Cựu quan chức đường sắt bị đề nghị 11-13 năm tù

Tại phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, cáo trạng truy tố đúng người đúng tội và đã đề nghị các mức án cho các bị cáo. Theo đó, bị cáo Bằng bị đề nghị mức án cao nhất là từ 11-13 năm tù.

Chiều nay, TAND TP. Hà Nội tiếp tục phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án 6 cựu quan chức ngành đường sắt lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thỏa thuận nhận 11 tỷ đồng ngoài hợp đồng từ đối tác Nhật Bản.

Cựu quan chức đường sắt bị đề nghị 11-13 năm tù - 1

Các bị cáo tại phiên tòa chiều nay 26.10.

Tại phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội với các bị cáo. Căn cứ hồ sơ vụ án, nội dung xét hỏi tại tòa, Viện Kiểm sát khẳng định, cáo trạng đã truy tố đùng người, đúng tội.

Đánh giá về vai trò của từng bị cáo, Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Phạm Hải Bằng đã làm trái quy định được giao nhằm hưởng lợi số tiền 11 tỷ đồng.

Bị cáo Bằng phạm tội tích cực, đứng ra đàm phán để hưởng lợi. Bị cáo là người giữ vai trò chính, đứng ra chỉ đạo hai thuộc cấp là bị cáo Duy và bị cáo Thái nhận tiền từ đối tác JTC. Vì vậy, cần thiết phải có bản án nghiêm khắc đối với bị cáo Bằng, cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài để răn đe, giáo dục thành công dân tốt.

Cựu quan chức đường sắt bị đề nghị 11-13 năm tù - 2

Viện Kiểm sát cho rằng cần thiết phải có bản án nghiêm khắc đối với bị cáo Bằng, cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài để răn đe, giáo dục

Đối với Phạm Quang Duy, đại điện Viện Kiểm sát cho rằng, Duy là điều phối viên, khi được Bằng chỉ đạo và biết rõ Bằng gợi ý để lấy tiền ngoài hợp đồng của JTC nhưng bị cáo đã hưởng ứng.

Duy đã một lần trực tiếp nhận tiền từ đối tác Nhật Bản và nhiều lần nhận tiền từ Phạm Hải Bằng. Bản thân bị cáo Duy cũng hưởng lợi hơn 35 triệu đồng. Vì vậy, cần phải có một bản án nghiêm khắc dành cho bị cáo Duy.

Đối với bị cáo Nguyễn Nam Thái, giống như bị cáo Duy, bị cáo Thái biết việc Bằng gợi ý để lấy tiền ngoài hợp đồng của JTC. Tuy nhiên, bị cáo lại nhiều lần nhận tiền từ Phạm Hải Bằng và JTC với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng. Số tiền này được đưa vào sử dụng tổ chức hội thảo, hội họp… Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, cần phải có mức án nghiêm khắc đối với bị cáo Thái để răn đe, giáo dục.

Đối với bị cáo Trần Văn Lục, được Bằng báo cáo JTC hỗ trợ tiền để tổ chức lễ ký kết hợp đồng nhưng bị cáo vẫn bỏ mặc để hậu quả sự việc xảy ra. Ngoài ra, bị cáo còn hưởng lợi 100 triệu đồng.

Đối với Trần Quốc Đông, cũng như bị cáo Lục, Đông biết Bằng làm trái quy định nhưng vẫn để hậu quả xảy ra. Bị cáo cũng biết việc chi tiền có nguồn gốc từ JTC cho việc đưa hỗ trợ nhân viên của RPMU đi nghỉ mát. Ngoài ra, Đông được hưởng lợi 30 triệu đồng. Viện Kiểm sát đề nghị tòa tuyên Đông mức án nghiêm khắc.

Về bị cáo Nguyễn Văn Hiếu, Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo này đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao bỏ ra nhiều quy trình quy định theo pháp luật để giải ngân cho nhà thầu... Bản thân Hiếu cũng được hưởng lợi bất chính số tiền 50 triệu đồng. Vì vậy, Viện Kiểm sát đề nghị cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian.

Cựu quan chức đường sắt bị đề nghị 11-13 năm tù - 3

Đại diện Viện Kiểm sát TP. Hà Nội đề nghị mức án dành cho các bị cáo.

Căn cứ nội dung trên, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã đề nghị các mức án dành cho các bị cáo.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Hải Bằng bị đề nghị mức án 11-13 năm tù giam.
Bị cáo Nguyễn Nam Thái bị đề nghị mức án 7-12 năm tù gia.
Bị cáo Phạm Quang Duy bị đề nghị mức án từ 8-10 năm tù giam.
Bị cáo Trần Văn Lục bị đề nghị mức an 6-8 năm tù giam.
Bị cáo Trần Quốc Đông bị đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiếu, VKS đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam.

Ngoài các mức án trên, Viện Kiểm sát đề nghị buộc các bị cáo giao nộp lại số tiền 11 tỷ đồng hưởng lợi bất chính nhận từ phía đối tác Nhật Bản JTC.

Tháng 10.2008, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1), đồng thời giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý dự án Tuyến số 01 cho RPMU.

Đến tháng 9.2009, ông Phạm Hải Bằng với vai trò Chủ nhiệm Dự án đường sắt đô thị Tuyến số 1 (giai đoạn I) đã đại diện Tổng Cty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án với Cty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và một số đối tác khác.

Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, ông Bằng đã đề cập tới một số khó khăn về chi phí triển khai dự án với đại diện JTC. Phía JTC sau đó đồng ý hỗ trợ.

Sau khi có thỏa thuận trên, bị can Bằng thông báo cho Phạm Quang Duy (lúc đó là Trưởng phòng Dự án 3 - RPMU) cùng Nguyễn Nam Thái biết để thực hiện. Từ tháng 9.2009 đến tháng 2.2014, JTC đã chuyển tổng cộng 11 tỷ đồng (69,9 triệu yên Nhật) cho ông Bằng, Thái, Nam ở nhiều địa điểm khách nhau.

Toàn bộ số tiền này đã được các bị cáo sử dụng cho các chi phí tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp đi lại, làm ngoài giờ, nghỉ mát… trong đó bản thân các bị can đều được hưởng lợi riêng.

Việc tiếp nhận và sử dụng 11 tỷ đồng của JTC các bị can không mở sổ sách theo dõi tại RPMU hay Tổ dự án và không báo cáo ai tại Tổng công tu Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, Phạm Hải Bằng có báo cáo với Giám đốc RPMU gồm Trần Văn Lục (Giám đốc từ năm 1999 đến tháng 9.2009), Trần Quốc Đông (Giám đốc từ tháng 10,2009 đến tháng 5.2011) và Nguyễn Văn Hiếu (Giám  đốc từ 6.2011 đến khi khởi tố vụ án). Tuy nhiên, các bị can Lục, Đông, Hiếu không có chỉ đạo gì để chấm dứt việc tiến nhận, sử dụng trái phép các khoản tiền từ JTC. Bản thân cá nhân Lục, Đông, Hiếu cũng được hưởng lợi các nhân từ lợi ích chung di việc sử dụng tài khoản tiền này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN