“Chăm lo hậu sự”: Nghề hút giới trẻ TQ

Zeng Liangliang đã bị phản đối kịch liệt khi lần đầu tiên cho gia đình biết về dự định công việc của mình dù nghề anh chọn được đảm bảo với mức lương khá tốt ngay khi ra trường.

Sự thể là Zeng có ý định trở thành một người làm dịch vụ lễ tang – nghề chăm lo hậu sự cho những người đã khuất. Với nhiều nơi, đó là một công việc tốt nhưng ở Trung Quốc đây lại là nghề thường bị xa lánh do phong tục không muốn nhắc tới cái chết và cũng là nghề khiến nhiều người sợ dính vào vì nó mang đến những điều không may mắn.

Vượt qua sự cấm kỵ

Nhưng Zeng chỉ là một trong rất nhiều người làm dịch vụ tang lễ thuộc thế hệ trẻ tuổi, tự tin ở Trung Quốc đang đấu tranh chống lại những điều cấm kỵ hàng thập kỷ nay để tìm sự chấp thuận của xã hội với công việc của họ.

“Chăm lo hậu sự”: Nghề hút giới trẻ TQ - 1

Sinh viên tập tô móng tay cho một ma-nơ-canh trong một lớp học tại Trường dịch vụ tang lễ Tianquanjiajing, tỉnh Chiết Giang ngày 29/5/2012

“Ban đầu tôi bị bố kịch liệt phản đối khi đề nghị làm một nghề như vậy. Ông không hiểu tại sao tôi lại muốn làm công việc đó và thẳng thừng từ chối”, Jiaxing, sinh viên 22 tuổi đến từ tỉnh miền Đông Chiết Giang nói.

“Chúng tôi là thế hệ trẻ, chúng tôi nghĩ khác”, Jiaxing nói thêm. “Tôi có cảm giác rằng trước đây, những làm dịch vụ lễ tang đã không tôn trọng đúng mức người quá cố. Vì vậy thông qua các dịch vụ, chúng tôi hy vọng sẽ làm cho những người đã khuất từ giã thế giới theo một cách tôn kính hơn”.

Tín ngưỡng về cái chết vẫn còn rất mạnh mẽ ở Trung Quốc đến nỗi nhiều người tránh nhắc tới số 4, vốn là số có âm thanh phát ra giống từ “chết”. Nói về chủ đề này là một điều cấm kỵ.

“Chăm lo hậu sự”: Nghề hút giới trẻ TQ - 2

Sinh viên tham dự một lớp học dịch vụ lễ tang tại Trường dịch vụ tang lễ Tianquanjiajing, tỉnh Chiết Giang

Nghề mang lại thu nhập cao

Tuy nhiên, xét theo tư cách là một nghề thì “chăm lo hậu sự” đang rất phát triển ở Trung Quốc. Báo cáo thường niên của Trung Quốc về các dịch vụ lễ tang cho thấy nghề này có trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (31 tỷ USD)/năm và được xem như một trong 10 nghề mang lại lợi nhuận nhiều nhất ở Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, hiện đang có 4 trường cao đẳng kỹ thuật chính cung cấp các khóa đào tạo về dịch vụ lễ tang. Trường Cao đẳng Lao động Xã hội Changsha thuộc tỉnh Hồ Nam là đơn vị đi tiên phong, bắt đầu mở lớp từ 1995 nhằm chuẩn hóa các hoạt động trong ngành dịch vụ này.

Trường cao đẳng Changsha cho biết, mức lương trung bình trả cho một sinh viên tốt nghiệp ngành dịch vụ lễ tang dao động từ 4.000 – 5.000 NDT (628 – 785 USD)/tháng ở những thành phố tốp đầu Trung Quốc, nhỉnh hơn một chút so với lương khởi nghiệp trung bình của các sinh viên khác và họ gần như chắc chắn nhận được việc làm ngay lập tức.

“Chăm lo hậu sự”: Nghề hút giới trẻ TQ - 3

Sinh viên Trường dịch vụ tang lễ Tianquanjiajing viếng một xác chết ma-nơ-canh trước giờ vào học

Theo trường Changsha, mỗi năm có trên 1.500 sinh viên trên khắp đất nước Trung Quốc theo học để trở thành những người làm dịch vụ lễ tang, một nghề đang ngày càng trở nên phổ biến với những sinh viên muốn chắc chắn có một công việc sau khi tốt nghiệp.

Hoàn thiện các khóa học dịch vụ lễ tang phải mất thời gian 3 năm, trong đó sinh viên được học những kỹ năng cơ bản, đồng thời được khuyến khích thực tập tại hàng nghìn nhà tang lễ trên khắp đất nước trong các dịp nghỉ lễ.

Dịch vụ chu đáo

Thông qua các kỹ năng học được từ trường như kỹ thuật ướp xác, nghi thức lễ tang, Zeng nhận thấy rằng thế hệ những người làm dịch vụ lễ tang mới của Trung Quốc thể hiện sự tôn kính nhiều hơn với người đã khuất qua thái độ cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc thi thể.

“Chăm lo hậu sự”: Nghề hút giới trẻ TQ - 4

Sinh viên thực tập với một tình nguyện viên trong lớp học dịch vụ tang lễ

Tại Trung Quốc, từ lâu nghi thức tang lễ đơn giản, phổ biến vẫn được sử dụng gồm các công việc như rửa ráy thi thể, trang điểm và mặc quần áo cho người đã khuất.

Thế nhưng, hiện nay việc làm sạch có thể gồm các công đoạn như chăm sóc spa cho cơ thể hay nhẹ nhàng mát xa trước khi trang điểm - những dịch vụ đã rất phổ biến ở Đài Loan và Nhật Bản từ nhiều năm.

Những người làm dịch vụ lễ tang thế hệ mới cũng cẩn thận hơn trong cách dùng mỹ phẩm với mong muốn làm cho người quá cố trông giống nhất với lúc còn đang sống. Trong khi đó, những người thuộc thế hệ cũ, theo Zheng, họ thường để thi thể người chết không tự nhiên.

“Chăm lo hậu sự”: Nghề hút giới trẻ TQ - 5

Sinh viên tham dự lớp học dịch vụ tang lễ cùng một tình nguyện viên tại Trường Tianquanjiajing

Vẫn bị kỳ thị

Quá trình học không phải không có những khó khăn. Cui Wenchao, đại diện cho nhiều sinh viên khác kể lại rằng cô đã bị choáng khi lần đầu tiên chạm vào xác chết dù trước đó từng luyện tập rất nhiều với ma-nơ-canh.

“Tôi cảm thấy lạnh toát. Tôi không nghĩ nó lại lạnh đến thế và tôi đã chưa chuẩn bị tinh thần cho mình”, cô sinh viên 22 này tuổi nói.

Bất chấp lòng nhiệt tình, những người làm dịch vụ lễ tang vẫn phải đối diện với sự kỳ thị mạnh mẽ của xã hội. Rất nhiều người đã bị bạn bè, gia đình ép buộc thay đổi công việc, một số khác thậm chí không thể tìm được bạn đời.

Từng bước sẽ có chuyển biến nhưng những người làm nghề này nói rằng họ hy vọng sự vào cuộc của giới trẻ sẽ giúp thay đổi cách tư duy phổ biến hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Phạm (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN