2013: Không đề xuất tăng lương tối thiểu

Đó là đề xuất của Chính phủ (CP) vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày tại cuộc họp sáng 16/10 của UB Thường vụ Quốc hội. CP không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2013.

Bộ trưởng Huệ cho hay, theo lộ trình cải cách tiền lương thì từ 1/5/2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nhu cầu chi tăng lương theo đúng lộ trình thì nguồn ngân sách cần chi trong năm 2013 khoảng 60-65 ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, tình hình thu ngân sách năm 2012 rất khó khăn và dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2013, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước nên Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2013.

2013: Không đề xuất tăng lương tối thiểu - 1

Công nhân rút tiền tại điểm ATM trong Khu chế xuất Linh Trung, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM (Ảnh: Tiến Thành)

Nêu quan điểm trước đề nghị của Chính phủ, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết trong ủy ban này có nhiều ý kiến khác nhau. “Ý kiến đồng tình với Chính phủ cho rằng trong bối cảnh cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng thấp, nhiều nhiệm vụ chi chỉ được bố trí ở mức tối thiểu so với nhu cầu hoặc không đủ nguồn cân đối thì việc chưa bố trí ngân sách 2013 để cải cách tiền lương là vấn đề cần được tính tới” - ông Hiển nói.

Trong khi đó, “một số ý kiến đề nghị để góp phần bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức và người lao động hưởng lương, cần thực hiện một phần lộ trình tăng mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu lên 1,15 triệu đồng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30% từ 1/5/2013”.

Trước đó, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

“Kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc, vẫn còn nguy cơ lạm phát cao trở lại. Tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết” - ông Vinh nói.

Vẫn theo báo cáo của Chính phủ, “khu vực doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm; chỉ số phát triển công nghiệp tăng chậm và còn thấp; sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao. Đời sống của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn. Tình trạng tham nhũng và các tệ nạn xã hội, tội phạm còn diễn biến phức tạp”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN