Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P3)

Vợ chồng Bạc Hy Lai - Cốc Khai Lai từng được coi là biểu tượng hiện đại và cởi mở mà rất ít chính khách Trung Quốc có được, cho đến khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến cái chết của một doanh nhân người Anh.

Năm 1986, ông Bạc kết hôn với bà Cốc Khai Lai, một luật sư nổi tiếng, con gái của nhà lão thành cách mạng Cốc Cảnh Sinh, người từng tham gia cuộc kháng chiến chống Nhật vào những năm 1930.

Bà Cốc Khai Lai gặp Bạc Hy Lai vào năm 1984 khi bà đến nghiên cứu tại quận Jin gần Đại Liên nơi ông Bạc làm Bí thư. Bà Cốc Khai Lai đã rất ấn tượng với mẫu người lý tưởng như Bạc Hy Lai, và 2 năm sau, họ đi đến hôn nhân.

Cốc Khai Lai tốt nghiệp ngành Luật và Chính trị Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh. Sau khi ra trường, bà Cốc Khai Lai thì theo đuổi nghề luật và thành lập một công ty luật ở Bắc Kinh. Chẳng bao lâu, bà Cốc nổi lên là một trong những luật sư tài năng thành công nhất Trung Quốc.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P3) - 1

Cốc Khai Lai từng là một luật sư rất nổi tiếng ở Trung Quốc

Trên cương vị là một luật sư, bà Cốc Khai Lai là người đầu tiên ở Trung Quốc thành công trong việc giúp các công ty Trung Quốc ở Đại Liên thắng trong cuộc chiến pháp lý với các cơ quan và công ty Mỹ.

Chẳng bao lâu sau ngày cưới, bà Cốc có cơ hội du học Mỹ nhưng bà từ chối để được ở lại cùng ông Bạc, người sau đó được lên chức Phó thị trưởng thành phố cảng Đại Liên năm 1989, rồi Thị trưởng Đại Liên năm 1993.

Trong cuốn sách Để thắng kiện ở Mỹ, bà Cốc Khai Lai cho biết bà từng nhận lời Cục Tư pháp Đại Liên tham gia một vụ kiện giữa doanh nghiệp Trung Quốc và một công ty Mỹ. Trong vụ kiện này, bà Cốc tự mô tả mình như một luật sư không biết sợ, luôn đi tiên phong để bảo vệ lợi ích quốc gia với phương châm “Can trường hơn kinh nghiệm”.

Vụ kiện này liên quan tranh chấp trong việc làm ăn giữa các công ty Trung Quốc với một doanh nghiệp Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 1997. Bên nguyên kiện các công ty Trung Quốc có hành vi ăn cắp bí mật thương mại và lừa gạt công ty Mỹ. Một tòa án ở Mỹ đã ra phán quyết phạt các công ty Trung Quốc hơn 1 triệu USD.

Bà Cốc đã bay sang Mỹ để cố vấn và theo dõi diễn biến phiên toà. Với sự chỉ đạo và phối hợp của bà, nhóm luật sư Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục tòa án phúc thẩm bác bỏ phán quyết của tòa sơ thẩm, một thắng lợi được bà Cốc ca ngợi là “cột mốc lịch sử” trong quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ. Một luật sư Mỹ tham gia vụ kiện này nhận xét về Cốc Khai Lai là một phụ nữ “rất sắc sảo và nói tiếng Anh rất tốt”.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P3) - 2

Cốc Khai Lai và con trai Bạc Qua Qua

Tuy đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng khi ông Bạc Hy Lai được bổ nhiệm làm Bí thư Trùng Khánh, bà Cốc đã tự nguyện đóng cửa công ty luật vốn đang rất thành công của mình để tránh mang tiếng cho chồng. Bạc Hy Lai đã đánh giá rất cao đức hy sinh này của bà Cốc.

Người ta ví vợ chồng ông Bạc Hy Lai và bà Cốc Khai Lai là những con người “hiện đại và cởi mở”, là Jack và Jackie Kennedy của Trung Quốc. Hai ông bà có một người con trai tên là Bạc Qua Qua, người từng học ở trường tư Harrow nổi tiếng trước khi theo học Đại học Oxford ở Anh.

Một kiến trúc sư Pháp tên là Patrick Devillers cho hay gia đình Bạc Hy Lai không bao giờ thiếu thốn tiền bạc bởi họ có những người bạn hào phóng như tỉ phú Từ Minh luôn sẵn sàng chu cấp mọi thứ. Ngoài ra, những người bà con giàu có trong gia đình cũng thừa sức chu cấp cho cậu con trai Bạc Qua Qua của họ du học bên trời Tây.

Hai vợ chồng Bạc Hy Lai là biểu tượng hiện đại mà rất ít chính khách Trung Quốc có được. Về mặt đối ngoại, các chính khách ngoại quốc và lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia đều có ấn tượng Bạc Hy Lai là một nhân vật cởi mở, thân thiện và gần gũi. Về đối nội, chiến dịch “xướng hồng đả hắc” cùng các chính sách xã hội hợp lòng dân của Bạc hy Lai đã khiến tiếng tăm của Bạc Hy Lai nổi như cồn, đồng thời thể hiện tham vọng rất lớn của ông.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P3) - 3

Gia đình của Bạc Hy Lai

Đây cũng là thời gian mà sự nghiệp của Bạc Hy Lai thăng tiến vô cùng thuận lợi. Sau khi được bổ nhiệm làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh vào năm 2007, Bạc Hy Lai cũng có một ghế Ủy viên trung ương Khóa 16, Khóa 17 và Ủy viên Bộ chính trị Khóa 17. Thậm chí năm 2009, ông còn được tờ Nhân dân Nhật báo bình chọn là “Nhân vật của năm”. Có thể nói cánh cửa danh vọng đang mở rộng hết cỡ trước vị chính trị gia đầy tham vọng này.

Tuy nhiên cánh cửa danh vọng đó đột ngột đóng sập lại trước mặt Bạc Hy Lai trong một vụ bê bối do chính bàn tay của vợ ông dàn dựng. Vụ bê bối chính trị được coi là lớn nhất Trung Quốc kể từ sau Cách mạng Văn hóa này bắt nguồn từ cái chết của một doanh nhân người Anh tên là Nei Heywood.

______________________

Vậy Neil Heywood là ai, và cú “ngã ngựa” của Bạc Hy Lai đã xảy ra như thế nào, mời các bạn đón đọc kỳ 4.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN