Vấn đề Biển Đông sẽ “đốt nóng” hội đàm Trung-Mỹ

Mỹ kịch liệt lên án những nỗ lực của Trung Quốc để xây dựng các cơ sở hạ tầng trên các đảo đá không người ở trên Biển Đông và dự định sẽ đưa vấn đề này ra nghị luận tại các cuộc hội đàm Trung - Mỹ thường niên được tổ chức ở Washington vào tuần tới.

Reuters ngày 19.6 đưa tin, Daniel Russel, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã tiết lộ trước nội dung chương trình nghị sự mà các quan chức hàng đầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thảo luận trong các cuộc hội đàm về chiến lược tài chính và chính trị khai mạc vào thứ Hai (22.6) và kết thúc vào thứ Tư (24.6) tại Washington.

Ngoại trưởng John Kerry và và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ dẫn đầu phái đòan Mỹ trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì dẫn đầu.

Theo ông Daniel Russel, các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào những bất đồng giữa hai nước về vấn đề an ninh mạng, nhân quyền, những mối quan ngại chung về chương trình hạt nhân của Iran, Triều Tiên, và đặc biệt là quan điểm khác biệt về vấn đề Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông sẽ “đốt nóng” hội đàm Trung-Mỹ - 1
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel trả lời phỏng vấn báo chí

Các cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung - Mỹ leo thang nghiêm trọng vì nhiều vấn đề nóng như hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ gần đây bị tấn công hàng loạt, quy mô và tin tặc Trung Quốc bị xem là "nghi can" số 1.

“Tôi nghĩ đây là một trong những vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”,   Cố cấn về châu Á Bonnie Glaser bình luận.

Ngoài ra, vấn đề Biển Đông cũng sẽ là vấn đề đặc biệt được quan tâm thảo luận tại hội đàm Trung - Mỹ năm nay khi gần đây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh ra sức xây đảo nhân tạo phi pháp cũng như các cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhiều mục đích của nước này trên Biển Đông trở nên căng thẳng.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Daniel Russel đã bình luận về tuyên bố ngày 16.6 của Trung Quốc về việc nước này đang nỗ lực hoàn tất việc xây đảo nhân tạo "trong những ngày sắp tới", sau đó sẽ tiếp tục tiến hành mở rộng đảo, xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự cũng như dân sự tại đây.

Ông  Daniel Russel nhấn mạnh: "Tuyên bố mới đây của Trung Quốc rằng, nước này sẽ tiếp tục mở rộng đảo và xây dựng các cơ sở hạ tầng cho mục đích quân sự cũng như dân sự trên các hòn đảo mà Bắc Kinh đang tiến hành bồi đắp đất ở Biển Đông đang gây ra nhiều quan ngại. Quả thật, chúng tôi rất quan ngại và rất nhiều nước khác cũng rất lo lắng, bất an".
Vấn đề Biển Đông sẽ “đốt nóng” hội đàm Trung-Mỹ - 2
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc gia tăng cải tạo và bồi đắp phi pháp tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 8.4.2015.
Theo đó, Washington dự định sẽ lên tiếng phản đối những hành động phi pháp, đi ngược lại với luật pháp quốc tế, đe dọa tự do hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông trong các cuộc hội đàm Trung-Mỹ.

"Khả năng Trung Quốc âm mưu quân sự hóa các đảo nhân tạo đi ngược lại với mục tiêu giảm căng thẳng. Chúng tôi luôn luôn yêu cầu Trung Quốc ngừng xây đảo cũng như các cơ sở hạ tầng tại đây và đảm bảo không tiến hành "quân sự hóa" hơn nữa các hòn đảo trên Biển Đông", ông Russel nhấn mạnh

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc ngừng cải tạo đất trên Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế.

"Chúng tôi nghĩ rằng việc cải tạo đất và các hoạt động gây hấn của bất kỳ bên nào trong khu vực đều phản tác dụng. Thực tế là Trung Quốc lớn, mạnh... nhưng họ không nên huých mọi người ra ngoài. Nếu những tuyên bố của họ quả thực là hợp pháp, mọi người sẽ công nhận", CBS News dẫn phát biểu của ông Obama tại một diễn đàn của các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á.

Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định rằng, Mỹ không tuyên bố chủ quyền trong khu vực này và không đứng về bên nào trong tranh chấp, song có lợi ích trong việc đảm bảo tranh chấp được giải quyết hòa bình, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Mỹ ước tính, chỉ riêng trong năm nay Trung Quốc đã bồi đắp hơn 6.000 m2. Theo một chỉ huy Mỹ, các cơ sở quân sự mà Bắc Kinh đã xây dựng bao gồm đường băng dài 3.000 m, trạm radar cảnh báo sớm máy bay, dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.

Bắc Kinh đã ngang ngược "tuyên bố chủ quyền" với gần như với toàn bộ Biển Đông và tiến hành cải tạo đảo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực, cũng như của Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Các cuộc hội đàm Trung - Mỹ được khởi đầu vào năm 2009 nhằm mục đích giúp 2 nước duy trì hợp tác song phương bất chấp các mâu thuẫn, bất đồng. 

Hội đàm Trung - Mỹ năm ngoái, trong khi phái đoàn ngoại giao Trung Quốc và Mỹ họp bàn tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng, điều cấp thiết nhất là cả hai nước phải hợp tác để giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng, thay vì nhận thấy các vấn đề đó là “đáng ngại”.

Giới quan sát nhận định, tham dự các cuộc hội đàm với Mỹ vào tuần tới, Trung Quốc chỉ mang theo mong muốn duy nhất là tránh mâu thuẫn và thảo luận các điều kiện cần và đủ để sắp xếp thành công chuyến công du đến Washington của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN