Bé trai bị bỏ rơi 2 lần, nỗi đau còn mãi

Bé Quang Anh, 2 tháng tuổi, bị bỏ rơi 2 lần tại viện Nhi Trung ương. Lần đầu, em bị bố mẹ đẻ bỏ rơi. Lần hai, sau khi được một gia đình nhận nuôi, em lại bị bỏ rơi khi họ biết em bị nhiễm H.

Ths.Bs Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp xúc với rất nhiều trường hợp trẻ bị bỏ rơi trong bệnh viện.

Vị Trưởng khoa này cho biết: Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 15-20 cháu bị bỏ rơi. Mỗi trường hợp trẻ bị bỏ rơi đều ở những hoàn cảnh khác nhau. Có những trường hợp mẹ sinh con tại viện rồi lặng lẽ bỏ đi để lại con không một lời nhắn nhủ.

Có trường hợp sinh viên đẻ con, không có điều kiện nuôi đã làm thủ tục để con lại cho gia đình khác nhận nuôi. Có những cháu bị nhiễm H từ mẹ cũng bị gia đình hắt hủi bỏ rơi; Có bà mẹ ngoài 40 tuổi sinh con nhưng bỏ lại viện vì đông con không nuôi được.

Có những đứa trẻ bị bỏ rơi thì bệnh tật, có những đứa trẻ bình thường…

Từ vết thương đầu đời mang tên “trẻ bị bỏ rơi”!

Gần đây cộng đồng mạng dậy sóng về trường hợp của bé Quang Anh, 2 tháng tuổi được cho là bị bỏ rơi 2 lần tại viện Nhi Trung ương. Quang Anh bị bố mẹ đẻ bỏ rơi. Sau đó được một gia đình nhận về nuôi nhưng khi biết em bị nhiễm H, gia đình mới lại bỏ em lần 2.

Bé trai bị bỏ rơi 2 lần, nỗi đau còn mãi - 1

Bé Quang Anh trong những ngày được nuôi tại viện Nhi Trung ương

Dù không bị phơi nhiễm H như bé Quang Anh nhưng bé Nguyễn Hữu Danh (tên các bác sĩ đặt cho cháu) mới được hơn 1 tuần tuổi cũng đã bị mẹ bỏ rơi tại cổng nhà trẻ Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng.

Rất may bé được các chú công an đưa vào bệnh viện Thanh Nhàn để chăm sóc. Tại khoa Nhi sơ sinh của bệnh viện, bé được các bác sĩ đặt cho cái tên “Nguyễn Hữu Danh” để đỡ tội thân con khi không có một cái tên để lưu trong sổ sách!

Tại chùa Bồ Đề, Quận Long Biên, gần 160 cháu có hoàn cảnh đáng thương đã và đang được sư thầy Thích Đàm Lan nuôi dưỡng. Mỗi cháu một hoàn cảnh nhưng có đến hơn một nửa trong số đó đều chung một số phận: bị cha mẹ bỏ rơi!

Không bỏ con ở cửa chùa, cửa viện mà lại đem con bỏ nơi đầu đường xó chợ, đó là trường hợp của một bé ở phường 13, Quận Tân Bình TP.HCM. Bé được một chị bán ve chai nhặt được bên lề đường ngày 7/3 vừa qua. Sau đó, bé đã được một người dân địa phương nhận về chăm sóc.

Mặc dù may mắn tìm được người nuôi dưỡng, chăm sóc nhưng tương lai của các cháu như thế nào, tuổi thơ ra sao không ai nói trước được. Chỉ biết chắc rằng, nỗi đau, vết thương đầu đời của chúng do sự vô tâm, vô trách nhiệm của cha mẹ sẽ không bao giờ lành! Vết thương lòng mang tên trẻ bị bỏ rơi.

Đến một tương lai không định!

Mặc dù những cháu bị cha mẹ bỏ rơi tại viện, tại chùa đều được xã hội quan tâm, chăm sóc. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn! Có không ít những rủi ro và nguy hiểm đang rình rập!

Chia sẻ về sự chăm sóc đối với những trẻ em bị gia đình bỏ rơi và những nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải trong cuộc sống, bác sĩ Học suy tư: Dù Bệnh viện không có Quỹ hỗ trợ cho trẻ bị bỏ rơi nhưng có phòng công tác xã hội chuyên kết nối với nhà hảo tâm để hỗ trợ cho những bệnh nhân hoàn cảnh, những trường hợp thương tâm như vậy.

Tuy đất nước mình còn khó khăn nhưng với tình yêu thương, lòng nhân đạo, truyền thống lá lánh đùm lá rách của dân tộc ta thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu không phải không làm được. Chúng ta đã và đang làm rất tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, người già có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ…

Bé trai bị bỏ rơi 2 lần, nỗi đau còn mãi - 2

Những đứa trẻ bị gia đình bỏ rơi nương náu nơi cửa chùa, dù rất đông người đến thăm và chăm sóc nhưng tiếng khóc vẫn không dứt vì dường như chúng hiểu được thân phận của mình! Dù vậy, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như thế này! (Ảnh chụp tại chùa Bồ Đề). Ảnh NL

Tuy nhiên, bên cạnh nỗi đau về tinh thần và thể xác đang phải đối mặt thì điều sợ nhất là các cháu bị thất lạc ra bên ngoài bệnh viện, ngoài những trung tâm nuôi dưỡng hay nhân đạo. Điều lo sợ hơn cả không phải là các cháu không có người nuôi dưỡng mà lo cho các bé rơi vào những gia đình bạo hành trẻ.

Thứ nữa là cần đề phòng những tổ chức núp danh người tốt, nhân đạo, từ thiện để đưa trẻ đi làm những việc bất chính như buôn bán trẻ em, bạo hành… hoặc trục lợi cá nhân. Tương lai của những đứa trẻ đó ra sao không ai nói trước được điều gì

“Chúng ta phải đề phòng những tình huống này.Trẻ bị bỏ rơi đã có nỗi khổ riêng thì mong sao cuộc sống của em không gặp phải những vết thương khác nữa” - BS Học lo lắng.

Trẻ em có quyền được chăm sóc và quan tâm!

Không phải ngẫu nhiên mà thế giới có ngày dành riêng cho trẻ thơ, ngày Quốc tế thiếu nhi - 1/6.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em, vào ngày 20/2/1990. Từ đó đến nay, dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đưa tinh thần và nội dung của Công ước vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và luật pháp quốc gia. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật phổ cập giáo dục... được ban hành hay sửa đổi đều quan tâm thích đáng đến quyền lợi của trẻ em.

Bé trai bị bỏ rơi 2 lần, nỗi đau còn mãi - 3

Ths.Bs Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Nhi Trung ương: “Hãy sống có trách nhiệm với trẻ”. Ảnh NL

Trẻ em là tương lai của đất nước. Gia đình, xã hội hãy quan tâm, có trách nhiệm với trẻ  nhiều hơn, đặc biệt là những người thân. Trách nhiệm cả về mặt luật pháp, tình cảm và xã hội.

Đặc biệt, góc độ về tâm linh, bác sĩ Học muốn những ông bố, bà mẹ nghĩ tới nhân-quả: “Khi bỏ một đứa trẻ, bản thân cuộc sống của mình cũng bị dầy vò, lương tâm sẽ cắn rứt. Có thể trong  thời điểm nào đó khi chưa suy nghĩ kỹ mình quyết định bỏ rơi đứa con nhưng khi bình tâm nghĩ lại lương tâm sẽ không yên. Rồi trong cuộc sống khi gặp những điều không may mắn, ta sẽ chợt nghĩ: Liệu đó có phải hậu quả mà mình phải gánh khi bỏ rơi đứa con?"

Mặc dù bị bỏ rơi nhưng đứa trẻ nào khi lớn lên cũng cần biết về gia đình mình. Dường như trong sâu thẳm tâm hồn, trẻ luôn khao khát được biết cha mẹ mình là ai và vì sao lại bỏ rơi. Tại sao tuổi thơ của em gắn liền với tủi hờn, hoài nghi?

Mong những ông bố, bà mẹ hãy nghĩ đến những nỗi đau mà con phải gánh chịu trước khi để con mình thành “trẻ mồ côi” dù mình vẫn đang tồn tại mà cố gắng nuôi dưỡng con nên người!

“Hãy sống có trách nhiệm với trẻ” là thông điệp mà bác sĩ Học muốn gửi gắm tới cộng đồng nhân ngày Quốc tế thiếu nhi - 1/6.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lan Nguyễn (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN