Đã làm đê bao còn nâng đường, có lãng phí?

Sự kiện: Tin TP Hồ Chí Minh

Nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM nên mạnh dạn cho dừng các dự án nâng đường để tính toán lại giải pháp chống ngập.

“TP.HCM vừa làm đê bao bên ngoài vừa nâng đường ồ ạt bên trong là cách làm lãng phí, thậm chí còn gây ra nhiều hệ lụy khó lường”. Nhiều chuyên gia về chống ngập bày tỏ như thế sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh về thực trạng nâng đường với xu hướng ngày càng tăng cao.

Làm đê bao lại nâng đường là lãng phí

Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết hiện nay trên địa bàn TP có 17 tuyến đường còn ngập chưa được xử lý và 23 tuyến đường đã được xử lý bằng giải pháp tạm vẫn còn khả năng ngập. Để xóa ngập, nhiều tuyến đường cần phải được nâng cấp, lắp đặt, thay thế hệ thống cống thoát nước. Vậy những tuyến đường này cần phải nâng cao bao nhiêu thì hợp lý?

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Chống ngập, cho biết các dự án nâng đường do Sở GTVT phê duyệt, trung tâm không có số liệu về các dự án nâng đường đã và đang thực hiện. “Có nhiều dự án nâng đường do quận, huyện làm chủ đầu tư, Trung tâm Chống ngập cũng không nhận được báo cáo” - ông Long nói.

Theo tìm hiểu, các dự án nâng đường do Sở GTVT phê duyệt thời gian gần đây đều có cốt nền từ +2 m trở lên so với cốt chuẩn quốc gia. Mới nhất là việc khởi động dự án nâng cấp khoảng 1,4 km quốc lộ 13 đi qua quận Thủ Đức (có tổng mức đầu tư gần 379 tỉ đồng, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức làm chủ đầu tư). Sở GTVT đã phê duyệt cốt nền cho dự án đạt đến +2,5 m nên dự kiến mặt đường sẽ được nâng cao gần 2 m so với hiện hữu.

Nếu quốc lộ 13 được nâng đạt cốt trên thì đây sẽ là tuyến đường được nâng cao nhất TP.HCM hiện nay. Nhưng điều đáng nói là trong khi dự án nâng cấp quốc lộ 13 đang triển khai thực hiện thì “bên ngoài” tuyến đường này cũng có một dự án chống ngập quy mô khác. Đó là dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn (đoạn qua quận Thủ Đức, dài khoảng  4 km, có tổng mức đầu tư 444 tỉ đồng) hiện đã thi công một số đoạn xung yếu. “Vừa nâng quốc lộ 13 lên cao, vừa làm đê bao ngăn triều bờ tả sông Sài Gòn đoạn dọc tuyến đường này là lãng phí thấy rõ” - ThS Hồ Long Phi, chuyên gia về chống ngập, bình luận.

Theo ThS Hồ Long Phi, đối với dự án chống ngập cho khu vực rộng trên 50 ha thì phương án làm đê bao ngăn triều sẽ hợp lý hơn nâng đường. “Dự án làm đê bao ngăn triều cho những vùng có diện tích lớn sẽ có chi phí thấp hơn việc nâng đường nhưng hiệu quả chống ngập lại cao hơn. Đây là tính toán kỹ thuật đã được chứng minh trên thực tế, được nhiều nước công nhận, áp dụng. Do đó theo tôi, nếu đã có dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn thì phải xem xét lại việc nâng quốc lộ 13 lên thêm 2 m có cần thiết hay không” - ông Phi đề nghị.

Đã làm đê bao còn nâng đường, có lãng phí? - 1

Hố ga thoát nước ở đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) nâng lên cao hơn mặt đường cũ cả mét. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nên dừng nâng đường để tính lại

Kỹ sư Lê Thành Công, người có nhiều năm nghiên cứu về chống ngập ở TP.HCM, cũng cho rằng cách nâng đường chống ngập như hiện nay gây lãng phí là điều thấy rất rõ. Ông lập luận: “Nâng đường chỉ chống ngập được mặt đường nhưng sẽ gây ngập các tuyến hẻm, ngập các khu dân cư. Vì thế, sau khi nâng đường thì số tiền bỏ ra để nâng hẻm, nâng nhà dân rất lớn. Chống ngập như thế là lãng phí. Đó là chưa nói các dự án nâng đường và làm đê bao ngăn triều có thể trùng lắp nhau, lại gây lãng phí thêm”.

Theo kỹ sư Công, hiện nay TP.HCM chưa có quy hoạch chi tiết về thoát nước nhưng chỉ căn cứ vào quy hoạch tổng thể về cốt nền xây dựng chung để nâng đường nên hiệu quả sẽ không cao. Bởi lẽ các dự án chống ngập không được tính theo lưu vực và liên lưu vực nên nâng đường thiếu tính toán có thể gây ra tình trạng chặn hướng thoát nước, gây ngập úng. “Không phải ở TP.HCM vùng nào có cốt nền thấp hơn mực nước triều cũng đều bị ngập. Nói thế để thấy rằng các vùng ngập ở TP có đặc điểm khác nhau, có nơi ngập do cống thoát nước chưa có hoặc chưa kết nối chứ không phải do thấp trũng. Do đó cần phải quy hoạch chi tiết thoát nước cho từng khu vực thì mới có giải pháp hợp lý được” - ông Công đề nghị.

Cùng quan điểm này, ThS Hồ Long Phi phân tích các tuyến đường sau khi nâng cao sẽ giống như các tuyến đê bên trong TP. Nếu không tính toán hợp lý, nó sẽ gây trở ngại hướng thoát nước nên nâng đường cao mà không đồng bộ với nâng hẻm, nâng nhà dân theo thì sẽ gây ra ngập úng. Khi đó, việc chống ngập sẽ càng phức tạp hơn. Ông Phi đề xuất: “Theo tôi, TP.HCM nên mạnh dạn dừng các dự án nâng đường chống ngập để tính toán phương án chống ngập cho thật hợp lý. Nếu chúng ta vừa dồn vốn thực hiện dự án ngăn triều mà căng sức để nâng đường chống ngập thì không những gặp khó khăn về nguồn vốn mà hiệu quả cũng sẽ không cao”.

Đúng quy trình nhưng sai thực tế

Các dự án nâng đường ở địa bàn TP.HCM trong thời gian qua mới nhìn thì thấy hợp lý vì đều đúng quy trình, đúng với quy hoạch. Tuy nhiên, về thực tế nó không đúng.

Nếu thực hiện theo quy hoạch cốt nền xây dựng chung với lý do TP.HCM có nhiều nơi thấp hơn đỉnh triều nên phải nâng nền lên đạt hơn +2 m thì không lẽ Hà Lan có cốt nền thấp hơn mặt nước biển 5 m họ phải nâng đường lên đến +6 m? Hay như đồng bằng sông Cửu Long, cốt nền thấp hơn TP.HCM rất nhiều thì phải nâng hết cả vùng này lên để chống ngập?

Đó là chưa nói đến hiện nay, TP.HCM đã thực hiện dự án ngăn triều với mức đầu tư đến 10.000 tỉ đồng. Nếu vừa làm đê bao mà vẫn ồ ạt nâng đường như thời gian qua sẽ gây lãng phí lớn.

ThS HỒ LONG PHI

_____________________________________

100.000  tỉ đồng là kinh phí ước tính để TP.HCM thực hiện các dự án chống ngập giai đoạn 2016-2020.

10 năm qua, TP.HCM đầu tư khoảng 24.300 tỉ đồng cho các dự án chống ngập. Tính đến hết năm 2014, tổng dư nợ vay cho chống ngập của TP.HCM đã hơn 25.100 tỉ đồng. Dự kiến mỗi năm tới, TP.HCM phải trả 4.250 tỉ đồng gồm nợ gốc và lãi vay cho các dự án trên.

Về việc nâng đường, hiện chưa có đơn vị nào thống kê đầy đủ các dự án đã, đang hoặc sắp làm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Thanh - Khang Bách (Pháp luật TP.HCM)
Tin TP Hồ Chí Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN