Bác sĩ Lương bị bắt: Các GS, BS đầu ngành đồng loạt lên tiếng

Câu chuyện của bác sĩ Hoàng Công Lương - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra đã gây hoang mang trong giới chuyên môn. Các giáo sư đầu ngành cũng lên tiếng về sự việc.

Bác sĩ Lương bị bắt: Các GS, BS đầu ngành đồng loạt lên tiếng - 1

Bác sĩ Hoàng Công Lương, cán bộ của Khoa Điều trị tích cực, đơn nguyên thận nhân tạo bị khởi tố và bắt giam

GS Nguyễn Thanh Liêm: “Có nhất thiết phải bắt giam?”

GS.TS.Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, chuyên gia đầu ngành về Nhi khoa tại Việt Nam chia sẻ cảm giác đau nhói trong tim.

Ông chia sẻ: “Mấy hôm nay hình ảnh bác sỹ Lương bị áp tải giữa hai chiến sỹ công an cứ nhói mãi trong tim tôi. Khuôn mặt khôi ngô, phúc hậu có chút gì đó ngơ ngác của em làm dấy lên câu hỏi của rất nhiều cán bộ ngành y tế: tại sao em bị bắt? Tôi thực sự không có đủ hết thông tin nhưng qua phân tích của các đồng nghiệp chuyên ngành hồi sức cho thấy em không có tội. Em có liên quan nhưng có nhất thiết phải bắt giam vì việc bắt giam em đang gây ra một hiệu ứng hết sức tiêu cực. Rất nhiều cán bộ y tế bị sốc nặng”.

Bác sĩ Lương bị bắt: Các GS, BS đầu ngành đồng loạt lên tiếng - 2

GS.TS.Nguyễn Thanh Liêm

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, cần làm đúng quy trình nhưng trong ngành y đôi khi cũng phải linh hoạt.

GS Nguyễn Thanh Liêm mong cơ quan pháp luật nhìn thấu tình hợp lý trong việc xử lý bác sĩ Lương để không ảnh hưởng đến tinh thần nhiệt huyết của nhiều cán bộ y tế cũng như sức khỏe của nhiều người bệnh.

ĐBQH,GS.TS Nguyễn Anh Trí: “Tôi chưa thực sự tâm phục, khẩu phục”

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương bày tỏ: “Việc bắt tạm giam đối với BS. Hoàng Công Lương thì tôi không đồng ý, tôi chưa thực sự tâm phục khẩu phục".

GS. Trí phân tích:" Việc khởi tố vụ án là cần thiết nhưng trường hợp nào bắt tạm giam thì đáng lẽ cơ quan điều tra cần cân nhắc. Bởi luật quy định chỉ bắt tạm giam với những đối tượng đó gây ra tội phạm nghiêm trọng, hay đối tượng có nguy cơ bỏ trốn, người gây án tiếp tục gây ra những nguy hiểm cho xã hội. Cả ba yếu tố này anh Lương hoàn toàn không có".

Bác sĩ Lương bị bắt: Các GS, BS đầu ngành đồng loạt lên tiếng - 3

ĐBQH GS.TS.Nguyễn Anh Trí

GS Nguyễn Anh Trí cho rằng:  "BS. Lương là bác sĩ chữa bệnh, còn thực hiện là cái máy chạy thận nhân tạo. Bảo hành, bảo dưỡng, tu sửa máy ấy là là đơn vị đến thực hiện từ chiều hôm trước. Thậm chí, sáng hôm sau, bộ phận này cũng có mặt, nếu nhận ra máy móc có vấn đề thì tại sao lại không kêu lên “tôi sục rửa chưa xong”. Để đến bây giờ xảy ra sự cố lại đổ cho BS. Lương?".

“Tôi đồng ý khởi tố nhưng tại sao lại bắt tạm giam mà không cho tại ngoại để điều tra?", GS. Trí nhấn mạnh.

PGS Nguyễn Văn Bàng: Bắt bác sĩ Lương là điều cực phi lý

PGS Nguyễn Văn Bàng - Nguyên Phó Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, cá nhân ông cảm thấy mình phải lên tiếng, thực sự rất bức xúc về việc bắt bác sĩ Lương.

PGS Bàng cho biết, ông không có thông tin cụ thể là bác sĩ Lương sai sót như thế nào trong vụ án này, theo báo chí sau khi được bảo trì bảo dưỡng, hệ thống lọc nước chưa test nước đầu ra, chưa đưa nguồn nước đi kiểm định đã sử dụng cho bệnh nhân.

PGS Bàng phản đối việc bắt giam đồng nghiệp bác sĩ Lương. Người trực tiếp vận hành chạy máy thận nhân tạo sau khi các công đoạn an toàn kỹ thuật thuộc các nhóm kỹ thuật khác. Các bác sĩ là người sử dụng máy đã được đảm bảo kỹ thuật do giám đốc, lãnh đạo bệnh viện, phòng vật tư, phòng Kế hoạch tổng hợp.., là những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm với nhà nước và pháp luật để kí kết với các đối tác kỹ thuật đảm bảo an toàn cho thầy thuốc vận hành máy cứu người.

Trước ý kiến, bác sĩ Lương bị bắt vì ký văn bản đề xuất sửa máy, PGS Bàng cho rằng đây là điều phi lý, và bác sĩ đã làm đúng chức trách, đáng ghi nhận.

“Chúng ta ai cũng biết là người sử dụng máy móc vật tư thì việc họ làm đề xuất, báo sửa khi hỏng, khi hết hạn bảo trì là bình thường và là một công việc bắt buộc vì máy nào cũng có thời gian sử dụng (hay cơ số bệnh nhân được phép chạy thận nhân tạo sau khi sử dụng đến hạn bảo trì, mỗi lần thay cột lọc trong trường hợp này), đến hạn cần phải thay thế, sửa chữa. Vậy sao có thể qui tội cho việc làm đúng và rất hợp lý này?”, PGS Bàng chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Gia Bình: Chỉ thiếu sót về thủ tục hành chính

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức – Cấp cứu và Chống độc VN: việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về: số lượng, chủng loại thiết bị … Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng .

Vì vậy, cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đưa ra kết luận bác sĩ Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục. Bác sĩ Lương cho chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của bệnh viện) là hợp lý, nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra.

“Khuyết điểm của bác sĩ Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính”, GS.TS Bình kết luận.

Vụ chạy thận 8 người chết: Hé lộ sai phạm của 3 bị can

Kết luận giám định cho thấy mẫu nước trong vụ tai biến chạy thận có tồn dư hóa chất cao gấp hàng trăm lần mức cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sốc phản vệ tập thể, nhiều người tử vong Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN