Bức thư tình cảm động của người lính trong thời chiến

Ông là bộ đội đóng quân ở Nghệ An, còn bà khi ấy là một thiếu nữ học cấp 2. Với tình yêu mãnh liệt, họ đến với nhau bằng một tiệc cưới bình dị. Nhưng sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ phải xa cách gần 14 năm. Để giữ liên lạc và gửi gắm nỗi niềm nhớ thương, họ đã viết cho nhau hàng trăm lá thư thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt…

Đó là chuyện tình cảm động và đáng ngưỡng mộ của người cựu binh Huỳnh Phương Bá (84 tuổi) và vợ là bà Vương Thị Tiệng (74 tuổi), sống trong hẻm đường Trưng Nữ Vương (TP.Đà Nẵng).

14 năm gửi tình yêu qua những lá thư

Trong không khí những ngày đất nước vui Tết Độc lập, chúng tôi vô tình được nghe câu chuyện tình cảm động trong thời chiến của anh lính Huỳnh Phương Bá và cô nữ sinh Vương Thị Tiệng.

Bức thư tình cảm động của người lính trong thời chiến - 1

Vợ chồng ông Huỳnh Phương Bá và bà Vương Thị Tiệng.

Năm 1954, chàng thanh niên Huỳnh Phương Bá tập kết ra Bắc và đóng quân tại Nghệ An. Tại đây, ngay từ cái nhìn đầu tiên, Bá đã đem lòng yêu thương cô nữ sinh xứ Nghệ dịu dàng, tóc xõa ngang vai, môi cười chúm chím. Cô nữ sinh Vương Thị Tiệng cũng nhanh chóng rung động trái tim trước chàng trai bộ đội phong độ, khỏe mạnh ngay từ lần gặp đầu tiên. Sau 6 năm yêu nhau, họ quyết định kết hôn. Tiệc cưới “nhà binh” diễn ra bình dị, giản đơn.

Nhưng sau ngày hạnh phúc ấy là gần 14 năm biền biệt xa cách vì anh lính Huỳnh Phương Bá phải lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Mọi tình cảm nhớ thương, đôi vợ chồng trẻ đều gửi gắm vào những lá thư.

Bức thư tình cảm động của người lính trong thời chiến - 2

Những lá thư luôn được ông Bá nâng niu, giữ gìn như kỷ vật vô giá.

Lá thư đầu tay, ông Bá viết cho vợ vào ngày 9/4/1961 với nội dung: “… Vợ chồng ai chả muốn sống gần nhau trong tình âu yếm! Nhưng Tổ quốc còn bị chia đôi, cho nên cảnh sum vầy tạm thời bị gián đoạn. 7 năm rồi, anh xa ba mẹ yêu dấu, xa các anh, các chị mến thương và giờ đây phải xa người vợ thân yêu nhất của mình mà chưa hẹn ngày gặp mặt, mà chắc chắn rằng ngày ấy phải đến với chúng ta…”.

Các bức thư được ông viết vào lúc nghỉ hành quân giữa đường, những đêm trắng thức canh cho đồng đội ngủ. Nội dung các lá thư là niềm tin thắng lợi, những lời hỏi thăm sức khỏe, công việc học hành của bà. Phía hậu phương, mỗi lần nhận được thư chồng, bà hồi âm lại bằng những dòng thư gửi niềm tin, lý‎ tưởng sáng ngời cách mạng cho ông yên tâm chiến đấu: “… Anh ạ! Trong gian khổ, trong chiến đấu mới thấy được tinh thần yêu nước nồng nàn, ‎ý chí quyết đấu của quân và dân ta. Anh ơi! Cả miền Bắc đang hướng về miền Nam ruột thịt. Miền Bắc sẽ làm tất cả để cung cấp sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”, thư bà Tiệng viết cho chồng ngày 10/4/1965.

Cứ thế, suốt gần 14 năm trời ròng rã, họ giữ liên lạc qua gần một trăm lá thư thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt…

Bức thư tình cảm động của người lính trong thời chiến - 3

Những lá thư thời chiến thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt…

Những lá thư vượt thời gian

Sau ngày đất nước giải phóng, vợ chồng gặp lại, hạnh phúc vỡ òa. Đất nước hòa bình, họ mới thực sự xây tổ ấm gia đình. Hai vợ chồng chào đón người con đầu là chị Huỳnh Thị Phương Trinh (năm nay đã 39 tuổi). Bốn năm sau, ông bà sinh thêm cậu con trai là anh Huỳnh Phương Nam (36 tuổi). Cuộc sống sau ngày giải phóng chật vật, nhưng hai ông bà vẫn thương yêu, đùm bọc, cùng nuôi dạy hai con ăn học đến nơi đến chốn.

Cho tới tận bây giờ, những lá thư đều được ông Bá trân trọng, nâng niu như một kỷ vật vô giá. Tập thư ngày ấy, ông đánh máy, in ra đóng thành tập sách mang tên “Những lá thư vượt thời gian - Ba mẹ tặng các con thân yêu”.

“Tôi muốn cho các con giữ những lá thư này, để các con đùm bọc, yêu thương nhau, nhất là trong đời sống hôn nhân", ông Bá tâm sự.

Bức thư tình cảm động của người lính trong thời chiến - 4

Một lá thư ông Bá viết gửi cho vợ.

Câu chuyện về tập thư được chia sẻ với mọi người, bà Tiệng lúc đầu còn trách ông Bá, nhưng rồi bà hiểu ra đó không chỉ là chuyện tình cảm của cá nhân, mà còn là vật chứng của lịch sử, nó sống, đi qua thời khắc đau thương của cả nước, và tồn tại cho đến ngày độc lập, thì nên để mọi người cùng biết. Năm 2012, Bảo tàng Quân khu 5 đã về xin hơn 10 lá thư của ông bà để đưa vào trưng bày và lưu trữ.

Mất mát và hy sinh trong chiến tranh là không thể nào tránh khỏi. Nhưng tình yêu cao đẹp, thủy chung đã giúp họ vượt qua những khó khăn, trở ngại. Đến bây giờ, ông đã già, bà cũng không còn đủ sức khỏe để tự bước đi. Ngày ngày, ông chăm sóc bà từng tô cháo, ly nước và đọc lại những bức thư để ôn lại những ký ức năm xưa… rồi ông bà nhìn nhau cười hạnh phúc. Câu chuyện tình yêu của ông bà đẹp và giản dị như chính cuộc sống của họ vậy…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Dương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN