“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch

Tối qua 5.3 (tức 15 tháng Giêng), tại khóa lễ giải sao Thái Bạch ở chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), cả một "biển người" ngồi, đứng giữa lòng đường, tay chắp lạy Phật, miệng lẩm bẩm... dưới cơn mưa nặng hạt.

Theo quan niệm, có 9 ngôi sao chiếu bản mệnh con người, trong đó có 3 sao xấu nhất là La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch. Đặc biệt sao Thái Bạch được cho là “xấu nhất trong các sao xấu”, gắn liền với câu “Thái Bạch quét sạch của nhà”. Nếu người nào bị sao Thái Bạch chiếu, trong năm sẽ gặp hạn về sức khỏe, tiền của, không làm ăn được...

Ngày 15 tháng Giêng hằng năm, những nơi cúng giải hạn sao Thái Bạch luôn có rất đông người tham dự. Người Hà Nội thường quen với cảnh hàng vạn người đến chùa Phúc Khánh (Quận Đống Đa) cầu an, giải hạn. Thậm chí, không kiếm được chỗ trong chùa, nhiều người ngồi tràn ra cả lòng đường, vỉa hè khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng.

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 1

Hàng nghìn người đứng kín cả lòng đường trước cửa chùa Phúc Khánh trên đường Tây Sơn (Hà Nội) dự khóa lễ giải sao Thái Bạch

“Nặng lắm!”, bà Lê Thị Yến (Giáp Bát, Hà Nội) vừa chắp tay lạy Phật vừa than vãn. Bà noi: “Năm nay nhà tôi có 3 người bị sao Thái Bạch chiếu nên phải đến đây giải sao, mong làm ăn thuận lợi, không mất mát gì”.

Với tâm lý bất an khi bị sao Thái Bạch chiếu, nhiều người đã đặt sớ trong chùa Phúc Khánh nhưng vẫn không an tâm, muốn đến chùa thực hành khóa lễ.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Trung Kính) cho biết nếu làm lễ ở nhà rất tốn kém, có khi mất cả chục triệu. Nhưng nếu làm ở đây, mỗi người chỉ mất 1.00.000 đồng.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Oanh thì khác. Bà cho biết: “Tôi làm lễ cầu an cho cả gia đình thôi, nếu bị hạn thì có tránh cũng không được, cốt là tại tâm mình. Nhiều người sống lương thiện vẫn gặp nhiều tai ương đó...”

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 2

Với quan niệm “Thái Bạch quét sạch cửa nhà”, nhiều người phải tới bằng được chùa Phúc Khánh giải hạn, cầu an,  bất chấp trời mưa gió hay phải đứng, ngồi trên thành cầu vượt

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 3

Cả một "biển người" hướng vào phía trong chùa

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 4

Hàng trăm chiếc ô được người dân mang theo khi dự khóa lễ

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 5

Có những người không chen vào được hay đi làm qua đành đứng ngay sát thành cầu làm lễ

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 6

Nhiều người cầu an, giải hạn dưới ô, tuy nhiên có những người đầu trần hay chỉ dùng túi nilon che qua dưới cơn mưa nặng hạt.

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 7

Một lòng thành kính lễ ngay sát thành cầu

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 8

Ngồi dưới lòng đường hàng giờ đồng hồ để cầu mong điều xấu không đến

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 9

Học theo người lớn, nhiều em nhỏ cũng tay chắp, mặt hướng vào chùa

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 10

Phía trong chùa không còn một chỗ trống

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 11

Người dân ngồi cổng sau của chùa Phúc Khánh làm lễ

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 12

Khóa lễ giải sao La Hầu bắt đầu từ 19h, kết thúc lúc 20h

“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch - 13

Sau buổi lễ, nhà chùa phát lộc cho người dân gồm chuối, oản

Theo Thượng tọa Thích Thiện Tâm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dâng sao giải hạn là tập quán xuất phát từ Trung Quốc. Đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn và cũng không có quan niệm sao chiếu mệnh nào tốt, sao nào xấu.

Do vậy, người nào bị “sao xấu” chiếu mệnh không cần phải lo lắng, người nào có sao chiếu mệnh tốt không được chủ quan mà thiếu cẩn trọng trong hành động suy nghĩ. Cũng như vậy, không có ngày tốt, ngày xấu, tháng tốt, tháng xấu. Ví dụ, trong ngày tốt mà con người ta làm việc xấu thì lại chính là ngày xấu với người đó.

“Họa phúc của con người không phải do sao tốt hay sao xấu chiếu mà do chính hành động, lời nói, suy nghĩ của mình gây ra”, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ.

Hiện tại, các chùa làm lễ ngày 15 Âm lịch cho người dân đến dâng sao giải hạn thực chất là Lễ cầu an của Phật giáo. Cầu an ở đây không phải là cầu xin, van xin để được bình an, mà là nhắc lại lời Phật dạy, hướng mọi người làm theo lời Phật để đạt được mong muốn bình an, an lạc.  

Công Thọ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Phú ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN