Cuộc sống mới của cha con người rừng

Một năm trước, Sùng A Páo (dân tộc Mông) và hai con sống như người rừng trong một hang đá ở Cao Bằng.

Sau khi được đón về Hà Nội, giờ A Páo trở thành “công nhân” trồng hoa, lương tháng 3 triệu đồng, còn con trai đã được đi học…

Những nhân vật đặc biệt


Trung tâm Dạy nghề nhân đạo của ông Trần Duyên Hải nằm trong con ngõ nhỏ Linh Quang, thuộc phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Nơi đây từng cưu mang hàng chục nghìn số phận bất hạnh. Không chỉ giúp cho những người cơ nhỡ có nơi ăn chốn ở, Trung tâm còn chăm lo cả việc dạy nghề, học văn hóa và giới thiệu việc làm cho họ. Ba bố con “người rừng” Sùng A Páo có lẽ là nhân vật đặc biệt nhất tại Trung tâm, bởi chỉ một năm trở về trước, họ còn sống trong một hang đá như thời nguyên thủy trên vùng núi cao của xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

A Páo người già nua, gầy đét, da đen như thanh củi cháy xém. Hỏi Páo, Páo bảo chẳng nhớ sinh năm nào, sống ở cái hang đá ấy từ bao giờ. Páo chỉ biết mình có tới 3 đời vợ. Người vợ cả lấy nhau được một năm thì ăn lá ngón tự tử. Người vợ thứ 2, sinh cho ông 8 người con rồi bỏ đi theo người đàn ông khác. Páo lấy thêm người vợ thứ 3 kém rất nhiều tuổi, bị thiểu năng trí tuệ. Hai người có với nhau ba mặt con là Sùng A Lự (SN 2003), Sùng A Đại (SN 2008) và một đứa... đã chết vì đói ăn, bệnh tật.

Cuộc sống mới của cha con người rừng - 1

Ba cha con ông Páo ở Trung tâm

Nhìn ánh mắt trong veo của A Lự, tôi hiểu rằng Trung tâm của ông Hải đã phải nỗ lực rất nhiều mới có thể giúp 3 cha con A Lự có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Được về Trung tâm là điều may mắn lớn của bố con A Lự. Đôi vai nhỏ bé của A Lự đã thoát khỏi những bó củi khổng lồ, bố con không còn phải chịu những cơn đói triền miên và những bữa mì tôm nấu ớt ở hang đá Mông Ân. Và ở đây họ đã biết thế nào là Tết.

Gần hai năm trước, cô vợ trẻ của ông bị lừa bán sang Trung Quốc, kể từ đó, Páo sống đơn chiếc với hai đứa con trong một căn nhà rách nát. Vợ không còn, con đông, Páo không phải là người ưa lao động, lại ham rượu chè nên căn nhà rách nát cũng bị Páo đổi lấy... hai chai rượu. Páo dắt hai con lên hang đá Mông Ân ở. “Để sống được, tôi phải lặn lội đi kiếm nắm lá hay quả rừng, hôm nào gặp may thì có thêm con cá bắt được dưới suối. Không có gạo, cả nhà ăn rau rừng, cá suối... Nhiều khi mưa rừng lớn, không kiếm được gì ăn thì chỉ biết chịu đói, lấy nước suối thay thức ăn” – A Páo kể.

Nhắc tới “căn nhà” của A Páo, ông Hải nhớ lại: “Phải đi bộ mất một tiếng rưỡi mới lên tới hang đá- nơi bố con Páo ở. Trong hang không thóc gạo, thực phẩm, cái xoong vương lại vài sợi mì mốc meo. Ba bố con gầy nhẳng, đầu tóc bù xù như người rừng. Thằng lớn còn mặc quần áo chứ thằng út thì không”.

Ở hang núi Mông Ân, hàng ngày Páo đi đốn cây rừng, dùng nêm gỗ bóc cây làm củi như cách người nguyên thủy vẫn làm. Sùng A Lự mới vài tuổi sớm trở thành trụ cột của cả nhà. Mỗi ngày, A Lự còng lưng tha bó củi cao hơn nó đến thị trấn bán được 10 nghìn rồi đổi lấy vài gói mỳ. Về nhà, ba bố con ăn mỳ chung với ớt.

"Thằng Lự vác bó củi vật vã trên những ngọn núi tai mèo nhọn hoắt, chẳng khác một con kiến tha miếng mồi. Vậy mà hôm nào nó không đổi được mỳ là bị A Páo đánh, thậm chí dìm xuống suối. Có lẽ vì thiếu dinh dưỡng mà tóc A Lự và A Đại cứ đỏ hoe. A Páo và cậu bé A Đại chỉ biết nói tiếng Mông và bập bõm vài ba từ tiếng Kinh. Hai bố con chẳng đi đâu ngoài cái hang đá rộng không quá 2m ấy. A Lự thì quen xuống thị trấn đổi củi nên nói tiếng Kinh sõi hơn. Ba bố con gầy gò, xanh xao, không giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu” – ông Hải nói.

Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh Tâm rất ấn tượng với học trò A Lự từ ngày đầu tiên em tới lớp. Cô Tâm chia sẻ: “Ban đầu khi nghe nói lớp sẽ có một em người rừng, tôi cũng rất ái ngại, lo không biết dạy ra sao. Lự mới vào lớp học được hơn 2 tháng nhưng em tiếp thu rất nhanh, đã theo kịp và hòa đồng được với các bạn. Lự chăm lắm, hôm nào đến phiên trực nhật là em đến rất sớm, cái giẻ lau bảng của cô lúc nào cũng sạch sẽ”. Trường tiểu học Văn Chương đã miễn phí cả tiền học phí và tiền ăn uống bán trú để hỗ trợ cậu học trò “người rừng” Sùng A Lự.

Lạc giữa đô thành

Thời gian đầu, để “đào tạo” được “người rừng”, các cán bộ của Trung tâm rất vất vả. Về Hà Nội hơn một tháng, ba bố con Páo vẫn ngơ ngác. Thấy cái tivi đang nói, ông cứ nhìn chằm chằm không hiểu “sao lại có người ở trong đó”, rồi tròn mắt trước cái điện thoại khi có tiếng chuông gọi. Quen cách sống ở rừng nên Páo tiếp thu rất kém. Páo không biết giặt giũ quần áo. Cả việc đánh răng Páo cũng lóng ngóng như đứa trẻ…

Nói về ngày đưa “người rừng” xuống núi, ông Hải kể: “Đó là chuyến đi nhớ đời. Ôtô chạy ròng rã từ Hà Nội, vượt đèo dốc vào xã Mông Ân, rồi từ xã phải đi bộ 4 tiếng đồng mới vào tới nơi họ ở. Thấy người lạ, bố con Páo bỏ chạy. Ông Páo nhất quyết không chịu về xuôi. Tôi phải nhờ một người Mông làm việc ở xã thuyết phục mãi. Tưởng mọi chuyện đã xong, khi ra ôtô, A Đại lại khóc không chịu lên vì: “Con trâu này to quá”.  Quãng đường từ hang về Hà Nội mấy trăm cây số, ba bố con A Páo bị say xe kêu loạn lên. Phải để cái mũ cối cho họ nôn ra, cứ đầy lại đổ… Hành trình từ hang núi về trung tâm mất 6 ngày”.

Hà Nội với bố con Páo như một thiên đường, mọi thứ đều xa lạ nên bố con Páo rất tò mò. Páo thử đi ra phố, nào ngờ lạc mất. May mắn, Trung tâm cho người đi tìm thấy. Phòng bất trắc, ông Hải đã để trong túi áo ngực của Páo cái địa chỉ của ông và trung tâm, mặt sau có in sơ đồ chỉ dẫn đường để lỡ có bị lạc nữa thì Páo cũng tìm hoặc nhờ người đưa về.

Được vài tuần, tỏ ra đã thông thạo đường xá quanh Trung tâm, Páo xin đi đổ rác “cho các ngươi”. Nhưng Páo đi đổ rác rồi lại quên mất đường về. Mấy tiếng không thấy Páo, sốt ruột quá, ông Hải lên phòng Páo kiểm tra thì thấy cái áo có hai tờ địa chỉ vứt dưới sàn nhà. Cả Trung tâm lại nháo nhác huy động người đi tìm. Ông Hải cho người in ảnh chân dung ông Páo đi dán khắp nơi. Một ngày, rồi một đêm, rồi một ngày nữa vẫn bặt vô âm tín. Tình cờ, một học viên đi xe buýt chợt phát hiện Páo lượn qua đầu xe ở địa phận quận Thanh Xuân, dọc đường Nguyễn Trãi. Cậu này nhảy xuống kéo Páo lại, Páo bỏ chạy rồi ú ớ kêu cứu. Cậu học viên phải báo tin cho ông Hải đến. Suốt hai ngày ròng rã đi tìm, khó khăn lắm Trung tâm mới đưa được Páo về!

Lần đầu ăn Tết ở Thủ đô

Từ ngày ba bố con Páo về Trung tâm đến nay đã gần một năm. Họ được đưa đi cắt tóc, sắm sửa quần áo. "Páo giờ đã giao tiếp với người Kinh gần như bình thường. Biết chào hỏi, biết dùng đũa để ăn, biết đánh răng, chải đầu, giặt quần áo… Hai đứa trẻ  được cho đi học. Giờ đây, chẳng còn ai nhận ra họ là người rừng nữa" – ông Hải vui mừng kể.

Cuộc sống mới của cha con người rừng - 2

A Lự rất vui khi lần đầu tiên nhận được quà từ “bà già” Noel

Năm tháng đầu ở Trung tâm, bố con Páo học giao tiếp với mọi người. Rồi được các tình nguyện viên hướng dẫn làm những việc đơn giản như nhặt rau, đun nước, dọn cơm… Ông Hải đã tìm cho A Páo công việc chăm sóc vườn tược tại một doanh nghiệp ở Gia Lâm. Nhưng ban đầu Páo rất lười, không chịu lao động mà chỉ ăn, lắm lúc Páo ngồi ăn một mạch hết hai nải chuối to với một rổ cam quýt. Làm được 3 ngày thì A Páo bỏ vì “không quen làm”. Ông Hải đã mất rất nhiều thời gian đi lại từ Khâm Thiên sang Gia Lâm để dỗ dành A Páo. Dần dần Páo đã có những thay đổi, biết làm cỏ, tưới cây, chăm sóc cây cảnh, biết một ngày phải làm việc mấy tiếng.

Thấy Páo đã học việc thành thạo, Trung tâm xin cho ông ra Quảng Ninh để trồng hoa và sinh vật cảnh, lương mỗi tháng 3 triệu đồng, cộng với thưởng và lương tháng thứ 13 là được 40 triệu/năm. Số tiền này Trung tâm sẽ giữ để vài năm nữa cho ba bố con Páo hồi hương, ổn định nơi ăn chốn ở. “Hướng của Trung tâm là giúp Páo phải có nghề, hai cháu được đi học, khi đó chúng tôi mới bàn giao cho địa phương”– ông Hải chia sẻ.

Cuộc sống mới của cha con người rừng - 3

Những lúc rảnh, ông Hải lại hướng dẫn A Lự học bài

A Páo đã rất vui với cuộc sống hiện tại. Mới đây vì nhớ cái hang của mình, Páo nằng nặc xin về thăm. Nhưng trước khi đi, Páo đã hứa sẽ về ăn Tết ở Thủ đô. Còn A Lự sau 6 tháng học chữ ở Trung tâm đã được đi học ở Trường Tiểu học Văn Chương. A Đại thì được vào nhà trẻ.

Chúng tôi tìm đến lớp 1A6, Trường Tiểu học Văn Chương – nơi Lự đang theo học. Nhìn Lự vui đùa cùng các bạn trong lớp, chúng tôi thấy mắt cay cay. Em đã thực sự hòa nhập với cuộc sống nơi đây. So với ngày mới về Trung tâm, Lự trắng trẻo, mập hơn nhiều, nụ cười đã bừng sáng trên gương mặt. A Lự vui vẻ khoe: “Ở đây thích lắm, được ăn no lại còn được đi học, được gặp nhiều bạn nữa. Em cũng đã biết đọc, biết viết chữ rồi nhé”. Lật từng trang vở của Lự, nét chữ tròn trịa trên các trang vở sáng đẹp, ít ai nghĩ rằng đó là chữ của cậu bé “người rừng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thuận (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN