Báo Mỹ: TQ dùng đến quân đội, Hong Kong sẽ mất tất cả

Nếu bị Hong Kong dồn ép, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải sử dụng vũ lực để đàn áp biểu tình.

Bằng hình thức này hay hình thức khác, thành phố bán tự trị Hong Kong đã luôn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Trung Quốc ngay từ khi được Anh trao trả lại cho Bắc Kinh vào năm 1997.

Báo Mỹ: TQ dùng đến quân đội, Hong Kong sẽ mất tất cả - 1

Hong Kong tiếp tục phát triển thịnh vượng sau khi được trao trả cho Trung Quốc năm 1997

Trong suốt 17 năm nay, Trung Quốc đã dần dần tăng cường quyền kiểm soát đối với thành phố này, cung cấp ngày càng nhiều nước ngọt, điện và thực phẩm cho hơn 7 triệu dân Hong Kong, để vùng đất này tiếp tục là một trong những trung tâm tài chính sôi động nhất thế giới.

Trong khi đó, người dân Hong Kong cũng tìm mọi cách để duy trì cách sống của riêng mình. Quyết định mới được đưa ra hồi tháng 8 của Bắc Kinh rằng các ứng cử viên tham gia vào cuộc bầu cử lãnh đạo Hong Kong năm 2017 sẽ phải được một ủy ban thân Trung Quốc thông qua là một “giọt nước tràn ly” khiến dân Hong Kong sợ hãi hơn về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thành phố.

Vấn đề ở đây không chỉ là dân chủ, mà còn là cơm áo gạo tiền: Ngày càng nhiều người Hong Kong kêu ca rằng rất nhiều việc làm “ngon lành” của họ đang lọt vào tay những người tốt nghiệp đại học ở Bắc Kinh, và tầng lớp trung lưu Hong Kong cũng đang bị đẩy bật ra khỏi thị trường bất động sản bởi những ông trùm đến từ Thượng Hải.

Trước đây, Bắc Kinh luôn không muốn phá hỏng mối quan hệ vốn rất tế nhị với Hong Kong và cho người dân Hong Kong có những hành động chống lại ảnh hưởng từ chính phủ trung ương.

Hong Kong đã từng thành công trong việc chống lại chính sách đưa chương trình giáo dục đạo đức của Trung Quốc vào trường học Hong Kong, cũng như một đạo luật an ninh nghiêm ngặt mà Bắc Kinh rất muốn áp dụng ở đây.

Báo Mỹ: TQ dùng đến quân đội, Hong Kong sẽ mất tất cả - 2

Hàng chục ngàn người Hong Kong đổ xuống đường đấu tranh đòi dân chủ

Nhưng đến nay, sự hoà hoãn giữa Trung Quốc và Hong Kong bằng chính sách “một đất nước, hai chế độ” đang tỏ ra mong manh hơn bao giờ hết. Theo các chuyên gia phân tích của tờ Boston Globe (Mỹ), với những căng thẳng ngày một leo thang, người biểu tình Hong Kong cần phải cho Bắc Kinh một giải pháp “giữ thể diện”, nếu không họ sẽ mất tất cả.

Trong những năm gần đây, các lãnh đạo Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng biểu tình rầm rộ khắp thế giới, từ quảng trường Tahrir ở Ai Cập cho đến phong trào Maidan ở Ukraine. Hồi đầu năm, tờ Nhân dân Nhật báo đã cảnh báo rằng những cuộc nổi dậy như vậy chỉ mang lại bất ổn và ám chỉ rằng các thế lực phương Tây ngày càng muốn “gây hỗn loan” hơn.

Trong thế kỷ 20, Trung Quốc đã chứng kiến một cuộc nội chiến kinh hoàng kéo dài suốt 2 thập kỷ, thế nên giờ đây lãnh đạo nước này rất sợ một cuộc xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát ngay trong lãnh thổ của mình.

Các cuộc biểu tình rầm rộ với sự tham gia của hàng chục ngàn người đòi dân chủ hiện nay là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn chứng kiến hiệu ứng domino lan rộng vào đại lục, và cho đến nay họ đã thành công trong việc kiểm soát các thông tin về cuộc biểu tình ở Hong Kong trên truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi cuộc biểu tình này càng kéo dài và thu hút được sự chú ý nhiều hơn của dư luận trong nước, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ ra tay đàn áp để chứng minh với người dân rằng những hành động đó sẽ chẳng đem lại điều gì.

Báo Mỹ: TQ dùng đến quân đội, Hong Kong sẽ mất tất cả - 3

Hong Kong điều cảnh sát chống bạo động đối phó biểu tình hồi cuối tuần

Theo Boston Globe, một hành động kiểu Thiên An Môn trước đây là rất khó xảy ra, nhưng không phải là không thể. Trong trường hợp bị dồn vào đường cùng, Trung Quốc sẽ dùng bạo lực, và lúc đó Mỹ sẽ không thể làm gì với một đất nước vốn là đối tác đầu tư và thương mại lớn nhất của mình.

Thật may là các lãnh đạo Trung Quốc không hề muốn thế giới nhìn nhận mình qua hành động bạo lực như vậy. Đó chính là lý do hiện nay người biểu tình Hong Kong vẫn còn cơ hội để đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh để hai bên đều có thể tuyên bố chiến thắng.

Đó là một thỏa thuận mà Bắc Kinh nhất trí cách chức trưởng đặc khu Leung Chun-ying, một nhân vật thân Trung Quốc không được lòng người dân Hong Kong, đồng thời hoãn thi hành quyết định về cuộc bầu cử năm 2017 cho đến khi đạt được một giải pháp chấp nhận được thông qua đàm phán với Hong Kong.

Đổi lại, người biểu tình Hong Kong cần phải mở một “lối thoát danh dự” cho Trung Quốc ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Nếu người dân Hong Kong “quá tay”, họ có thể sẽ phải đối mặt với quân đội Trung Quốc chứ không phải cảnh sát Hong Kong như hiện nay.

Một khi Trung Quốc quyết định sử dụng đến lực lượng quân đội để đàn áp bằng bạo lực, người dân Hong Kong sẽ không còn được hưởng những quyền tự do mà họ đang có như hiện nay, tờ Boston Globe khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Boston Globe) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN