Công khai danh tính HS vi phạm giao thông: Nên hay không?

Việc công khai đưa hình ảnh, tên tuổi, địa chỉ nhà, trường lớp… của học sinh vi phạm giao thông lên báo chí mang tính răn đe nhưng cũng có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.

Công khai danh tính HS vi phạm giao thông: Nên hay không? - 1

Học sinh vi phạm giao thông bị CSGT xử phạt ở Hà Nội (Ảnh: Tất Định)

Mới đây, Đ.T.U-một học sinh cấp 3 ở Hà Nội có đăng tải lên trang facebook cá nhân về việc bị đưa tên tuổi, hình ảnh (không làm mờ mặt), địa chỉ nhà, trường lớp… lên báo khi vi phạm giao thông.

Đ.T.U kể, vào khoảng 10 giờ 45 ngày 14.3.2016, đi học về, vì không đội mũ bảo hiểm nên U. bị cảnh sát giao thông xử phạt tại ngã tư Hai Bà Trưng-Ngô Quyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Lúc bị bắt, U. thấy có người đưa máy ảnh, máy quay về phía mình. U. có nói rằng: "Các anh đừng chụp em hay quay em nữa, nếu có chụp hay quay thì các anh đừng đăng tải lên báo hay tivi". Em có nói như thế mấy lần và các cũng anh nói "Ừ rồi "yên tâm, anh không cho lên báo hay tivi đâu".

Tuy nhiên, sau khi về nhà lướt internet đọc báo, U. thấy mặt mình xuất hiện trên báo. Ngay cả địa chỉ nhà ở, trường, lớp, ngày tháng năm sinh của U. cũng bị đưa lên công khai.

“Việc quay video học sinh vi phạm giao thông mà không được sự đồng ý của học sinh thì có đúng hay không? Em cũng đã gọi điện với mong muốn rằng tòa soạn hãy gỡ bài viết xuống hoặc gỡ ảnh ghi địa chỉ và video nhà ở, trường, lớp xuống, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy hồi âm gì”, U. cho hay.

Công khai danh tính HS vi phạm giao thông: Nên hay không? - 2

Nhiều người e ngại, việc công khai danh tính học sinh vi phạm giao thông lên báo chí có thể ảnh hưởng tới tâm lý các em

Trao đổi về vấn đề này, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết: “Tất cả các trường hợp vi phạm giao thông thì vẫn công khai. Học sinh vi phạm vẫn bị xử phạt và cảnh sát giao thông sẽ làm báo cáo gửi về các trường để nhà trường có hình thức xử lý tiếp theo”.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cũng cho rằng, học sinh vi phạm bị xử phạt là đúng, là cần thiết để răn đe. Tuy nhiên, khi báo chí đưa thông tin công khai về hình ảnh, danh tính, địa chỉ học sinh vi phạm thì cũng cần hạn chế.

“Việc đưa thông tin hình ảnh, danh tính, địa chỉ học sinh vi phạm là cần thiết nhưng đừng đưa chi tiết quá. Mỗi cơ quan báo chí, truyền hình sẽ có quy định riêng về việc đưa thông tin, hình ảnh lên trang như thế nào, có che mặt hay không, đưa địa chỉ trường lớp, nhà riêng hay không… chúng tôi không can thiệp được”, ông Thái cho hay.

Luật sư Phạm Hương Giang (Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải, Hà Nội) thì nói: “Tôi không đồng ý công khai đưa tên tuổi, hình ảnh, địa chỉ… học sinh vi phạm giao thông lên báo chí bởi, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến danh dự, tâm lý học sinh. Học sinh là những người đang trong độ tuổi phát triển, nhận thức chưa đầy đủ nên việc công khai lên báo chí có thể ảnh hưởng đến tâm lý học sinh dẫn đến việc bỏ học, trầm cảm hoặc tệ hơn là tử tự vì xấu hổ”.

Theo luật sư Giang, hiện việc pháp luật vẫn chưa quy định rõ ràng, cụ thể về việc công khai hình ảnh, danh tính, địa chỉ người vi phạm giao thông. Nhiều khi báo chí đưa tin về một vụ phạm tội hình sự nghiêm trọng cũng phải giấu tên, che mặt hoặc đổi tên, viết tắt tên người phạm tội. Vì vậy, cớ gì mà học sinh vi phạm giao thông như không đội mũ bảo hiểm hay vượt đèn đỏ… chỉ là vi phạm hành chính lại bị công khai?

“Trừ khi học sinh vi phạm giao thông gây hậu quả nghiêm trọng còn nếu không thì không nên đưa danh tính, hình ảnh, địa chỉ các em lên báo chí. Xử phạt hành chính là cần thiết và nhắc nhở các em là để giáo dục chứ không phải răn đe”, luật sư Giang chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN