Bí ẩn “Vùng 51”: Từ Kapustin Yar đến Yamantau

Nga cũng có căn cứ quân sự tuyệt mật như “Vùng 51” Mỹ. Thời Liên Xô, căn cứ không quân Kapustin Yar là nơi thử nghiệm tên lửa và tàu vũ trụ. Chiến tranh lạnh kết thúc, núi Yamantau nổi tiếng là “Vùng 51” bí ẩn nhất.

Không chỉ tình báo Mỹ quan tâm đến hoạt động của tổ hợp quân sự ngầm ở núi Yamantau, Quốc hội Mỹ cũng từng xôn xao về “Vùng 51” kỳ bí này của Liên bang Nga hồi năm 1997. Nó bắt đầu xây dựng từ thời nhà lãnh đạo Liên Xô Brezhnev và được tiếp tục mở rộng sau chiến tranh lạnh.

Rộng cỡ thủ đô Washington

Người dân Mỹ chỉ biết đến sự hiện diện của tổ hợp núi Yamantau từ ngày 16/4/1996 khi tờ báo The New York Times (NYT) đăng bài nói về “Vùng 51” mới của Nga. Theo đó, tổ hợp Yamantau trong lòng ngọn núi cao nhất ở phía Nam dãy Ural, nước Cộng hòa Bashkortostan thuộc Liên bang Nga.

Tờ NYT viết: “Một dự án khiến người ta nhớ lại những ngày lạnh giá nhất của chiến tranh lạnh đang được tiếp tục triển khai ở Liên bang Nga. Nằm sâu trong lòng núi Yamantau, một tổ hợp quân sự khổng lồ đang được gấp rút hoàn thiện với hàng chục ngàn nhân công xây dựng. Diện tích của tổ hợp rộng cỡ thủ đô Washington của Mỹ”.

Bí ẩn “Vùng 51”: Từ Kapustin Yar đến Yamantau - 1

Đường vào thị trấn Beloretsk trên đỉnh núi Yamantau. Ảnh: Panoramio

Không như Mỹ hay Trung Quốc, đến nay, những thông tin liên quan đến hoạt động của tổ hợp núi Yamantau chưa bao giờ được chính quyền Nga giải mật và giải thích. Đầu mối thông tin duy nhất mà Washington có được nằm trong báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ, chủ yếu là DIA (Tổng cục Tình báo Quân đội) và CIA (Cục Tình báo Trung ương). Tuần báo Aviation Week and Space Technology cho rằng những báo cáo này chưa đầy đủ bởi “dù đã bỏ ra gần 30 tỉ USD nhưng tình báo Mỹ vẫn chưa trả lời được câu hỏi người Nga làm gì ở núi Yamantau”.

Tờ NYT dẫn nguồn tin DIA kèm theo bản đồ phỏng đoán tổ hợp núi Yamantau chỉ là một trong 200 căn cứ quân sự ngầm phục vụ chiến tranh nguyên tử và hóa học tuyệt mật của Nga. Trong đó, nhiều căn cứ đã được đầu tư hàng tỉ USD để nâng cấp liên tục.

Kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh (1991), Mỹ tin rằng chính phủ Nga đã chi hơn 6 tỉ USD cho riêng tổ hợp núi Yamantau. Tổ hợp này có sức chứa 60.000 người, được trang bị hệ thống thông gió, kho lương thực và nước uống đủ bảo đảm nuôi sống họ hàng tháng sau các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hoặc nguyên tử. Điều đó cho thấy Nga vẫn còn nghi kỵ Mỹ về chiến tranh nguyên tử.

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh do thám sử dụng trong báo cáo mật của CIA cho biết Yamantau nằm cách thủ đô Moscow 1.360 km về phía Đông. Trên đỉnh núi có thị trấn Beloretsk 15 và 16 với 30.000 dân nhưng “cấm người không phận sự vào” - thật ra là doanh trại quân đội có nhiệm vụ bảo vệ tổ hợp ngầm nằm bên dưới. Những bức không ảnh cho thấy công việc đào bới mở rộng tổ hợp tiến hành rất khẩn trương tại đây.

Tổ hợp núi Yamantau cũng nằm gần Chelyabinsk-70, một trong những phòng thí nghiệm nguyên tử còn hoạt động sau chiến tranh lạnh. Điều này dấy lên mối nghi ngờ tổ hợp cũng là nơi chứa đầu đạn nguyên tử, tên lửa đạn đạo, sản xuất vũ khí nguyên tử, hệ thống kiểm soát tên lửa chiến lược và bộ chỉ huy chiến lược mang bí danh “Bàn tay Thần chết”.

SALT không xóa được nghi kỵ

Trong bối cảnh Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (SALT) mà Nga - Mỹ ký kết ngày 31/7/1991 và có hiệu lực từ 5/12/1994, động thái nêu trên của Moscow khiến Washington hoài nghi. Một số nghị sĩ Mỹ nhân dịp này công kích Nga một mặt nhận tiền tỉ viện trợ để tháo gỡ và tiêu hủy các đầu đạn nguyên tử, mặt khác vẫn tiếp tục chuẩn bị chiến tranh nguyên tử nhằm chiếm lợi thế hơn.

Bí ẩn “Vùng 51”: Từ Kapustin Yar đến Yamantau - 2

Sân bay vũ trụ Kapustin Yar - Ảnh: NASA

Hạ nghị sĩ Roscoe Bartlett, một người trong nhóm nghị sĩ theo dõi dự án núi Yamantau từ năm 1992, nhấn mạnh: “Khả năng sử dụng duy nhất tổ hợp quân sự này là vào thời hậu chiến tranh nguyên tử”. Ông Barllett cũng thắc mắc về việc Nga than vãn tài chính eo hẹp: “Tổ hợp núi Yamantau là một dự án phòng chống chiến tranh nguyên tử lớn nhất thế giới. Nó có khả năng chống lại hàng chục cuộc tấn công nguyên tử nhắm vào mình. Vậy mà họ nói không thể kiếm đâu ra 250 triệu USD để trả lương cho công nhân tháo gỡ đầu đạn nguyên tử. Điều này thật vô lý”.

Năm 1997, Ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ nhận định rằng họ nghi ngờ Nga sử dụng không đúng chỗ viện trợ của Mỹ: “Tổ hợp núi Yamantau đã ngốn một số tiền rất lớn, chứng tỏ Nga đang hiện đại hóa quá đà khả năng quân sự của họ. Trong khi Mỹ cung cấp hàng tỉ USD giúp tháo gỡ đầu đạn nguyên tử theo Hiệp ước Start I, II thì Nga lại đổ cả núi tiền vào tổ hợp núi Yamantau và những căn cứ nguyên tử ngầm”.

“Vùng 51” từ thời Liên Xô

Kapustin Yar là căn cứ thử nghiệm tên lửa, vệ tinh và bom nguyên tử thời Liên Xô nằm giữa Volgograd và Astrakhan. Tên lửa đầu tiên của Liên Xố chế tạo theo mẫu A-4 của Đức được phóng tại đây ngày 18/10/1947. Năm quả bom nguyên tử loại nhỏ (10-40 kiloton) cũng được thử trên không tại Kapustin Yar giai đoạn 1957-1961.

Năm 1966, Kapustin Yar trở thành sân bay vũ trụ và bãi thử tên lửa. Quả tên lửa được phóng gần đây nhất (năm 2011) là loại đất đối không S-500. Kapustin Yar hiện mang tên TP Znamensk, dân số chủ yếu là các nhà khoa học và công nhân viên sống, làm việc tại căn cứ quân sự tuyệt mật này cùng vợ con.

Trong một thời gian dài, bản đồ chính thức của Liên Xô không có tên thành phố này. Tình báo Mỹ và phương Tây chỉ biết đến Kapustin Yar từ năm 1953 nhờ máy bay do thám của Anh và qua lời kể của các nhà khoa học Đức trở về từ Znamensk. Do tính chất bí mật, Kapustin Yar từng được coi là “Vùng 51” của Liên Xô nhưng hiện giờ, biệt danh này thuộc về tổ hợp núi Yamantau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Cao (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN