Mua hàng xách tay là cổ xúy nạn ăn cắp?

Nhiều người Việt “nhắm mắt, tặc lưỡi” mua hàng, không cần biết liệu đó có phải đồ ăn cắp ở nước ngoài.

Tuần qua, một cơn bão dư luận đã tràn qua khi thông tin 6 người Việt ăn cắp quần áo bị đưa lên truyền hình Nhật Bản. Nhiều người giật mình nhận ra vấn nạn trộm cắp vẫn là một thứ ung nhọt chưa bị triệt hạ, ngày càng làm xấu đi hình ảnh của người Việt trên thị trường quốc tế.

Trong đoạn video clip của kênh Asahi, Nhật Bản miêu tả đủ 6 người Việt ăn cắp quần áo bao gồm cả đàn ông và phụ nữ. Họ từng thực hiện trên dưới 100 vụ tương tự tại các thành phố khác nhau. Hàng ăn cắp được tuồn về Việt Nam và bán trên mạng xã hội với tên gọi quen thuộc: “hàng xách tay”!

Mua hàng xách tay là cổ xúy nạn ăn cắp? - 1

Cửa hàng nơi 6 người Việt bị bắt tại Nhật.

Đây không phải lần đầu tiên, thị trường “hàng xách tay” Việt Nam rúng động vì một vụ trộm cắp. Vào tháng 3 năm nay, một nữ tiếp viên hàng không Việt Nam cũng bị cảnh sát Nhật bắt vì buôn lậu đồ ăn cắp, cụ thể là 21 món đồ quần, áo, giá trị khoảng 1.200 đô la (khoảng 25 triệu đồng).

Ngoài Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc là những đất nước có sản phẩm được ưa chuộng tại Việt Nam cũng là những đối tượng được những kẻ trộm, cắp hướng tới. Các mặt hàng thường bị ăn cắp và tuồn về là quần áo và mỹ phẩm.

Dù đã bị bắt, cảnh cáo nhiều lần nhưng nhiều người Việt vẫn tiếp tục liều mình và hy sinh danh tiếng của bản thân cũng như quốc gia để ăn cắp hàng nước ngoài.  Mục tiêu của họ chính là khoản lời rất lớn từ thị trường nước nhà. Nói cách khác, việc đam mê hàng xách tay mà không cần quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ chính là một cách tiếp tay cho vấn nạn xấu xí này.

Chị Minh (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) là một fan “ruột” của hàng xách tay. Chị mê mẩn các mặt hàng quần áo, son phấn ngoại vì “chất lượng tốt mà giá rẻ hơn ở cửa hàng nhiều” do không phải mất thuế hay tiền thuê cửa hàng…

Thùy Linh (Quận 3, TP.HCM) đam mê hàng hiệu nhưng chỉ thích mua hàng xách tay vì "cảm giác như mua được giá hời nhất rồi!"

Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc của hàng hóa, chị Minh, Thùy Linh cũng như nhiều người mê hàng xách tay thường chỉ dựa vào niềm tin với người bán hàng.

Mua hàng xách tay là cổ xúy nạn ăn cắp? - 2

Một số sản phẩm "xách tay" được rao bán trên trang mạng xã hội. (Ảnh minh họa).

Thay vì đòi hỏi những giấy tờ hợp pháp, những người tiêu dùng dễ dãi như chị Minh sẵn sàng chi tiền cho một sản phẩm không cần biết có phải hàng giả, hàng buôn lậu hay ăn cắp hay không. Chưa nói đến chất lượng đáng ngờ của nhiều mặt hàng, chính tâm lý này của nhiều người tiêu dùng đã vô tình cổ xúy, tiếp tay cho những kẻ trộm cắp.

Tất nhiên, không phải hàng xách tay nào cũng kém minh bạch. Rất nhiều sản phẩm thực sự được người đi công tác nước ngoài hay du học sinh “xách” về. Tuy nhiên, số lượng này rất ít do giới hạn về cân nặng hành lý cũng như sự kiểm soát của hải quan. Lẽ đương nhiên, lượng hàng được mang về không thể tràn lan, thiếu kiểm soát như hiện nay!

Cũng cần nhớ rằng không phải lúc nào các mặt hàng thời trang, phụ kiện và mỹ phẩm cũng được giảm giá và chắc gì những người học tập, công tác tại nước ngoài đã đến đúng vào mùa khuyến mại để mua được hàng rẻ mang về nước. Dù vậy, hình như do mờ mắt vì hàng ngoại giá rẻ, nhiều người vẫn cứ “nhắm mắt, tặc lưỡi” làm ngơ mua hàng.

Để không mua phải hàng không rõ nguồn gốc, hàng chất lượng kém hay thậm chí tiếp tay cho kẻ cắp, người Việt cần cân nhắc kỹ lưỡng, tìm hiểu nguồn hàng trước khi mua hàng xách tay. Chỉ nên mua nếu đó là sản phẩm do người quen mang về.

Ngoài ra, chính những người tiêu dùng trong nước cũng cần ý thức hơn về hình ảnh của người Việt ở nước ngoài, để không vô tình trở thành lực lượng đứng sau, tiếp tay cho vấn nạn xấu xí nói trên. 

Mua hàng xách tay là cổ xúy nạn ăn cắp? - 3

Mua hàng xách tay mà không tham khảo kỹ nguồn gốc là vô tình tiếp tay cho vấn nạn ăn cắp ở nước ngoài? (Ảnh minh họa).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Vũ ([Tên nguồn])
Những mẹo thời trang hữu ích Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN