Cảnh sát nhiều nước cũng sợ bị chụp ảnh

Một số quốc gia trên thế giới cho phép người dân quay phim, chụp ảnh những người đang làm công vụ nhằm giám sát chất lượng phục vụ người dân. Tuy nhiên, câu chuyện được phép và không được phép vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi ở các quốc gia này.

Carlos Miller – một công dân Mỹ - bị bắt 3 lần vì tội quay phim và chụp ảnh các cảnh sát đang thi hành công vụ. Tại Mỹ, ông hiểu rõ quyền lợi của mình. Và trong thế giới khi mà số người mang theo một thiết bị có khả năng quay video và chụp ảnh đang ngày càng tăng, ông nghĩ rằng đã đến lúc cần nói cho họ hiểu về những điều họ có thể làm được.

Miller bắt đầu kể chi tiết vụ bị bắt giữ đầu tiên của mình vào năm 2007 trên trang cá nhân của mình. Ngay sau khi ông được trắng án, ông bắt đầu nhận được những chuyện kể từ những người khác, những người có vấn đề với pháp luật vì đã quay phim, chụp ảnh. Từ đó, một trang blog có tên “Chụp ảnh không phải là tội phạm” (PINAC) đã ra đời và chuyên chia sẻ những câu chuyện như của Miller và những người khác. Miller đã thực sự tin rằng internet là nơi mà những công dân có quyền thể hiện “tự do báo chí” của mình.

Đã có nhiều vụ bắt giữ vì quay phim, chụp ảnh cảnh sát và các cơ quan điều hành giao thông ở Mỹ. Tờ TheBlaze từng trích dẫn nhiều câu chuyện được đăng trên PINAC, như chuyện một người đàn ông ở San Diego Mỹ đã bị bắt vì chụp ảnh một sĩ quan cảnh sát đang hút thuốc ở một khu vực công cộng. Khi sĩ quan này yêu cầu xem máy ảnh của anh ta, anh ta đã từ chối. Và xung đột đã xảy ra.

Tương tự, hai nhà báo từng bị bắt tại một cuộc họp hồi tháng 6/2011, theo báo cáo của Ủy ban Taxi Washington DC. Một trong hai người đã bị bắt vì đã dùng một chiếc máy ảnh trong lúc làm việc, trong khi người kia bị bắt vì tội đã quay phim việc bắt giữ nhà báo đầu tiên.

Cảnh sát nhiều nước cũng sợ bị chụp ảnh - 1

Bức ảnh Carlos Miller chụp các cảnh sát đang thực hiện công vụ trước khi bị bắt lần đầu tiên, và sau đó đã được tha bổng và trắng án trước tòa án.

Theo Hiệp hội Dân quyền Mỹ (ACLU), việc quay phim/chụp ảnh ở Mỹ là hợp pháp, miễn là nó nằm ở khu vực công cộng, hoặc nếu ở các khu vực tư nhân thì cần được sự cho phép của chủ. “Các nơi được phép bao gồm hình ảnh của tòa nhà liên bang, giao thông và cảnh sát. Nhiếp ảnh là một hình thức giám sát của công chúng đối với chính phủ và có tầm quan trọng trong một xã hội tự do”, trang web chính thức của ACLU cho biết.

Cũng theo ACLU, nếu hoạt động quay phim/chụp ảnh ở khu vực tư nhân thì các chủ sở hữu có quyền hạn chế các hoạt động trên tài sản của họ.

Cảnh sát đang điều tra hoặc đang thực thi công vụ không được phép xóa nội dung trên thiết bị của người quay phim/chụp ảnh. Về mặt pháp lý, cảnh sát có quyền yêu cầu công dân dừng quay phim/chụp ảnh nếu họ can thiệp vào công việc thực thi pháp luật.

Tại Australia, việc quay phim/chụp ảnh cảnh sát và các cơ quan công quyền là được phép. Theo tuyên bố của Lực lượng cảnh sát New South Wales (NSW) trước các đơn vị truyền thông, công dân nước này có quyền chụp ảnh hoặc quay phim cảnh sát và các sự cố liên quan đến nhân viên cảnh sát được quan sát từ một không gian công cộng, hoặc từ một nơi tư nhân với sự cho phép của chủ sở hữu hoặc người cư ngụ ở đó.

Tuy vậy, sự va chạm giữa các nhân viên thực thi công vụ và những người quay phim/chụp ảnh họ vẫn liên tục xảy ra. Tại Australia, việc cảnh sát đe dọa công dân khi bị họ quay phim/chụp ảnh khá phổ biến và trở thành vấn nạn đau đầu với các quan chức luật pháp.

Chủ tịch Hội đồng tự do dân chủ NSW, Cameron Murphy cho biết: “Cảnh sát sợ bị quay phim khi họ đang hành động vượt quá quyền hạn của mình hoặc đang làm điều gì đó không hợp lý và tiêu cực”.

“Chúng tôi có rất nhiều sự cố về việc cảnh sát tịch thu máy ảnh của nhà báo. Điều đó vượt quá thẩm quyền của cảnh sát”, ông Murphy nói. Thêm vào đó, ông khuyến khích hành động quay phim/chụp ảnh những người làm công vụ: “Tôi hy vọng rằng các công dân sẽ chụp ảnh khi họ nhìn thấy một cảnh sát hành động không xứng với hình ảnh của một sĩ quan cảnh sát".

Một số thành phố ở Mỹ đã được xem xét để trang bị những “con mắt theo dõi cảnh sát” trong những năm gần đây. Các máy quay này sẽ được đặt ở những nơi có thể theo dõi hoạt động của những người làm công vụ và phục vụ cho việc minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan công.

Tuy nhiên, những người dày dặn kinh nghiệm trong nghề đều có khả năng để khuất ra khỏi “con mắt theo dõi” cũng như yêu cầu người dân ngừng quay phim/chụp ảnh mình. Trong một số trường hợp, lực lượng thực thi công vụ sẽ phối hợp với nhau để tắt các camera gắn tại các điểm công cộng nhằm tránh bị lọt ra ngoài giới truyền thông về hình ảnh họ sử dụng vũ lực quá mức trong khi thực hiện nhiệm vụ an ninh của mình.

Quyền và lợi ích của các công dân Mỹ hay Australia trong việc quay phim/ chụp ảnh các nhân viên công vụ sẽ được đảm bảo chỉ khi công dân luôn tỏ ra lịch sự, làm đúng những gì pháp luật quy định và không can thiệp sâu vào công việc của họ. Những sự việc dẫn đến tranh chấp hoặc ẩu đả do vi phạm quyền tự do cá nhân, quyền tự do báo chí đều được đưa ra tòa và xét xử. Trong nhiều trường hợp, người dân đúng và được trắng án, trong khi các nhân viên công vụ hay cảnh sát sẽ phải chịu trách nhiệm trước việc xâm phạm quyền tự do của công dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Sương (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN