Cô gái "người rừng" vất vả hòa nhập

Đã 3 ngày sau khi được giải cứu nhưng mẹ con “người rừng” vẫn chưa thể hòa nhập với cuộc sống.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Xuân - Phú Yên, so với ngày đầu mẹ con ĐL.T.A. được giải cứu ra khỏi rừng, cô tươi tỉnh, dạn dĩ hơn nhiều. TA không còn run rẩy hoặc lẩn trốn khi gặp người lạ, nói năng cũng rành rọt, rõ ràng hơn.

Chỉ ăn cơm với mắm

Tuy nhiên, sau gần 8 năm sống thui thủi giữa rừng, hiện T.A. vẫn chưa thể quen được với cuộc sống bình thường. Cô không biết dùng lược chải tóc. Mỗi sáng ngủ dậy, T.A. chỉ dùng các ngón tay vuốt tóc ra sau rồi dùng sợi dây rừng mà cô còn mang theo buộc lại. Cô không biết cả việc vặn vòi nước để rửa mặt.

Mỗi ngày, Hội LHPN và Phòng LĐ-TB-XH huyện Đồng Xuân luân phiên cử một cán bộ nữ đến cơ quan công an huyện, nơi mẹ con T.A. tạm cư ngụ, để giúp đỡ họ làm quen với cuộc sống bình thường. Bà Trúc cho biết ngoài cơm với mắm, T.A. không ăn bất cứ món nào khác. “Có mấy lần, chúng tôi đổi món nhưng T.A. không dùng được. Em chỉ ăn cơm với mắm; còn thịt, cá thì gạt ra ngoài” - bà Trúc kể.

Cô gái "người rừng" vất vả hòa nhập - 1

Mẹ con T.A. (trái) đã dạn dĩ hơn nhiều

Sau một ngày tiếp xúc với T.A., bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, vẫn hết sức ngỡ ngàng trước sự xa lạ với cuộc sống của mẹ con cô. “Chăn bò từ nhỏ, không được đi học, lớn lên lại phải vào rừng sống tách biệt với bên ngoài nên T.A. đã mất đi kỹ năng sống. Vẫn còn lâu T.A. mới có thể hòa nhập cuộc sống được” - bà Lai chua xót.

Tiền để làm gì?!

Chiều 12/6, mẹ con T.A. được sắp xếp ăn ở trong một phòng riêng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân, có người bảo vệ. Cùng ngày, một số cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên và nhiều nhà hảo tâm đã đến thăm mẹ con T.A., hỗ trợ họ 8 triệu đồng. Khi trao tiền, mọi người đều bất ngờ vì nghe cô hỏi: “Cái này để làm gì?”. Số tiền nêu trên đang được Phòng LĐ-TB-XH và Hội LHPN huyện Đồng Xuân giữ hộ.

Cùng ngày, UBND huyện Đồng Xuân tiếp tục có cuộc họp bàn giải pháp giúp đỡ mẹ con “người rừng”. Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo UBND xã Xuân Sơn Nam làm giấy khai sinh cho con của T.A.. Phòng LĐ-TB-XH huyện làm các thủ tục để mẹ con cô được hưởng các chế độ dành cho hộ nghèo, BHXH huyện cũng tiến hành cấp thẻ bảo hiểm y tế cho mẹ con cô. Chúng tôi đang xem xét hỗ trợ nhà tình thương cho họ”.

Tinh thần của mẹ con T.A. hiện đã khá hơn rất nhiều. T.A. cho biết cô rất thoải mái khi được ra khỏi rừng. “Ở đây, ai cũng thương em. Em lại được ăn no” - T.A. khoe. Theo bà Phạm Thị Tương Lai, nhằm tránh bị kỳ thị và được trang bị kỹ năng sống để hòa nhập cộng đồng, sau khi kết thúc điều tra, mẹ con T.A. sẽ được đón vào sống tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Phú Yên một thời gian. “Tại đây, chúng tôi sẽ dạy cách sống, dạy chữ, dạy nghề để sau này T.A. có thể tự lập” - bà Lai cho biết.

Cha T.A. phủ nhận việc cưỡng hiếp con

Thượng tá Trà Trọng Phú, Phó trưởng Công an huyện Đồng Xuân, cho biết qua điều tra ban đầu, cơ quan công an đã xác định hành vi ngược đãi, hành hạ con ruột của ông Đ.N.H., cha T.A.. “Ông H. đã có hành vi ngược đãi, hành hạ T.A. khi đánh đập, đưa cô vào rừng chăn bò” - thượng tá Phú nói.

Riêng việc cưỡng hiếp con ruột, theo thượng tá Phú, cả ông Đ.N.H. và vợ là bà L.T.N.D. đều phủ nhận lời khai của T.A. trước cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cùng với việc xét nghiệm ADN (chưa có kết quả), cơ quan điều tra đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để sớm làm rõ vụ việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN