Bốn bộ loay hoay “giữ đầu” cho dân

Thông tư liên tịch “Quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe gắn máy, xe đạp máy” đã được 4 bộ Công an, Giao thông vận tải, Công Thương và Khoa học Công nghệ ký hoàn tất dự thảo, chuẩn bị ban hành.

Theo đó sẽ xử lý kiên quyết, nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chuẩn và xử phạt người điều khiển môtô, xe máy... đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, đội mũ không đúng quy cách. Tuy nhiên, những hội nghị, bàn thảo gần đây cho thấy các cơ quan còn loay hoay, lúng túng trong việc xử phạt...

Phạt để giúp dân “giữ đầu”

Thống kê từ các bệnh viện cho thấy tỉ lệ chấn thương sọ não (CTSN) trong các ca TNGT vẫn cao do người dân không đội MBH hoặc có đội mũ na ná MBH song không có tác dụng bảo vệ đầu khi bị nạn. Mà mỗi ca CTSN điều trị cực kỳ tốn kém trong khi nhiều nạn nhân còn bị di chứng nặng nề đeo đẳng suốt đời.

Đây là một trong những nguyên nhân làm tiêu tan 2,5% GDP của cả nước trong một năm, song chưa được khắc phục vì bản thân một số người dân lại chưa có ý thức bảo vệ cái đầu của mình khi đi xe máy. Nhưng rất may là “nó lú đã có chú nó khôn”. Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã ban hành kịp thời và bốn bộ đang chụm đầu ra thông tư liên tịch để giúp dân đội MBH thật nhằm “giữ đầu” khi không may xảy ra TNGT.

Bốn bộ loay hoay “giữ đầu” cho dân - 1

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên phố Chùa Bộc (Hà Nội). Ảnh: Đặng Tiến

Xung quanh việc làm thế nào để người dân đội được đúng mũ có tác dụng bảo vệ cái đầu, đúng là các bộ đều đang rất cố gắng tìm cho ra nhiều biện pháp hữu hiệu. Bộ Công Thương sẽ rà soát từ các cơ sở sản xuất để phát hiện và đình chỉ các cơ sở làm MBH không đạt chất lượng. Đồng thời lực lượng quản lý thị trường của bộ này cũng kiểm tra thị trường và thu giữ các loại MBH không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đủ tiêu chuẩn hoặc thu mũ giả, mũ nhái.

Song cứ cho rằng từ nay trở đi với sự rà đi soát lại thị trường một cách cần mẫn thì chỉ loại được mũ kém chất lượng mới sản xuất và bày bán. Cái khó là làm thế nào để loại trừ được hàng chục triệu chiếc mũ hiện đang được người dân sử dụng, vì hiện cả nước có tới 35 triệu xe máy và cứ tính bình quân mỗi xe có 1,5 MBH thì số MBH đang được người dân sử dụng sẽ tròm trèm 50 triệu chiếc. trong đó có tới 70% là mũ không phải MBH. Vì thế các bộ đã đưa quy định xử phạt người đội MBH không đạt chất lượng vào “Dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, nhằm giúp người dân đội MBH thật để “giữ đầu”.

Loay hoay

Tuy nhiên quy định này lại vấp phải một khó khăn là làm thế nào để phát hiện mũ đủ tiêu chuẩn và mũ giả. Ngay cả lực lượng công an được giao trách nhiệm xử phạt vẫn đang băn khoăn chưa biết làm thế nào để phân biệt được mũ thật. Trách nhiệm lại được “đá” cho Bộ Khoa học Công nghệ để làm thế nào tạo ra một dấu hiệu giúp cảnh sát và người dân cũng phân biệt được mũ thật và mũ không thật. Song khi bộ này cho biết mũ thật là mũ có dán tem CR hợp chuẩn thì Quản lý thị trường lại cho biết những đơn vị làm MBH giả cũng đã kịp làm luôn tem giả. Trình độ làm giả như thật nên mắt thường cũng khó xác định. Như vậy CSGT cũng chỉ với mắt thường thì có thể phát hiện được chính xác mũ giả - mũ thật hay không?

Bốn bộ loay hoay “giữ đầu” cho dân - 2

Thêm nữa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Quỳnh cũng cho rằng: Quy định đội MBH đã có hàng chục năm, có nhiều MBH sản xuất trước đây, hay MBH nhập khẩu cũng đều đạt chất lượng bảo vệ đầu song lại không có tem hợp chuẩn. Nếu cứ nhè những người này xử phạt thì sẽ loại cả MBH đạt chất lượng, gây khó cho người dân. Để khắc phục khó khăn này, bộ GTVT đề nghị sửa quy định là phạt người đội MBH không đủ 3 tiêu chuẩn có vỏ mũ, có lớp hấp thụ xung động và có quai cài. Tuy nhiên, quy định này xem ra cũng không ổn vì vẫn có các loại MBH giả, nhái đủ các yếu tố trên nhưng không đạt chất lượng về độ va đập và kết cục người dân vẫn có thể bị CTSN?!.

Thượng tá Đỗ Văn Cương Vụ pháp chế Bộ Công an cũng chỉ ra cần phải tuyên truyền cho người dân biết rõ rằng đây là quy định xử phạt hành vi đi xe máy không đội MBH chứ không phải là đội MBH giả. Vì thực chất chiếc mũ mà số đông người đi xe máy đội hiện nay là mũ nhựa chứ không phải MBH. Vậy là lâu nay người dân vẫn ngang nhiên vi phạm mà không hề bị phạt?!.

Chỉ người dân là thiệt

Khi bắt đầu có quy định bắt buộc đội MBH, nhiều nhà kinh tế đã tính toán rằng người dân cả nước sẽ phải bỏ ra nhiều nghìn tỉ đồng để mua MBH. Sau vài năm bỏ mặc cho loại MBH không đạt chất lượng hoành hành móc túi dân, các nhà quản lý lại gióng lên hồi chuông thay mũ. Chỉ một quy định thôi sẽ có hàng chục triệu người dân phải móc hầu bao thêm một khoản chi đột xuất tổng cộng lên tới nhiều nghìn tỉ đồng. Đây là chưa kể mấy ngày gần đây khi người dân biết sắp bị phạt nếu đội MBH giả nên đang đổ xô đi mua MBH thật (hay MBH nào không bị phạt). Vậy liệu một cơn sốt MBH thật có sắp dấy lên?!

Mũ bảo hiểm thật bán ra tăng 500-600%

Tin từ Cục QLTT (ngày 13/3) cho biết, sau chiến dịch truy quét các địa điểm buôn bán MBH giả, MBH nhái... cùng với thông tin lực lượng CSGT và các cơ quan chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy đội MBH giả, MBH không đạt tiêu chuẩn... mức tiêu thụ của các cửa hàng bán MBH đúng tiêu chuẩn tại thời điểm này đã tăng từ 500 – 600%.

Những điều mà người dân khi mua MBH hỏi cửa hàng bán sản phẩm đều rất giống nhau: Đội MBH này có bị công an phạt không? MBH này có đủ tiêu chuẩn mà nhà nước quy định không? Nếu bị ngã, loại mũ này có bảo vệ được người đi xe máy không bị thương tích không... Vậy là cho đến bây giờ, người dân đội MBH mới bắt đầu quan tâm đến giá trị đích thực của MBH.

Công Thắng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bích Liên - Đặng Tiến (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN