Dân Hy Lạp khước từ các chủ nợ châu Âu

Việc người dân Hy Lạp nói không với đề xuất giải cứu của châu Âu được coi là một chiến thắng của chính phủ Hy Lạp trước sức ép của các chủ nợ.

Ngày 5.7, đa số cử tri Hy Lạp đã mang lại cho chính phủ nước này một “chiến thắng” vang dội trước các chủ nợ châu Âu khi 61% người tham gia cuộc trưng cầu dân ý nói không với đề xuất giải cứu của Liên minh châu Âu (EU), gói cứu trợ bị chính phủ Hy Lạp coi là một hình thức “tống tiền”.

61% số cử tri nói “không” với gói cứu trợ là tỉ lệ mà ít người hình dung ra trước khi Hy Lạp tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Kết quả này đã khiến hàng ngàn người ủng hộ chính phủ đổ ra quảng trường Syntagma ở thủ đô Athens, vẫy cờ và nhảy múa mừng chiến thắng trước những lời cảnh báo, đe dọa của EU.

Dân Hy Lạp khước từ các chủ nợ châu Âu - 1
Người dân Hy Lạp vẫy cờ mừng "chiến thắng" trước sức ép của các chủ nợ

Tuy nhiên xen lẫn trong nỗi vui mừng đó là mối lo về một cuộc vật lộn kinh tế toàn diện mới chỉ bắt đầu ở Hy Lạp. Với việc các ngân hàng nước này đang trên bờ vực phá sản, các chuyên gia phân tích tỏ ra quan ngại rằng Hy Lạp sẽ sớm bị loại ra khỏi khu vực đồng euro.

Phát biểu trước quốc dân sau cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ca ngợi người dân vì “sự lựa chọn dũng cảm” của họ và cam kết rằng họ sẽ không phải hối hận vì điều này. Ông nói: “Các bạn trao cho tôi quyền lực không phải để tách ra khỏi châu Âu, mà là để đạt được một thỏa thuận với châu Âu nhằm giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng thắt lưng buộc bụng, đưa chúng ta vào một kỷ nguyên mới”.

Thủ tướng Tsipras đã đặt niềm tin rất lớn vào người dân Hy Lạp khi kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào hồi tuần trước, và tin rằng cử tri sẽ ủng hộ lời kêu gọi của ông từ chối đề xuất giải cứu cuối cùng để đổi lấy những yêu cầu thắt lưng buộc bụng gắt gao hơn nữa.

Dân Hy Lạp khước từ các chủ nợ châu Âu - 2
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras (áo trắng) tại một điểm bỏ phiếu

Kết quả trưng cầu dân ý này của Hy Lạp được coi là một sự phản kháng bất thường đối với trật tự đã được thiết lập tại châu Âu và có thể làm rung chuyển lục địa này đến tận cốt lõi.

Tối Chủ nhật, Hội đồng châu Âu đã ra tuyên bố cho biết các lãnh đạo EU sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn vào ngày 7.7 tới đây để thảo luận vấn đề Hy Lạp. Tuy nhiên một số quan chức cấp cao của châu Âu cho rằng họ sẽ gần như không còn khả năng đạt được thỏa thuận với Hy Lạp sau cuộc trưng cầu dân ý trên.

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho rằng Hy Lạp đã “phá hủy cây cầu cuối cùng nối liền với châu Âu” và “Thủ tướng Tsipras cùng chính phủ của ông đang dẫn người dân Hy Lạp tới con đường hy sinh cay đắng và vô vọng”.

Ông Jeroen Dijsselbloem, lãnh đạo khối các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung euro cho rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý này là “rất đáng tiếc cho tương lai Hy Lạp”.

Mặc dù cho rằng cơ hội để Hy Lạp và EU đạt được một thỏa thuận trong tương lai gần là “rất mong manh”, song các chuyên gia phân tích nhận định các lãnh đạo châu Âu đang phải chịu sức ép nặng nề trong việc mở những cuộc đàm phán nghiêm túc. Ông Nick Malkoutzis, chuyên gia phân tích của trang Macropolis nhận định: “Việc các lãnh đạo châu Âu từ chối đàm phán sau một cuộc trưng cầu dân chủ ở một quốc gia thành viên sẽ là tiền lệ rất xấu với hình ảnh của họ”.

Dân Hy Lạp khước từ các chủ nợ châu Âu - 3
Một người đàn ông Hy Lạp bật khóc vì không rút được tiền tại ngân hàng

Thời gian hiện đang rất gấp rút, bởi thời hạn cuối cùng mà Hy Lạp phải trả khoản nợ nhiều tỉ euro cho các chủ nợ châu Âu là ngày 20.7 tới đây, thế nhưng đất nước này đang kiệt quệ và không có nguồn tiền để trả nợ. Các ngân hàng Hy Lạp đang gần như cạn kiệt nguồn tiền và rất cần được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bơm thêm tiền, thế nhưng vẫn chưa ai biết được nguồn tiền này có được ECB tung ra hay không.

Hiện mỗi ngày người dân Hy Lạp chỉ được phép rút 60 euro mỗi người từ các ngân hàng, và nếu không được ECB bơm thêm tiền, hệ thống ngân hàng Hy Lạp sẽ hoàn toàn cạn tiền mặt vào ngày 6.7 này.

Mặc dù vẫn đầy bất an về tương lai, song nhiều người dân Hy Lạp vẫn tỏ ra không hối tiếc về quyết định của mình trong cuộc trưng cầu dân ý. Chloe Palaska, một người từng là giáo viên dạy tiếng Pháp cho biết: “Tôi đã thất nghiệp suốt 3 năm nay, tôi còn gì để mất cơ chứ?”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN