Cán bộ y tế nhận phong bì bị phạt 30 triệu đồng

Từ mai (31/12), cán bộ y tế nhận phong bì của bệnh nhân sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng.

Từ ngày mai, 31/12, theo nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực y tế, hành vi đưa, nhận môi giới hối lộ trong khám chữa bệnh sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định, nhân viên y tế chỉ định sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám, chữa bệnh khác vì mục đích vụ lợi bị phạt 5 -10 triệu đồng.

Đối với các hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề; không khẩn trương sơ cứu người bệnh, từ chối khám, chữa bệnh; chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh; môi giới việc mua, bán bộ phận cơ thể người... sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng (mức phạt cũ là 10-15 triệu).

Ngoài ra, bác sĩ bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng. Người hành nghề khám, chữa bệnh không đeo biển tên cũng bị phạt 200.000 - 500.000 đồng.

Trong nghị định cũng nêu rõ, đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng hoặc kinh doanh mỹ phẩm không có hồ sơ thông tin sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

Cán bộ y tế nhận phong bì bị phạt 30 triệu đồng - 1

Hành vi đưa, nhận môi giới phong bì trong khám chữa bệnh sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng. Ảnh minh họa

Trong lĩnh vực dân số, bắt mạch, siêu âm, xét nghiệm cho người đang mang thai để xác định giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. Bói toán cho người mang thai để xác định giới tính thai nhi cũng bị phạt 3-5 triệu đồng.

Mức phạt tiền tối đa với hành vi vi phạm hành chính về dân số đối với cá nhân là 30 triệu đồng, đối với tổ chức là 60 triệu đồng. Trong lĩnh vực y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đối với tổ chức.

Như vậy, nghị định này quy định xử lý vi phạm hành chính trong 5 lĩnh vực: Y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; khám bệnh, chữa bệnh; dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; bảo hiểm y tế; dân số. Mức phạt tối đa cao nhất với cá nhân là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng với tổ chức.

Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có nhiều điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 31/12.

Trước đó, trong buổi tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu từ giám đốc đến trưởng, phó khoa và nhân viên các cơ sở y tế phải ký cam kết “nói không với phong bì” trước và trong điều trị”. Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ trước và trong khi điều trị, còn sau đó lại là vấn đề khác.

Theo Bộ Trưởng Tiến, cấm cán bộ y tế nhận phong bì, quà cáp trước và trong quá trình điều trị nhưng không cấm bác sĩ nhận quà sau điều trị, vì đó là tấm lòng của người bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D. Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN