Bộ trưởng Xây dựng “vi hành” Sông Tranh 2

Tại phiên chất vấn ngày 13/11 kỳ họp Quốc hội về Thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Bà con yên tâm ở đó, không phải đi”. Tuy nhiên, lời khẳng định trên chưa kịp làm cho nhân dân Quảng Nam bớt lo lắng, thì chiều 15/11 lại xảy ra trận động đất mạnh 4,7 độ richter làm rung chuyển Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, rung lắc cả công trình Thủy điện Sông Tranh 2.

Sau trận động đất mạnh 4,7 độ Richter chiều hôm qua (15/11) xảy ra ở vùng Thủy điện Sông Tranh 2 làm rung chuyển Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng, chiều nay (16/11), Bộ trưởng Bộ xây dựng kiêm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã có chuyến làm việc tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam và Thủy điện Sông Tranh 2.

Bộ trưởng Xây dựng “vi hành” Sông Tranh 2 - 1

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiểm tra đường hầm Thủy điện Sông Tranh 2 chiều nay (16/11)

Bộ trưởng Xây dựng “vi hành” Sông Tranh 2 - 2

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng kiểm tra nhà dân bị nứt do động đất gây ra

Ban quản lý dự án thủy điện 3 của EVN cho biết, có 856 nhà ở, 8 công trình công cộng hư hỏng, giá trị hỗ trợ đợt 1 là 2,53 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành hỗ trợ vào tháng 11 này.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tư vấn điện, đơn vị thiết kế Thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, Thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế theo tiêu chuẩn Mỹ. Công trình được đặt trên nền đá cứng, có thể chịu được trận động đất tương đương 350cm/s2 (6,5 độ richter).

Trận động đất hôm qua không ảnh hưởng gì đến công trình.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị: Phải thuê ngay chuyên gia nước ngoài kiểm tra, đánh giá, bổ sung các thiết bị cảnh báo động đất, chưa cho tích nước đến khi đảm bảo tuyệt đối an toàn mới thôi.

Nói về trách nhiệm, ông Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là nhiệm vụ chính trị nên phải trả lời được những câu hỏi động đất đến bao giờ? “Tôi chưa có ý định nào về ý định tích nước, có thể vĩnh viễn không tích nước bằng cách cho khoan đường hầm thay cho cửa xả đáy".

Ông Dũng cũng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các chương trình hỗ trợ theo cam kết và các phát sinh bổ sung. “Đề nghị Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các công trình xây dựng. Các địa phương kiểm tra phối hợp với chủ đầu tư và các bộ ngành xử lý những tình huống đột xuất, đặc biệt là điều tiết mực nước trong hồ, Phải đặt sự an toàn của người dân lên trên hết”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc chiều nay, nhiều nhà khoa học lo lắng đặt câu hỏi: Động đất giờ đã lên đến 4,7 độ richter. Vậy có thể mạnh thêm bao nhiêu nữa? Khi xảy ra tình huống xấu, người dân cần làm gì? 5,5 richter là mức an toàn dành cho đập, vậy nhà dân sẽ như thế nào?...

Chung nỗi lo với các nhà khoa học, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải, cho biết, đoàn của tỉnh không yên tâm họp ở Hà Nội nên phân công về kiểm tra. Vấn đề bây giờ không còn là an toàn đập nữa mà là động đất, không thể an tâm được khi người dân mất ăn mất ngủ. Vừa qua chỉ có những đoàn quốc tế tự nguyện đến khảo sát, nay tôi đề nghị Chính phủ, các bộ ngành khẩn trương mời chuyên gia quốc tế có uy tín đến kiểm tra, khảo sát. “Người dân phải được an toàn trên cả an toàn của đập Thủy điện Sông Tranh 2. Bất an thế này người dân sao yên tâm sản xuất được. Tôi thấy rất khổ tâm lắm”. Liên quan đến việc xử lý nhiều nhà dân bị nứt, ông Hải yêu cầu phải xử lý ngay: “Phải ứng kinh phí khắc phục, không để tình trạng hàng trăm ngôi nhà nứt như vậy".

Bộ trưởng Xây dựng “vi hành” Sông Tranh 2 - 3

Bộ trưởng Xây dựng “vi hành” Sông Tranh 2 - 4

Sau trận động đất mạnh 4,7 độ richter hôm qua, người dân huyện Bắc Trà My chiều nay vẫn còn hoảng loạn, bỏ ra ngoài lánh nạn

Theo UBND huyện Bắc Trà My, sau trận động đất, người dân sinh sống trên địa bàn huyện rất lo lắng, hoang mang. Buổi tối, nhiều người che bạt ngủ bên ngoài sân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Hoàng ([Tên nguồn])
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN