Bộ Nội vụ bác bỏ mô hình Toà thị chính

Lập Toà thị chính và thị trưởng do dân bầu từng là một trong 3 phương án được đề xuất cho mô hình chính quyền đô thị.

Tuy nhiên, tại Tờ trình Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị được đưa ra lấy ý kiến ngày 10/4, Bộ Nội vụ đã chính thức bác bỏ phương án trên.

Trước đó, mô hình tổ chức chính quyền đô thị áp dụng thiết chế Toà thị chính và thị trưởng được cho là phương án đột phá. cụ thể, mô hình sẽ thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở địa bàn thành phố trực thuộc TƯ và thành phố, thị xã thuộc tỉnh là Tòa thị chính.

Người đứng đầu Tòa thị chính là Thị trưởng, do cử tri TP bầu trực tiếp hoặc do HĐND TP bầu ra, chịu trách nhiệm cá nhân trước nhân dân TP và trước HĐND về mọi hoạt động của bộ máy hành chính TP, chịu sự giám sát trực tiếp của HĐND và của nhân dân TP. Người đứng đầu Ban đại diện hành chính quận, huyện, phường là quận trưởng, huyện trưởng và trưởng phường.

Đối với xã, thị trấn vẫn tổ chức HĐND và Ủy ban Hành chính, người đứng đầu Ủy ban Hành chính xã là xã trưởng, người đứng đầu Ủy ban Hành chính thị trấn là trưởng thị trấn.

Điểm khác biệt nhất của mô hình lập toà thị chính được thực hiện sẽ chuyển từ chế độ lãnh đạo tập thể của UBND hiện nay sang chế độ lãnh đạo và chịu trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu trong hoạt động quản lý điều hành.

Nhận định về mô hình này, ông Nguyễn Hữu Đức, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, cho rằng đây là mô hình chính quyền đô thị hiện đại được nhiều nước trên thế giới áp dụng, song khi áp dụng vào Việt Nam sẽ gặp nhiều lực cản. “ Thiết chế mới bao gồm thị trưởng, tỉnh trưởng, quận trưởng, huyện trưởng, xã trưởng….là vấn đề mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử tổ chức chính quyề nhân dân ở nước ta, vì vậy sẽ khó tạo sự đồng thuận”, ông Đức nói.

Ngoài ra, ông Đức cũng cho rằng muốn thực hiện mô hình trên, phải thay đổi đồng bộ phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm và bầu cử trong bộ máy chính quyền.

Cùng với mô hình thiết chế lập Toà thị chính, mô hình: không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, xã, thị trấn trong cả nước, cũng bị bác bỏ tại Tờ trình của Bộ Nội Vụ lên Ban Chấp hành TƯ Đảng.

So sánh từ những ưu điểm, hạn chế và điều kiện thực hiện, Bộ Nội Vụ đã thống nhất lựa chọn phương án không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước. Lý do được đưa ra là mô hình này sẽ phù hợp với thực tiễn, kế thừa được kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị của nước ta từ ngày thành lập tới nay. Cụ thể, kết quả điều tra thăm dò dư luận xã hội điều tra được lấy từ 10.000 lá phiếu cho thấy 79% ý kiến đồng tình với việc thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN