, chủ tịch tỉnh: "Tốn kém lắm" - 1

ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, sáng 8-6 cho rằng sẽ rất tốn kém nếu các lãnh đạo như bí thư, chủ tịch UBND tỉnh trở thành đối tượng có cảnh vệ

"Tôi nghĩ cái đó không đúng, bởi cảnh vệ là biện pháp rất đặc biệt để bảo vệ các yếu nhân. Trong Luật cảnh vệ có 18 đối tượng chứ làm gì có nhiều đến thế. Còn tôi nghĩ, đến giai đoạn nào đó, không cần ai bảo vệ mới là văn minh. Còn đi ra mà lúc nào cũng thấy người bảo vệ mình thì có nghĩa không an toàn"- ĐB Cầu nói.

Về việc vừa qua xảy ra sự việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), vậy khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào xã Đồng Tâm trong lúc tình hình đang "nóng" thì có đặt ra ra vấn đề cần có cảnh vệ không, vị đại biểu là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng: "Tôi nghĩ đó không phải là cảnh vệ mà là bảo vệ. Cảnh vệ chỉ bảo vệ yếu nhân. Theo dự luật chỉ có 18 chức danh được có cảnh vệ thôi. Còn bảo vệ là bảo vệ tất cả những gì có tình huống đột xuất. Một đồng chí không chỉ là chủ tịch, bí thư mà một nhà báo đi vào khu vực nguy hiểm thì cũng cần phải bảo vệ. Bây giờ, như phóng viên vào địa bàn nguy hiểm, nếu mình không phòng ngừa, bảo vệ cho anh em thì sao yên tâm để tác nghiệp".

Về vụ việc xảy ra ở tỉnh Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy bị bắn ngay tại phòng làm việc, nhiều người cho rằng nếu có cảnh vệ có thể không xảy ra sự việc này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng cảnh vệ càng nhiều thì có nghĩa xã hội càng bất ổn, cho nên đối tượng cảnh vệ như dự luật cũng đúng với thực tế hiện nay. "Còn không thể bảo vệ được nhiều đối tượng đâu, có sức đâu mà bảo vệ nhiều thế, tốn kém lắm. Tôi nghĩ còn phải giảm thêm"- ông Cầu bày tỏ.

Theo ĐB Cầu, tất cả sự việc vừa qua, trong đó có vụ việc ở Yên Bái, chỉ là hi hữu. "Chúng ta lấy một sự việc mà đưa ra tổng thể của quốc gia thì không nên. QH bàn những vấn đề rất lớn còn ở đâu cũng có những vấn đề này khác"-ông Cầu nói.

Vì vậy, theo quan điểm của ĐB Nguyễn Hữu Cầu, có lẽ đến một giai đoạn nào đó nên giảm đối tượng có cảnh vệ bởi vì xã hội mình càng ngày càng an toàn thì nên giảm. "Đến giai đoạn người ta thấy cảnh vệ chưa chắc hợp lý. Tôi đã rất nhiều lần đi bảo vệ các đối tượng A1 (nguyên thủ), có những bác, đồng chí không muốn xuất hiện ồn ào mà muốn đi về không phải trống giong cờ mở gì hết, chỉ cần làm việc hiệu quả, chất lượng. Thế còn dân mình rất tốt, không ai làm gì đâu"- ông Cầu nhấn mạnh.

Bốn lãnh đạo cấp cao được kiểm nghiệm thức ăn trước khi sử dụng

Đặc biệt, với 4 chức danh chủ chốt này, khi đi công tác bằng tàu bay sẽ được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN