Siêu máy bay Boeing 787-9 hỏng cửa, ai chịu trách nhiệm?

Hôm nay 5-7, Cảng vụ Hàng không Miền Bắc xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sự cố gây hỏng cửa siêu máy bay Boeing 787-9 tại sân bay Nội Bài.

Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết dự kiến hôm nay 5-7, Cảng vụ Hàng không Miền Bắc sẽ có xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, các nhân đã để xảy ra sự cố gây hỏng cửa trước máy bay Boeing 787-9 (B787) của Vietnam Airlines ngày 4-7 tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Siêu máy bay Boeing 787-9 hỏng cửa, ai chịu trách nhiệm? - 1

Cửa trước máy bay Boeing 787-9 bị hỏng bản lề sau khi va chạm với ống lồng - Ảnh Infonet

Cục Hàng không Việt Nam đã xác định nguyên nhân ban đầu của sự cố là do cửa trước của máy bay chưa được đóng và cầu hành khách (ống lồng) chưa được rút ra khỏi máy bay trước khi máy bay được xe kéo đẩy kéo ra vị trí đón khách chuyến VN237 đi TP HCM.

Tóm tắt sự việc như sau: Trước khi xảy ra sự cố, máy bay B787 có số đăng ký VN-A863 đã thực hiện chuyến bay từ London (Anh) về sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) khoảng 7 giờ 54. Sau khi đã trả khách tại vị trí ống lồng số 30 của nhà ga quốc tế T2, máy bay số hiệu VN-A863 sẽ làm các thủ tục tiếp theo để thực hiện chuyến bay nội địa đi TP HCM dự định cất cánh lúc 9 giờ 55 phút.

Theo quy trình, chuyến bay VN-A863 đi TP HCM không sử dụng ống lồng để đón khách mà thực hiện bằng xe thang. Vì vậy, máy bay sẽ được xe kéo đẩy đẩy ra khỏi vị trí ống lồng số 30, lùi về vị trí mới cũng ở khu vực nhà ga T2 để chuẩn bị đón khách chuyến bay nội địa. Thực hiện công đoạn này gồm có 3 vị trí chủ yếu, gồm 2 thợ máy và lái xe kéo đẩy.

Cụ thể, một thợ máy có mặt trên buồng lái máy bay thực hiện chỉ huy việc kéo đẩy máy bay. Một thợ máy khác đứng phía dưới bụng máy bay, cắm tai nghe vào càng trước để liên lạc với thợ máy trên buồng lái. Khi kiểm tra dưới sân đỗ thấy tất cả các thiết bị đã được rút hết khỏi máy bay (ống lồng, xe khí, xe thang…), thợ máy dưới sân sẽ thông báo tất cả đã sẵn sàng. Lúc này, thợ máy bên trên xin phép đài không lưu cho kéo máy bay ra khỏi vị trí.

Nếu có lệnh của đài chỉ huy, thợ máy bên trên thông báo xuống phía dưới. Dưới sân kiểm tra đã đảm bảo điều kiện, thợ máy sẽ báo cáo lại để bên trên thả phanh và lệnh cho nhân viên lái xe đầu kéo thực hiện đẩy máy bay. Như vậy, theo quy trình, việc kéo đẩy máy bay ra khỏi vị trí phụ thuộc vào lệnh của thợ máy trên buồng lái. Quy trình này sẽ được thiết bị ghi âm buồng lái ghi âm lại.

Tuy nhiên, một chuyên gia hàng không phân tích để xảy ra sự cố thì có 2 khả năng: thợ máy phối hợp chưa tốt nên ra lệnh kéo máy bay trong khi ống lồng chưa được rút ra. Khả năng thứ 2 là nhân viên lái xe kéo đẩy vừa cặp vào vị trí, chưa nghe rõ huấn lệnh đã tự ý thực hiện kéo máy bay. Nhưng trong thực tế, khả năng thứ hai rất hiếm xảy ra.

Dự kiến ngày hôm nay 5-7, Cảng vụ Hàng không Miền Bắc sẽ có xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sự cố. Theo yêu cầu của Cục Hàng không, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, quy trình thực hiện công việc trong sự cố này phải bị xử lý nghiêm. Đồng thời, Cảng vụ Hàng không miền Bắc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tổ chức bình giảng rút kinh nghiệm đối với sự cố nêu trên, báo cáo kết quả thực hiện về Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 8-7.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sáng 4-7, tại sân bay quốc tế Nội Bài đã xảy ra sự cố đối với máy bay B787/VN-A863 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) làm cửa trước máy bay bị hỏng và nhánh số 1 của cầu hành khách số 30 bị hư hỏng.

Chiều 4-7, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 2705/CT-CHK về chấp hành các quy định bảo đảm an toàn hàng không, quy trình phục vụ tàu bay tại các cảng hàng không, sân bay sau khi xảy ra sự cố này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN