Chuyện “sinh - tử ” nơi rốn lũ

Hà Tĩnh và Quảng Bình phải đối mặt cảnh “lũ chồng lũ” khiến cuộc sống của người dân nơi đây khốn khổ trăm bề.

Chuyện “sinh - tử ” nơi rốn lũ - 1

Nước lũ dâng ngập nhiều xóm làng tại Quảng Bình

Trong vòng nửa tháng, Hà Tĩnh và Quảng Bình phải đối mặt cảnh “lũ chồng lũ” khiến cuộc sống của người dân nơi đây khốn khổ trăm bề.

Đưa tang, đi đẻ bằng... thuyền

Ngày 1/11, bà Trần Thị Thuận (hơn 70 tuổi), trú tại xóm 11, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh do tuổi cao đã qua đời. Vì địa bàn xã vẫn bị ngập ngang đầu gối, nước chảy xiết, giao thông bị chia cắt nên UBND xã Hà Linh và nhiều người dân đã phải dùng thuyền cùng gia đình bà Thuận vận chuyển quan tài đi chôn cất. Một người thân trong gia đình buồn bã nói: “Dân chúng tôi ở vùng thấp trũng, bình thường đã khổ với mưa lũ, lại có người nhà mất đúng ngày mưa lũ nên càng cực hơn”.

Trước đó, 4h sáng 1/11, người nhà của chị Nguyễn Thị Huyền, trú tại xóm Trung Sơn, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê gọi điện lên cán bộ xã thông báo chị Huyền sắp đẻ nhưng không thể ra khỏi nhà vì nước lũ chia cắt.

Sau khi nhận được thông tin, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên đã trực tiếp điều động thuyền máy xuống đưa chị Huyền lên Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê để sinh. Sau khi đưa sản phụ Huyền đến bệnh viện, Chủ tịch xã Lộc Yên lại tiếp tục nhận được điện thoại cầu cứu của người nhà chị Nguyễn Thị Hà, trú xóm Hương Đồng, xã Lộc Yên thông báo chị Hà cũng sắp sinh. Chuyến thuyền máy thứ 2 lại được người đứng đầu xã điều động và trực tiếp đến đưa sản phụ Hà đi bệnh viện để sinh "mẹ tròn con vuông".

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho biết: Khi đó trời mưa rất to, nước sông Ngàn Sâu chảy xiết và đoạn đường đến bệnh viện cũng khá xa, (khoảng 7km) lại bị ngập sâu, nhưng may mắn tất cả đều thuận lợi, cả chị Huyền và chị Hà đều đến bệnh viện an toàn. Do chúng tôi là dân vùng lũ nên chuyện đưa người người dân đi viện bằng tàu thuyền cũng chủ động.

Đau lòng nhất tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), sáng 2/11, ông Dương Văn Đen (trú thôn Vinh Quang) đã dùng thuyền chở con gái vượt lũ đến trường đi học không may bị sóng lớn làm lật thuyền. Ông Đen may mắn được người dân cứu thoát, còn con gái là Dương Thị Kim Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Hoa Thám bị nước lũ cuốn mất tích. Suốt 2 ngày đêm vật lộn với nước lũ, cuối cùng mọi người đã tìm được thi thể nạn nhân và giao lại cho gia đình”. Trong lúc tang thương, người dân Vinh Quang không ai bảo ai, tự gác việc nhà tới giúp gia đình ông Đen thu dọn đồ đạc khi nước rút, cùng nhau lo tổ chức tang lễ .

Dân miền núi phải học… chèo thuyền

Khi lũ tới, không chỉ chính quyền, lực lượng vũ trang mà nhiều người dân thường cũng chủ động chèo thuyền đi cứu người. Đó là trường hợp anh Hoàng Mạnh Hùng và Hoàng Thanh Long ở thôn Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch, Quảng Bình) đã chèo thuyền vượt lũ trong đêm 1/11 để đưa nước, lương khô, mì tôm giúp dân làng có sức chống chọi với lũ. Sau đó, anh Hùng và Long lại chèo thuyền quanh xóm xem có ai cần giúp đưa người, chuyển đồ. Khi trời sáng, điện thoại reo có người ốm cần chở ra quốc lộ để đón xe đi bệnh viện. Các anh lại đưa thuyền vượt lũ tới cứu người.

Huyện miền núi Hương Khê là huyện nghèo của Hà Tĩnh, do lũ lụt bất thường và xảy ra thường xuyên nên nhà nhà người người nơi đây đều sắm cho một chiếc thuyền gỗ nhỏ để phòng thân. Mỗi khi nước lũ về, người dân lại dùng thuyền vận chuyển đồ đạc, gia sản lên vùng cao hơn để gửi nhờ. Mỗi lúc đi đây đi đó người dân lại chèo thuyền không khác gì vùng sông nước ở đồng bằng. Cuộc sống mưu sinh của người dân miền núi Hương Khê luôn gắn liền với những chiếc thuyền gỗ.

Anh Phan Công Thức (xóm 6, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, cuối tháng 10 nghe Đài Khí tượng thủy văn báo trời sẽ mưa to đến rất to nên tôi phải đưa 2 con của tôi đi gửi ở nhà dì ruột trên vùng cao. Mấy hôm trước, đường vào nhà tôi ngập gần 15m, giờ nước đã rút nhưng vẫn bị ngập gần 10m nên chúng tôi phải đi bằng thuyền để về nhà. Trận lụt lần này ngoài việc trời mưa to thì một phần cũng do Thủy điện Hố Hô xả lũ nên mới bị ngập nặng như thế này. Bà con nơi đây không chỉ học lái xe máy, ô tô mà còn phải học cả kỹ năng chèo thuyền để thích nghi với cuộc sống nơi vùng lũ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Thanh - Trần Lộc (Báo Giao thông)
Quảng Bình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN