Bộ trưởng Đinh La Thăng thị sát việc đổi MBH

Ngày 23/3, Hà Nội lần đầu tiên thực hiện thí điểm chương trình đổi mũ bảo hiểm chính hãng có trợ giá của các doanh nghiệp trong vòng 3 tháng. Ngay từ sáng sớm, các điểm đổi mũ đã đông nghẹt người đến đổi, mua mũ trợ giá.

Theo nhận định, chương trình đổi mũ có trợ giá bước đầu thành công. Thậm chí, hai doanh nghiệp tham gia chương trình lần này e ngại khan thiếu hàng cung cấp cho người dân.

Có mặt tại Công viên Thống Nhất, một trong 4 điểm đổi mũ của Công ty cổ phần Á Long với thương hiệu B’color, ngay từ sáng sớm hàng trăm người dân trên tay ai ai cũng cầm mũ “rởm” đứng xếp hàng tại quầy đổi mũ.

Chị Nguyễn Thúy Hà ở phố Bùi Thị Xuân phấn khởi khi vừa đổi được một chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng với giá 150.000 đồng. “Được tin các doanh nghiệp tham gia đổi mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, lại có trợ giá, nên ngay từ 8h sáng hôm nay, tôi đã ra điểm này để đổi mũ. Tôi mua chiếc mũ 200.000 đồng, được trợ giá 50.000 đồng, còn 150.000  đồng thôi. Không đáng bao nhiêu nhưng mũ đảm bảo chất lượng”.

Theo chị Hà, mỗi chiếm mũ “rởm” bán ở vỉa hè chỉ có giá 30.000-50.000 đồng/chiếc, mà giờ ra cửa hàng mua một chiếc mũ xịn cũng phải 200.000-300.000 đồng. Nay, thương hiệu B’color tiến hành đổi mũ trợ giá cho người dân, mỗi chiếc cũng giảm từ 30.000 – 70.000 đồng nên phải đi đổi ngay để được giảm giá.

Bộ trưởng Đinh La Thăng thị sát việc đổi MBH - 1

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng kiểm tra tình hình đổi mũ trợ giá

Anh Trần Quang Thái trú tại phố Yên Hòa, hồ hởi với 3 chiếc mũ mới trên thay cho biết, gia đình anh đi chơi qua đây, thấy bảng chú thích có ghi điểm đổi mũ bảo hiểm trợ giá nên cũng “tạt” vào để chọn mấy chiếc cho cả nhà.

“Mũ bảo hiểm 3 người trong gia đình dùng đều là mũ thời trang nhỏ gọn, chưa cái nào đảm bảo chất lượng. Địa điểm này bán mũ mà lại khuyến mãi giảm giá nhiều kiểu dáng nên cả nhà sẽ mua để đội”, anh Thái cho hay.

Ngay sau đó, anh Thái đã nhắn tin thông báo cho anh em trong gia đình đến các điểm đổi mũ có trợ giá để có thể lựa chọn những chiếc mũ đạt tiêu chuẩn, tránh bị xử phạt và tâm lý lo lắng mỗi khi cầm lái xe máy trên đường.

Ông Nguyễn Biên Hòa, đại diện thương hiệu mũ bảo hiểm B’color, Công ty cổ phần Á Long cho biết, mỗi điểm được giao số lượng 1.000 mũ. Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của Công ty, đến 9 giờ sáng nay, điểm đổi mũ tại vườn hoa Hà Đông (quận Hà Đông) đã hết sạch hàng. Theo ông Hòa, mỗi điểm đổi mũ, doanh nghiệp có 4 mẫu mã đồng thời sẽ niêm yết công khai giá cả hợp lý.

“Qua khảo sát thị trường của công ty, một số mũ bảo hiểm được các cửa hàng ‘thổi’ giá lên rất cao so với giá cả mà chúng tôi đưa ra. Vì thế, với giá cả trung bình từ 170.000 - 220.000 đồng/chiếc (chưa trợ giá) của thương hiệu B’color là hợp lý,” ông Hòa nhận định.

Đặt câu hỏi đến việc doanh nghiệp sẽ chịu lỗ khi trợ giá, ông Hòa bày tỏ quan điểm, việc đổi mũ “rởm” sang mũ xịn là chương trình xã hội hóa và Công ty hoàn toàn chịu thiệt thòi về kinh doanh, nhưng đổi lại thương hiệu B’color sẽ được quảng bá đồng thời góp phần giảm thiểu tai nạn cho người đi đường khi đội mũ chuẩn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng thị sát việc đổi MBH - 2

Nhân viên làm việc không ngơi tay

Ông Lê Đức Thuấn, Chủ tịch Công ty sản xuất mũ bảo hiểm Á Long có thương hiệu B’color cho biết, chỉ trong 2 giờ đồng hồ, 4 điểm đổi mũ của đơn vị đã đổi được gần 7.000 mũ (trung bình mỗi điểm đổi khoảng 1.700 mũ.)

Theo ông Thuấn, chương trình đổi mũ bảo hiểm xịn có trợ giá sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm một khoản tiền, được mua mũ chất lượng với giá bình ổn của nhà sản xuất đồng thời hoạt động này cũng giúp thu hồi được số lượng mũ không đạt chuẩn quy định góp phần thắt chặt thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, chương trình đổi mũ bảo hiểm bước đầu đạt thành công, nhận được sự đồng thuận từ phía người dân tham gia.

“Chương trình đổi mũ bảo hiểm không đạt chuẩn lấy mũ bảo hiểm đạt chuẩn, có trợ giá sẽ được triển khai trong một vài ngày tới và sau 2 tuần sẽ thực hiện tại các trường đại học, cao đẳng với đa dạng các hình thức triển khai. Mục tiêu của chương trình nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận được với mũ bảo hiểm từ các nhà sản xuất chính hãng”, ông Hiệp cho hay.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng bày tỏ lo ngại khi sự vào cuộc của các đơn vị sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm vẫn còn quá ít và không thể làm được trong phạm vi cả nước nếu các đơn vị này không tham gia vào ngày hội đổi mũ bảo hiểm.

“Hiện tại, có 3 đơn vị trên tổng số 67 doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm tham gia đổi mũ trợ giá cho người dân tôi e ngại quá ít. Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội cần phải có 150 điểm mới có thể đảm bảo người dân tiếp cận được với chương trình”. Còn, nếu muốn triển khai rộng rãi trên cả nước thì tối thiểu phải cần khoảng 30 doanh nghiệp nhập cuộc.  Ông Hiệp cho biết: “Qua khảo sát một số điểm bán mũ có trợ giá sáng nay cho thấy, trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ buổi sáng, nhưng 12 điểm bán mũ trợ giá đã bán ra số mũ vượt dự trù của nhà sản xuất”.

Theo ông Trần Văn Ngọc, Trưởng phòng Chống hàng giả (Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương), kết quả một tháng triển khai chiến dịch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh mũ bảo hiểm trên thị trường vừa qua bằng cả 3 năm qua. Lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra hơn 1.000 vụ việc, thu giữ hơn 60.000 mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

 “Đã đến lúc lực lượng chức năng cần nghiên cứu xử lý người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn thì mới hiệu quả. Cơ quan chức năng phải được thực hiện đồng bộ, chứ không nên chỉ kiểm tra, xử lý người sản xuất kinh doanh mũ “rởm".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Tuyền (An ninh Thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN