Đây là lý do vì sao đám mây kỳ quái ở Sầm Sơn không thể gây siêu bão

So với một xoắn mây bão thì đám mây kỳ lạ ở Sầm Sơn có kích thước chỉ bằng 1/100 - 1/300.

Đây là lý do vì sao đám mây kỳ quái ở Sầm Sơn không thể gây siêu bão - 1

Đám mây kỳ lạ xuất hiện trên biển Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa)

Xoay quanh những tranh cãi về đám mây kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) vào khoảng 18h ngày 3/8 vừa qua, đại diện Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã có thông tin về sự việc này.

Theo đó, trao đổi với PV vào trưa 7/8, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, đây là một đám mây dông khá lớn, có hình dạng giống như một xoáy bão. “Tuy nhiên, cần khẳng định, đây chỉ là một đám mây dông bình thường, không liên quan đến bão hay áp thấp nhiệt đới”, ông Hải nhấn mạnh.

“Xoáy bão có kích thước lớn hơn đám mây dông này hàng trăm lần. Đám mây dông này ước tính có đường kính khoảng 1km, trong khi xoắn mây bão có kích thước phải từ 100 - 300km”, ông Hải giải thích.

Theo ông Hải, khi bề mặt mây bị đốt nóng đến một nhiệt độ cần thiết và độ ẩm hội tụ đến một ngưỡng nhất định thì các đám mây dông sẽ được hình thành (còn được biết đến là những trận dông nhiệt). Hiện tượng này thường xảy ra vào những ngày hè ở vùng nhiệt đới vào cuối giờ chiều.

Đây là lý do vì sao đám mây kỳ quái ở Sầm Sơn không thể gây siêu bão - 2

Người dân ở huyện Quảng Xương và thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cách biển Sầm Sơn hàng chục km cũng có thể nhìn thấy đám mây này.

Xem xét số liệu vệ tinh, radar và qua các hình ảnh, video trên mạng, ông Hải nhận định đây là một đám mây dông được hình thành dưới dạng mây vũ tích (Cb), tức một loại mây gây ra các trận mưa dông kèm sét, gió giật và có thể có cả mưa đá, vòi rồng. Trước đó, báo cáo của Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết đây là một đám mây vũ tích có chân mây khoảng 500 - 600m, màu đen kịt.

Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết thêm, đám mây dông ở Sầm Sơn chiều 3/8 tồn tại khá ngắn (chưa đến 10 phút) rồi suy yếu, chuyển thành mây tầng trung, không còn có hình dạng nhất định. Sau đó, đám mây này gây mưa rào, chứ không gây ra các hiện tượng nguy hiểm khác như lốc, sét, vòi rồng và không có thiệt hại nào được ghi nhận trong thời gian kể trên.

“Các đám mây dông như thế này xuất hiện khá nhiều trong tự nhiên, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới hoặc các vùng có bề mặt bị đốt nóng mạnh. Nhiều đám mây vũ tích còn có hình dạng và kích thước kỳ lạ hơn như đã được sưu tập trong bộ atlat về mây của Tổ chức Khí tượng thế giới”, ông Hải cho hay.

Đây là lý do vì sao đám mây kỳ quái ở Sầm Sơn không thể gây siêu bão - 3

Hình ảnh một đám mây dông trên trang web của Tổ chức Khí tượng thế giới.

Đây là lý do vì sao đám mây kỳ quái ở Sầm Sơn không thể gây siêu bão - 4

Cùng tính chất là mây dông như đám mây kỳ lạ ở Sầm Sơn, nhưng đám mây này có hình dạng khác.

Trước đó, vào lúc 18h ngày 3/8, trên bầu trời khu vực thành phố Sầm Sơn đã xuất hiện một đám mây đen, lạ, khổng lồ. Đám mây xuất hiện ở phía Đông Nam thành phố Sầm Sơn và di chuyển nhanh về phía Tây Bắc. Qua điều tra, thu thập ảnh mây do người dân và du khách cung cấp, Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa nhận định: “Đây là hiện tượng lạ, hiếm thấy về hoạt động của mây trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Sự quái lạ của đám mây đen tựa UFO xuất hiện ở Sầm Sơn

Đám mây rất giống hiện tượng “supercell” nhưng lại không xảy ra mưa to, dông bão hay lốc xoáy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Đám mây đen kỳ lạ xuất hiện ở Sầm Sơn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN