Chiến dịch ngoại giao bí mật “hàn gắn” quan hệ Mỹ-Cuba

Mỹ và Cuba đã mất 18 tháng trời đàm phán bí mật với sự can thiệp của cả Giáo hoàng Francis mới có thể đi đến kết quả bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Ngày 18/12, lãnh đạo Mỹ và Cuba chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm thù địch, nhưng ít ai ngờ để đạt được kết quả rất được mong đợi này, hai nước đã có một chiến dịch đàm phán ngoại giao bí mật kéo dài suốt một năm rưỡi.

Theo các quan chức cấp cao Mỹ, chiến dịch ngoại giao này bắt đầu bằng lời đề nghị đàm phán của Mỹ gửi tới Cuba, và sau đó là một loạt 9 cuộc gặp được tổ chức tại Canada, bắt đầu từ tháng 6/2013.

Chiến dịch ngoại giao bí mật “hàn gắn” quan hệ Mỹ-Cuba - 1

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trên truyền hình 

Qúa trình đàm phán này cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Giáo hoàng Francis, người đã mở cửa tòa thánh Vatican để giúp 2 nước tổ chức hội nghị đi đến thống nhất kết quả đàm phán, và ngài cũng là người đã gửi thư riêng tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro để kêu gọi hai nước trao đổi tù nhân, nối lại quan hệ ngoại giao.

Đã có lúc cuộc đàm phán rơi vào bế tắc về định nghĩa ai là gián điệp, thế nhưng cuối cùng nó cũng kết thúc bằng việc 3 chiếc máy bay chở tù nhân của hai bên trở về nước, và những tuyên bố bình thường hóa quan hệ trên sóng truyền hình của lãnh đạo hai nước.

Cuộc đàm phán này không phải do các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thực hiện, mà được đảm trách bởi 2 cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, chứng tỏ một điều rằng quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba được đưa ra trực tiếp từ Nhà Trắng.

Trong suốt quá trình đàm phán, các quan chức Mỹ từ Ngoại trưởng John Kerry trở xuống đều tận dụng mọi cơ hội để nhấn mạnh rằng tương lai quan hệ Mỹ-Cuba phụ thuộc rất nhiều vào số phận của Alan Gross, một người Mỹ bị kết án 15 năm tù vì tội “chống phá nhà nước Cuba”, và người đang có sức khỏe thể chất và tinh thần giảm sút nghiêm trọng sau 5 năm bị giam giữ.

Chiến dịch ngoại giao bí mật “hàn gắn” quan hệ Mỹ-Cuba - 2

Alan Gross, công dân Mỹ bị kết án 15 năm tù vì tội "chống phá nhà nước Cuba"

Trong 4 cuộc trao đổi vào mùa hè năm nay với Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố rằng quan hệ 2 nước sẽ không bao giờ được cải thiện nếu ông Gross vẫn tiếp tục bị giam giữ.

Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Obama tin rằng bình thường hóa quan hệ với Cuba là việc không sớm thì muộn cũng phải xảy ra. Vào đầu năm 2013, khi bắt đầu nhiệm kỳ 2 của mình, ông đã cho phép thực hiện các cuộc đàm phán “thăm dò” với Cuba.

Tuy nhiên, chính phủ hai nước đã quyết định không sử dụng các kênh ngoại giao truyền thống, mà chỉ tổ chức các cuộc đàm phán trong vòng bí mật với sự tham gia của các nhân vật đại diện cho nguyên thủ hai bên.

Phía Mỹ cử Phó Cố vấn an ninh Quốc gia Benjamin J. Rhodes, một trợ lý thân cận của ông Obama, và Giám đốc phụ trách Mỹ Latinh Ricardo Zuniga của Hội đồng An ninh Quốc gia tham gia đàm phán với những quan chức tương đương của phía Cuba.

Một quan chức tham gia đàm phán cho biết: “Hai bên cố gắng cử càng ít người tới đàm phán càng tốt. Về phần mình, chúng tôi không muốn bất cứ sự căng thẳng nào có thể làm phức tạp hóa nỗ lực trả tự do cho Alan Gross”.

Chiến dịch ngoại giao bí mật “hàn gắn” quan hệ Mỹ-Cuba - 3

Cú bắt tay lịch sử giữa ông Obama và Chủ tịch Castro tại lễ tang của nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela

Cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra ở Ottawa, Canada vào tháng 6/2013, và nhiều cuộc gặp tiếp theo cũng được tổ chức trong vòng 18 tháng tại thủ đô của quốc gia có quan hệ ngoại giao thân thiện với Cuba này.

Đề xuất mà phía Cuba đưa ra là trao đổi Gross lấy 3 người thuộc nhóm Bộ Ngũ Cuba hiện đang bị phía Mỹ giam giữ với tội danh hoạt động gián điệp. Phía Mỹ đã từ chối với lý do Gross chỉ là một nhà thầu phụ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ và được cử tới Cuba để thực hiện nhiệm vụ hợp pháp.

Cuộc đàm phán tưởng như rơi vào bế tắc thì đến tháng Ba năm nay, ông Obama tới Vatican gặp gỡ Giáo hoàng Francis, người ngỏ ý muốn tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để Mỹ và Cuba có thể bình thường hóa quan hệ, và ngài đã đích thân gửi thư cho lãnh đạo hai nước.

Sự can thiệp của Giáo hoàng đã tạo ra bước ngoặt cho cuộc đàm phán. Đến tháng 6/2014, đoàn đàm phán của Mỹ nhất trí với đề xuất trao đổi Gross lấy 3 tù nhân người Cuba đang thụ án ở Mỹ.

Đến tháng 10 năm nay, hai đoàn đàm phán gặp nhau tại Vatican và đi đến thống nhất thỏa thuận trao đổi tù nhân tại đây.

Chiến dịch ngoại giao bí mật “hàn gắn” quan hệ Mỹ-Cuba - 4

Giáo hoàng Francis có công rất lớn trong quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba

Mọi việc được đẩy nhanh sau khi có thông tin cho hay tình trạng của Gross đang diễn biến xấu đi trông thấy. Gross từng nói với những người đến thăm rằng ông sẽ không thể đón được năm mới ở trong tù. Trong khi đó, Tổng thống Obama cũng nhận ra rằng đã đến lúc ông có thể sử dụng quyền hành pháp của mình để đưa ra một quyết định đơn phương mà không cần thông qua Quốc hội.

Hôm 16/12, ông Obama đã trò chuyện qua điện thoại gần một giờ đồng hồ với Chủ tịch Castro, và đến ngày 17/12, ông tuyên bố trên truyền hình với người dân Mỹ: “Ngày hôm nay, chúng ta đang tạo ra sự thay đổi vì đó là điều đúng đắn phải làm. Ngày hôm nay, nước Mỹ sẽ cắt đứt xiềng xích của quá khứ để vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Cuba, cho người dân Mỹ, cho toàn bộ bán cầu và cả thế giới”.

Chỉ vài giờ trước đó, những chiếc máy bay đã cất cánh đưa các tù nhân của hai nước trở về đất mẹ. Gross và một gián điệp Mỹ không được nêu tên đã được đưa về nước sau nhiều năm ngồi tù ở Cuba, và 3 tù nhân người Cuba cũng được đưa về Havana.

Trên máy bay, khi phi công thông báo rằng họ đã tiến vào không phận Mỹ, Gross đã giơ cả hai tay lên trời hân hoan: “Cuối cùng tôi cũng đã được tự do!”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN