Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: "Không tăng phí không được"

Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho biết, trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, việc tăng phí cao tốc là không thể không thực hiện.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: "Không tăng phí không được" - 1

Từ 1.4, tăng phí trên đường cao tốc Hà Nội - hải Phòng. Ảnh Hồng Phú

Từ ngày 1.4, mức phí trên QL5 tăng khoảng 50%, dao động từ 45.000 đồng/lượt đến 200.000 đồng/lượt (tăng từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt so với mức phí cũ). Nguồn thu này được dùng để duy tu QL5 và hoàn vốn theo phương án tài chính của đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Còn đối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mức thu là 2.000 đồng/km đối với xe tiêu chuẩn. Riêng đối với xe tải 18 tấn trở lên và xe chở container 40 fit mức phí giảm khoảng 10% so với trước đây, dao động từ 210.000 – 840.000 đồng/lượt.

Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết: "Để thu hồi vốn đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, không thể hỗ trợ thêm cho dự án thì việc điều chỉnh tăng phí theo đúng lộ trình đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt là không thể không thực hiện".

Theo hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), Vidifi được quyền thu phí đối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thu phí đường QL5. Trong xây dựng, dự án này được Nhà nước hỗ trợ 39% trong tổng mức đầu tư.

"Kể cả sau khi đã tăng phí, tổng doanh thu vẫn chưa đủ để trả lãi ngân hàng hằng tháng, nhưng đây là một bước quan trọng để có thể thu hồi vốn cho đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong 30 năm, sau đó bàn giao lại đường cho Nhà nước", ông Chiến cho hay.

Nói về mức phí mới sẽ được áp dụng từ 1.4, Chủ tịch HĐQT Vidifi cũng thừa nhận: "Mức phí quy định tương đối cao so với điều kiện kinh tế xã hội và thu nhập hiện nay. Nhưng nếu không tăng phí theo phương án đã được các Bộ, ngành phê duyệt thì không thực hiện được cân đối vốn theo phương án tài chính đã được Thủ tướng chấp thuận”.

Vidifi mong nhận được sự chia sẻ của người dân, doanh nghiệp và cam kết đây là đợt tăng phí "nóng" cuối cùng của dự án. Từ những năm sau, mức phí trên đường cao tốc sẽ được điều chỉnh theo chỉ số CPI tăng giảm thàng năm và mức phí QL5 cứ 3 năm tăng 18% theo quy định Nhà nước.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Vidifi thu từ 1,7 - 1,8 tỷ đồng/ngày trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và 1 tỷ đồng/ngày ở QL 5. Tuy nhiên, Chủ đầu tư cho rằng với mức thu phí đang áp dụng, phải mất 30 năm mới thu hồi được vốn đầu tư.

Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (còn gọi là Quốc lộ 5B) được khởi công vào năm 2009, là một trong 6 tuyến cao tốc được xây dựng theo quy hoạch tại miền Bắc Việt Nam. Toàn tuyến có chiều dài 105,5 km, nối liền từ Thủ đô Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương tới TP.Hải Phòng.

Ðây là đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Mặt đường rộng từ 32,5 đến 35 m với 6 làn xe chạy. Tốc độ xe chạy tối đa là 120km/giờ và tốc độ tối thiểu là 60km/giờ. Tốc độ lưu thông tại các đường nhánh ra, vào đường cao tốc từ 40-50km/giờ.

Tuyến đường cấm các loại xe lưu thông bao gồm: xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe thô sơ, người đi bộ; súc vật...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN