Án oan 28 năm ở Điện Biên: Qua đời mang theo nỗi hàm oan giết cha

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình ngày 18-11 cho biết cơ quan thẩm quyền đang xem xét trách nhiệm gây ra vụ án oan 28 năm ở tỉnh Điện Biên, trong đó có người đã qua đời mang theo nỗi hàm oan giết cha.

Sáng nay 18-11, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Chiến (TP HCM) chất vấn Chánh án về việc nhiều vụ án khi đưa ra xét xử bị trả đi trả lại nhiều lần, vi phạm quy định tố tụng, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Trả lời về vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận có tình trạng một số vụ án trả tới trả lui nhiều lần, trong đó có vụ án trả lại đến 7 lần.

"Trong năm 2017, chúng tôi đã trả điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ án, việc trả điều tra bổ sung là cần thiết khi xét thấy không đủ chứng cứ, bỏ lọt tội phạm, dấu hiệu làm oan. Đây là một chế định mà luật cho phép"- Chánh án TAND Tối cao nói.

Án oan 28 năm ở Điện Biên: Qua đời mang theo nỗi hàm oan giết cha - 1

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn Quốc hội sáng 18-11- Ảnh chụp màn hình

Theo Chánh án, năm 2017, có 145 vụ trả điều tra bổ sung nhiều lần. Trong đó, số vụ trả từ 2-3 lần là hơn 100 vụ, 4 lần 20 vụ, 5 lần 9 vụ... Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trả lời đại biểu Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng chất lượng điều tra của vụ án có vấn đề, bên cạnh đó, thẩm phán không tuân thủ pháp luật, nể nang, thiếu bản lĩnh khi tuyên án.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết theo Luật tố tụng hình sự mới có hiệu lực từ 1-1-2018, trước khi xét xử, tòa án được trả 1 lần và chủ tọa phiên tòa được trả 1 lần nữa trong khi xét xử. Khi hết lần trả hồ sơ, các yêu cầu điều tra bổ sung không được đáp ứng, thì tòa buộc phải tuyên không đủ căn cứ để buộc tội.

"Do vậy, các cơ quan truy tố phải nâng cao chất lượng điều tra ở giai đoạn điều tra truy tố. TAND Tối cao đã quán triệt các thẩm phán tuân thủ quy định, không được trả hồ sơ quá nhiều, trong trường hợp không đủ yếu tố kết tội, thì buộc phải tuyên không đủ yếu tố kết tội. Đồng thời, khi trả điều tra bổ sung, tòa án phải ghi rõ những yêu cầu điều tra bổ sung. Trước khi nhận lại phải kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu điều tra bổ sung này"- Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Xem xét trách nhiệm vụ án oan ở Điện Biên

Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình về vụ án oan sai kéo dài 28 năm ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) khi vợ và 2 con bị kết tội giết chồng, giết cha, gây tổn thất lớn cho người dân. Thậm chí, do vụ án kéo dài không được làm sáng tỏ, có người đã qua đời mang theo nỗi hàm oan.

Án oan 28 năm ở Điện Biên: Qua đời mang theo nỗi hàm oan giết cha - 2

Người con trai út Trịnh Việt Vương bật khóc tại buổi xin lỗi ngày 24-10-2017 khi nghe công bố thành viên gia đình được minh oan sau 28 năm mang nỗi hàm oan giết chồng, cha - Ảnh: Tin tức

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận đây là vụ việc rất đáng tiếc, xảy ra từ lâu. "Về vụ việc này, khi có đại biểu Quốc hội chuyển cho tôi hồ sơ, tôi cũng thấy có dấu hiệu làm oan. Thực chất TAND Tối cao đã hủy từ năm 2003, nhưng hủy xong để ở cơ quan điều tra và cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Sau khi nhận thấy có dấu hiệu oan sai, TAND Tối cao đã cùng với tỉnh Điện Biên họp liên ngành tư pháp trung ương, khẳng định án oan, đình chỉ vụ án và tiến hành xin lỗi gia đình"- Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Về trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trực tiếp gây ra vụ oan sai này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử ở Điện Biên để làm rõ cá nhân nào, ở công đoạn nào gây oan sai, từ đó đưa ra hình thức xét xử nghiêm minh. Chánh án cũng cho biết việc bồi thường trong vụ án oan này đang được xem xét, thỏa thuận.

Vụ án oan gần 30 năm ở huyện Tuần Giáo, Điện Biên

Năm 1989, thi thể ông Trịnh Huy Tùng (chồng bà Đặng Thị Nga, ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) được tìm thấy dưới giếng. Cơ quan công an huyện Tuần Giáo đã khởi tố, bắt giam ba mẹ con bà Nga để điều tra về tội giết người.

Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu (cũ) mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Đặng Thị Nga 36 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội không tố giác tội phạm.

Hai con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị tòa buộc tội đã giết ông Tùng, bị tuyên án 18 và 12 năm tù.

Sau đó, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Tháng 1-1992, trong quá trình điều tra lại, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ) có quyết định hủy bỏ việc tạm giam với ông Hiến và ông Dương sau 28 tháng tạm giam.

Kể từ đó, vụ án bị treo lơ lửng suốt gần 30 năm không có bất cứ kết luận nào dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan.

Chất vấn Chánh án TAND Tối cao kỳ án dưới chân đèo Pha Đin

ĐBQH đặt hàng loạt câu hỏi chất vấn về công tác xét xử cho Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong đó có vụ án...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Chiến (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN