Án treo cổ ở Nhật Bản gây tranh cãi

Nhật Bản hiện vẫn duy trì án tử hình bằng hình thức treo cổ, làm nảy sinh nhiều tranh cãi trong dư luận trong nước và quốc tế.

Nhật Bản vừa mới thi hành án treo cổ đối với một tử tù phạm tội cướp giật và dùng súng giết hại một chủ nhà hàng ở khu phố Tàu ở tỉnh Yokohama năm 2004.

Tội phạm Tokuhisa Kumagai, 73 tuổi đã bị đưa lên giàn treo cổ sau khi Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Sadakazu Tanigaki ký sắc lệnh phê chuẩn việc thi hành án tử hình này. Đây là vụ xử tử thứ sáu được thi hành kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền từ tháng 12 năm ngoái.

Án treo cổ ở Nhật Bản gây tranh cãi - 1

Một buồng thi hành án treo cổ ở Nhật Bản

Theo cáo trạng, một tháng sau khi gây ra vụ cướp và giết này, Kumagai còn thực hiện một vụ cướp táo tợn khác, trong đó ông ta đã nổ súng bắn một công nhân ở Tokyo khiến người này bị liệt nửa người vĩnh viễn.

Trong vụ việc này, Kumagai bị kết tội cố sát và cướp tài sản. Hắn cũng bị kết tội phóng hỏa và cướp giật trong các vụ án trước đó.

Phát biểu trong một cuộc họp báo được tổ chức sau vụ treo cổ, Bộ trưởng Tanigaki tuyên bố những tội ác của Kumagai là “cực kỳ trắng trợn” với động cơ xuất phát từ những toan tính vụ lợi cá nhân gây ra nỗi đau không thể đo đếm được cho gia đình các nạn nhân.

Ông Tanigaki khẳng định: “Tòa án đã xem xét rất kỹ lưỡng các hành động của tên tội phạm này, và bản thân tôi cũng nhiều lần đưa ra các khuyến nghị trước khi ký vào sắc lệnh cuối cùng.”

Các tổ chức hoạt động nhân quyền ở Nhật Bản đã ngay lập tức lên án vụ xử tử này và cho rằng nó thể hiện sự phớt lờ nỗ lực quốc tế nhằm xóa bỏ án tử hình.

Hiện Nhật Bản và Mỹ là hai quốc gia duy nhất trong khối G-8 vẫn còn duy trì án tử hình. Vụ xử tử này được thực hiện chỉ 5 tháng sau khi một loạt các vụ xử treo cổ được thi hành hồi tháng Tư.

Với việc thi hành án treo cổ đối với Kumagai, số tù nhân bị tử hình đang chờ thi hành án ở Nhật Bản hiện nay là 132 người. Bộ trưởng Tư pháp Tanigaki nhấn mạnh rằng không có lý do gì để xem xét lại sắc lệnh thi hành án tử hình này của ông, và chính quyền cũng không hề có ý định cân nhắc lại án tử hình vì “không cần thiết phải làm vậy trong thời điểm hiện nay”.

Một số nhà phê bình ở Nhật Bản cho rằng những sắc lệnh tử hình của ông Tanigaki gợi nhớ đến cựu Bộ trưởng Tư pháp Kunio Hatoyama, người trong nhiệm kỳ 2007-2008 của mình đã ký sắc lệnh treo cổ 13 tù nhân. Đây là số lượng tù nhân bị treo cổ lớn nhất kể từ năm 1993, khi án treo cổ được thực hiện trở lại sau 40 tháng gián đoạn.

Trong suốt 3 năm cầm quyền của đảng Dân chủ Nhật Bản bắt đầu từ năm 2009, số vụ án tử hình được thực hiện tương đối ít với tổng cộng 9 vụ, và không có tù nhân nào bị treo cổ trong năm 2011.

Tổ chức Ân xá Quốc tế ở Nhật Bản cũng đã ra tuyên bố phản đối việc “hướng tới thi hành án tử hình rộng rãi” của Nhật Bản.

Tổ chức này nhấn mạnh rằng với việc giành quyền đăng cai Olympic 2020, “cách làm phi nhân đạo” này của Nhật Bản đi ngược lại với tôn chỉ “tôn trọng nhân phẩm và xã hội hòa bình” của sự kiện thể thao lâu đời này.

Mặc dù vậy, tổ chức này cho rằng quyền tranh luận công khai đối với án tử hình ở Nhật Bản hiện nay còn khá hạn chế, khi chỉ có một số ít quan chức được quyền đưa ra các quyết định liên quan đến sinh mạng con người, và cả hệ thống thi hành án tử hình đều được thực hiện bí mật. Tổ chức này yêu cầu chính phủ Nhật Bản công khai thông tin hơn nữa để đảm bảo rằng những người dân bình thường cũng được biết về án treo cổ ở nước này.

Hiệp hội Luật sư Nhật Bản cũng đã lên tiếng chỉ trích vụ treo cổ này là “không thể tha thứ được.” Hiệp hội này cho biết trước đây Kumagai đã bị tuyên án chung thân, tuy nhiên tòa phúc thẩm đã lật lại bản án và phán quyết án tử hình đối với bị can này, thể hiện những quan điểm trái ngược ngay trong chính các thẩm phán.

Trong một báo cáo hồi tháng 5, Ủy ban nhân quyền chống Tra tấn thuộc Liên Hợp Quốc đã hối thúc Nhật Bản báo trước cho các tử tù về thời gian họ bị thi hành án. Theo quy định hiện hành ở Nhật Bản, tử tù chỉ được thông báo rằng họ sẽ bị thi hành án chỉ vài giờ trước khi bước lên giá treo cổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Japan Times) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN