"Dù phẫu thuật chuyển giới đầy rủi ro, em vẫn muốn được là con gái"

Đây là tâm sự của chị Lê Ánh Phong (tên khai sinh là Lê Quốc Phong, sinh năm 1988, quê ở Quảng Ngãi) - người phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ.

Thêm một lần “phẫu thuật”

Tại buổi gặp gỡ, chia sẻ thông tin về việc Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam vừa được Quốc hội thông qua trong hai ngày 24-25.11 trong đó có nhiều điều liên quan đến người chuyển giới, do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức ngày 26.11, chị Phong cho biết chị sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới vào năm 2013. Trước đó, chị đã liều mạng uống hoóc-môn trong một thời gian dài.

“Rất nhiều người không hiểu nổi tại sao chúng em cứ thích làm khổ mình khi sống trái với giới tính mà mình được sinh ra. Nhưng cho dù đầy đau đớn, khổ sở, rủi ro tính mạng, chúng em vẫn muốn được một lần trong đời được làm con gái” - chị Phong bùi ngùi.

"Dù phẫu thuật chuyển giới đầy rủi ro, em vẫn muốn được là con gái" - 1

Lê Ánh Phong.

Việc đầu tiên mà chị Phong muốn làm khi Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực là đi làm lại giấy khai sinh, chính thức đổi tên thành Lê Ánh Phong và ghi vào dòng giới tính của mình một chữ: “Nữ”. Điều đó cũng có nghĩa Phong sẽ được đăng ký kết hôn, được là vợ, được làm mẹ.

“Tối qua, em đã gọi điện thoại cho mẹ và hai chị gái để chia sẻ niềm vui này. Mẹ em cũng khóc và bảo: “Chúc mừng con đã được pháp luật thừa nhận, không còn phải sống ngoài vòng pháp luật nữa”. Em đã phẫu thuật thân thể, nhưng với niềm vui này, em lại được phẫu thuật một lần nữa - phẫu thuật về tâm hồn, để em có thể sống cuộc đời của một người phụ nữ đích thực” - chị Phong chia sẻ.

Vui một nửa

Nở nụ cười vô cùng quyến rũ, “trai đẹp” Nguyễn Ngọc Tú (24 tuổi, sống tại Hà Nội, công tác trong lĩnh vực maketting và cộng đồng) cùng vui niềm vui chung của các bạn chuyển giới. Tú "chuyển giới" từ nữ thành nam, tuy nhiên chỉ là về hình thức chứ chưa trải qua bất cứ cuộc phẫu thuật nào.

"Dù phẫu thuật chuyển giới đầy rủi ro, em vẫn muốn được là con gái" - 2

Nguyễn Ngọc Tú tâm sự về cuộc đời mình.

“Trong Điều 37 của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chỉ có hiệu lực đối với những người chuyển giới đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Còn tôi chưa phẫu thuật, có nghĩa là chưa được công nhận”, anh Tú chia sẻ.

Tú cho biết, anh là người chuyển giới nhưng không muốn “đánh cược” sức khỏe của mình nên anh không sử dụng hoóc-môn cũng như phẫu thuật chuyển giới. Anh cũng đã có một cô người yêu xinh đẹp và dự định kết hôn. Tuy nhiên, vì luật pháp không cho phép nên vợ chồng anh sẽ không thể đăng ký kết hôn, không thể bảo vệ quyền lợi cho vợ của mình nếu như gặp các vấn đề liên quan đến trách nhiệm, luật pháp. Ngay cả đứa con của họ cũng chỉ có thể có “hai mẹ” (mẹ đẻ và mẹ nuôi).

Theo ông Lương Thế Huy - Giám đốc Chương trình Quyền LGBT (quyền cho người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới) của iSEE: Một vài nghiên cứu cho thấy, người chuyển giới chiếm khoảng 0,2-0,3% dân số. Như vậy, với dân số hơn 90 triệu người thì ước tính ở Việt Nam có khoảng 200.000-300.000 người chuyển giới. Trong khi đó, chỉ có khoảng 20% người chuyển giới phẫu thuật chuyển giới (toàn bộ hoặc chỉ một phần ngực hoặc bộ phận sinh dục). Ngay cả trong 80% còn lại, nhiều người không đủ tiền hoặc sức khỏe để phẫu thuật.

Nhưng cũng nhiều người không hề muốn phẫu thuật mà chỉ thích ăn mặc, trang điểm như con gái (chuyển giới từ nam sang nữ) hoặc cắt tóc ngắn, ăn mặc tác phong nữ nam (chuyển giới từ nữ sang nam). Giống như Tú, dù thích giới tính nam, thích sống cuộc sống của một nam giới nhưng không hề muốn chuyển đổi giới tính.

"Dù phẫu thuật chuyển giới đầy rủi ro, em vẫn muốn được là con gái" - 3

Người chuyển giới gặp gỡ, chia sẻ niềm vui được pháp luật công nhận.

“Như vậy trong Điều 37 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mới chỉ tính đến quyền lợi của một phần rất nhỏ trong nhóm chuyển giới. Trong khi đó, hầu hết người chuyển giới đều gặp rắc rối về giấy tờ khi đi ra ngân hàng, sân bay… vì kiếp sống “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Đó là chưa kể đến không được chấp nhận kết hôn… Rất mong trong thời gian tới, luật pháp sẽ tiếp tục thay đổi để bảo vệ hơn 80% người chuyển giới còn lại”, ông Huy chia sẻ.

“Hiện tại Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có quy định với người chuyển giới đã phẫu thuật, tuy nhiên không nói rõ là phẫu thuật như thế nào. Vì nhiều người chuyển giới chỉ phẫu thuật ngực cắt bỏ hoặc làm to như phẫu thuật thẩm mỹ. Như vậy có được coi là đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính chưa? Điều này cần có quy định cụ thể”, ông Lương Thế Huy nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Linh ([Tên nguồn])
Đồng tính - Chuyển giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN