Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga: "Nếu Nga ra tay thì không kém cỏi như thế"

Một nhà khoa học thời Chiến tranh lạnh mới đây nói rằng ông từng hỗ trợ chế tạo chất độc thần kinh Novichok mà Anh khẳng định là được sử dụng trong vụ đầu độc 2 cha con cựu điệp viên Nga Seigei Skripal.

Lời hé lộ của nhà khoa học Leonid Rink mâu thuẫn với tuyên bố của Moscow nói rằng cả Nga và Liên Xô chưa từng có chương trình chế tạo chất độc thần kinh Novichok.

Tuy nhiên, ông Rink nhận định với hãng thông tấn RIA rằng Moscow nhiều khả năng không liên quan đến vụ đầu độc vì ông Skripal và con gái Yulia không chết ngay tức thì. Ông Skripal và con gái hiện trong tình trạng nguy kịch sau hơn 2 tuần được phát hiện bất tỉnh bên ngoài một trung tâm thương mại ở TP Salisbury – Anh.

"Tôi không tin Nga có liên quan, đặc biệt là khi các nạn nhân vẫn còn sống. Nếu là điệp viên Nga thì họ không thể kém cỏi như vậy được" – ông Rink khẳng định hôm 20-3, đồng thời cho rằng có thể chính Anh đứng sau vụ tấn công.

Nhà khoa học này cũng bác bỏ thông tin trên báo chí Anh rằng có khả năng cô Yulia đã vô tình đem theo Novichok từ Moscow sang London, bởi chất cực độc trên "không thể tồn tại trong hành trình đó".

Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga: "Nếu Nga ra tay thì không kém cỏi như thế" - 1

Ông Seigei Skripal. Ảnh: Reuters

Ông Rink tiết lộ rằng ông làm việc vào thời Liên Xô tại cơ sở chế tạo vũ khí hóa học tại thị trấn Shikhany, bang Saratov – Nga, trong suốt 27 năm cho đến những năm 1990. Theo ông Rink, cơ sở này là nơi chất độc Novichok được bào chế. Khi được hỏi rằng liệu ông có phải là một trong những người phát triển chất độc này không, ông Rink khẳng định với RIA rằng: "Đúng là như vậy. Đó là cơ sở luận văn tiến sĩ của tôi".

"Một nhóm chuyên gia đến từ Shikhany và Moscow nghiên cứu bào chế Novichok – về công nghệ, độc tính và hóa sinh. Cuối cùng, chúng tôi đạt được kết quả tốt" – ông Rink nói và cho biết thêm hiện có nhiều nước khác đủ khả năng chế tạo Novichok, bao gồm Anh, Mỹ và Trung Quốc.

Ông Rink từng bị một năm tù treo trong phiên tòa bí mật vì tội bán Novichok cấp độ quân sự. Chất độc này sau đó được dùng để sát hại một trùm ngân hàng Nga và thư ký của ông ta vào năm 1995.

Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ ông Skripal bị đầu độc.

Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga: "Nếu Nga ra tay thì không kém cỏi như thế" - 2

Các nhà điều tra tại hiện trường ông Skripal bị đầu độc. Ảnh: Reuters

Hôm 20-3, Nga tiếp tục bị Anh cáo buộc tuyên truyền "nửa sự thật và nửa sự giả dối" trong suốt Hội nghị Giải trừ vũ khí diễn ra ở Liên Hiệp Quốc (LHQ) liên quan đến vụ ông Skripal bị đầu độc. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Nga chỉ trích Anh về việc cáo buộc Moscow gây ra vụ đầu độc nhưng lại không trưng ra được bằng chứng.

Ở một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Czech mới đây tuyên bố đã triệu tập đại sứ Nga tại nước này vào hôm 21-3 để giải thích về việc Moscow khẳng định chất độc thần kinh tấn công ông Skripal có thể đến từ Cộng hòa Czech.

Trước đó, vào hôm 16-3, Bộ trưởng Ngoại giao Czech Martin Stropnicky đã bác tuyên bố của Moscow.

Vụ điệp viên bị đầu độc: Nga ra ”đòn” trả đũa Anh

Đây là động thái mới nhất trong cuộc đối đầu ngoại giao giữa Anh và Nga về vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cao Lực - Reuters (Người lao động)
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN