Triều Tiên tuyên bố tên lửa vừa bắn mang được hạt nhân

Tên lửa Triều Tiên đạt độ cao 2.000 km, hoàn toàn đủ khả năng công phá và gây thiệt hại nặng cho căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam.

Triều Tiên tuyên bố tên lửa vừa bắn mang được hạt nhân - 1

KCNA khẳng định tên lửa mới gắn được đầu đạn hạt nhân.

Ngày 15.5, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phát đi thông báo mới nhất, khẳng định tên lửa đạn đạo đất đối đất phóng thử hôm 14.5 có khả năng mang được đầu đạn hạt nhân.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới thị sát buổi phóng thử tên lửa Hwasong-12. Tên lửa này đạt độ cao 2.100 km và bay xa hơn 700 km trước khi rơi xuống biển, cách biên giới Nga gần 100 km. Quan chức Mỹ khẳng định chưa bao giờ tên lửa Triều Tiên bay gần Nga tới vậy.

Hãng thông tấn KCNA nói: “Vụ thử nhằm mục tiêu thẩm định khả năng kĩ thuật và chiến thuật của tên lửa đạn đạo đời mới có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân hạng nặng”. Quan chức Mỹ cho biết vụ thử thực hiện gần thành phố Kusong, miền tây Triều Tiên và bay tới biển Nhật Bản. Địa điểm rơi cách thành phố Vladivostok của Nga gần 100 km.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng tên lửa đạt độ cao trên 2.000 km và bay trong khoảng 30 phút. “Có khả năng đây là một loại tên lửa mới”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada tuyên bố. KCNA cũng cảnh báo Mỹ không nên khiêu khích quốc gia Đông Á này vì “lãnh thổ Mỹ và các căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên”.

David Wright, giám đốc Liên minh Các nhà khoa học (UCS) cho rằng tên lửa bay được xa hơn và cao hơn chứng minh rằng đây là phiên bản cải tiến hoặc đời mới. Trên trang cá nhân của mình, David nhận định nếu bay tới độ cao 2.000 km, tên lửa này hoàn toàn có thể bắn tới căn cứ đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Căn cứ đảo Guam của Mỹ là nơi chứa nhiều máy bay ném bom hạng nặng như B-1, B-2 và B-52.

Triều Tiên tuyên bố tên lửa vừa bắn mang được hạt nhân - 2

Tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.

Tong Zhao, nhà phân tích từ Trung tâm Chính sách Quốc tế Carnegie-Thanh Hoa (Trung Quốc) nhận định tên lửa mới giúp Triều Tiên có trong tay “khả năng răn đe hạt nhân khu vực”. Điều này đồng nghĩa Bình Nhưỡng có thể không cần theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa để bắn tới đất Mỹ.

Nga phản ứng trước hành động bắn thử tên lửa của Triều Tiên bằng việc yêu cầu khu vực phía đông nâng cao cảnh giác. “Để chuẩn bị trước các tình huống bất ngờ xảy ra, chúng tôi luôn đặt hệ thống phòng không của mình ở vùng Viễn Đông trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu”, Viktor Ozerov, giám đốc Ủy ban Hội đồng Quốc gia về Phòng thủ và An ninh, nói.

Tên lửa Triều Tiên vừa thử có đường bay khác thường

Các chuyên gia Nhật Bản nhận định tên lửa Triều Tiên vừa phóng thử có thể là một loại mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN