Trận đổ bộ chiếm đảo đẫm máu chôn vùi 120.000 mạng người

120.000 lính Nhật cố thủ trên đảo Okinawa trong giai đoạn cuối Thế Chiến 2, chỉ có 7.600 người còn sống sót sau 82 ngày giao tranh ác liệt, đánh dấu trận đánh đẫm máu nhất trên mặt trận Thái Bình Dương.

Trận đổ bộ chiếm đảo đẫm máu chôn vùi 120.000 mạng người - 1

Thiết giáp hạm Yamato trong nhiệm vụ cuối cùng hướng đến đảo Okinawa.

Mang mật danh Chiến dịch Iceberg, giai đoạn cuối Thế Chiến 2 đã diễn ra trận đổ bộ chiếm đảo đẫm máu nhất của Mỹ và lực lượng đồng minh trên mặt trận Thái Bình Dương.

Mùa xuân năm 1945, quân Đồng minh tiến sát đến Nhật Bản và các máy bay đã có thể oanh tạc các thành phố Nhật. Cách Nhật Bản khoảng 563 km, đảo Okinawa được coi là bước cuối cùng trước cuộc tấn công toàn diện nhằm vào chính quốc Nhật của phe Đồng minh.

120.000 quân Nhật do Tướng Mitsuru Ushijima chỉ huy quyết tử thủ bảo vệ đảo trong khi quân Đồng minh ước tính, Nhật Bản chỉ có một nửa quân số này trên đảo. Lực lượng Nhật Bản được hỗ trợ bởi 10.000 máy bay và thiết giáp hạm mạnh nhất thời đó, Yamato.

Đối đầu với quân Nhật là 155.000 lính Mỹ, bao gồm cả lính thủy đánh bộ và lục quân. Mặc dù sau này, Mỹ phải đổ bộ thêm nhiều quân hơn để có thể chiếm hoàn toàn đảo Okinawa. Trung tướng Simon Bolivar Buckner chỉ huy đội quân đánh chiếm đảo với sự hỗ trợ của 1.300 tàu chiến, bao gồm cả nhóm tàu sân bay Anh.

Từ tháng 10.1944 – 3.1945, quân đội Mỹ mở đợt không kích nhằm vào Okinawa, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm máy bay địch. Đợt oanh tạc bằng tàu chiến bắt đầu từ 18.3 trong khi phía Nhật đáp trả bằng tấn công cảm tử (kamizake), gây thiệt hại 4 tàu sân bay Mỹ và phá hủy 2 tàu chiến khác.

Trận đổ bộ chiếm đảo đẫm máu chôn vùi 120.000 mạng người - 2

Phe Đồng minh tiếp cận bờ biển đảo Okinawa.

Các lực lượng trên mặt đất cũng chiếm dần các hòn đảo lân cận. Sư đoàn bộ binh số 77 Mỹ đổ bộ lên đảo Kerama ngày 26.3 trước sự chống trả yếu hơn của phía Nhật.

Đổ bộ lên đảo Okinawa

Cho đến ngày đổ bộ đầu tiên vào 1.4.1945, các lực lượng Mỹ đã bắn tổng cộng 44.825 đạn pháo, 22.500 viên đạn súng cối và 32.000 quả rocket. Bãi mìn rải rác trước đảo Okinawa cũng đã được dọn dẹp.

4 giờ sáng, quân đoàn thủy quân lục chiến 24, với sự yểm trợ hỏa lực của các tàu chiến và máy bay, bắt đầu đổ quân lên bãi biển Hagushi, phía bắc Okinawa. 4 giờ 30 phút sau đó, binh sĩ Mỹ tiến vào đất liền và sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để mở trận địa.

Không ai biết rằng, Nhật Bản với chiến thuật mới, đã cố tình để cho lính Mỹ có thể dễ dàng đặt chân lên đảo. Cho đến trước khi trời tối, quân Mỹ đã kiểm soát khu vực bờ biển rộng 12,8 km với 60.000 người.

Trận đổ bộ chiếm đảo đẫm máu chôn vùi 120.000 mạng người - 3

Binh sĩ Mỹ đã phải rất vất vả mới có thể chiếm được đảo Okinawa.

Cuộc đổ bộ tưởng như đơn giản tiếp tục vào ngày hôm sau. Binh sĩ Mỹ tiến sâu vào trong đảo, chia rẽ lực lượng Nhật làm hai, chiếm hai sân bay vốn là nơi các máy bay cảm tử tấn công tàu chiến Mỹ.

Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 6 rơi vào ổ phục kích của phát xít Nhật ở phía bắc. 3 tuần giao tranh khiến cho lực lượng Mỹ thương vong 1.200 người, con số này bên phía Nhật là 2.500. Tướng Buckner chỉ thực sự biết đến cuộc đối đầu khốc liệt khi tấn công xuống phía nam, nơi Tướng Ushijima cố thủ.

Ngày 4.4, quân đoàn thủy quân lục chiến 24 gặp phải kháng cự dữ dội ở thành phố Shuri. Ushijima biết rằng không thể giành chiến thắng nhưng tướng Nhật muốn gây thiệt hại cho người Mỹ lớn nhất có thể bằng chiến tranh tiêu hao.

Đợt tấn công cảm tử tái xuất từ ngày 6.4. 700 máy bay tấn công hạm đội 5 Mỹ, phá hủy hoặc gây thiệt hại tới 13 tàu khu trục. Một tuần sau đó, phát xít Nhật nghĩ ra thứ vũ khí tự sát mới. Quả tên lửa dạng máy bay do các phi công cảm tử Nhật Bản điều khiển. Một khi được kích hoạt ở tầm gần, tên lửa lao thẳng vào mục tiêu với vận tốc gần 1.000 km/giờ. 34 tàu chiến phe Đồng minh đã bị phá hủy bởi loại vũ khí này.

Trận đổ bộ chiếm đảo đẫm máu chôn vùi 120.000 mạng người - 4

Thiết giáp hạm Yamato phát nổ trước đợt tấn công của các máy bay Mỹ.

Ngoài khơi, hạm đội Nhật Bản cũng khởi động nhiệm vụ tự sát. Không còn nhiều nhiên liệu, thiết giáp hạm Yamato, tàu tuần dương Yahagi và 8 tàu khu trục khác hướng đến Okinawa. Nhưng trước khi có thể hỗ trợ lực lượng trên đảo, các tàu Nhật bị đánh chặn bởi máy bay Mỹ. Không được yểm trợ trên không, niềm kiêu hãnh Yamato và toàn bộ các tàu khác bị đánh chìm.

Trên đảo, quân Mỹ bế tắc trước hệ thống phòng ngự của Ushijima. Ngay cả khi một lính Mỹ đổi 10 quân Nhật, phe Đồng minh vẫn không thể tiến thêm một bước nào.

Ngày 12.4, quân Nhật thậm chí còn phản kích dù các đợt tấn công này lần lượt đều bị lực lượng Mỹ hóa giải chỉ trong 2 ngày.

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

Tướng Buckner ra lệnh tăng cường yểm trợ từ ngoài khơi và tái khởi động tấn công nhưng lính thủy đánh bộ Mỹ không thể vượt qua lớp phòng thủ Nhật. Chỉ trong ngày 2.5, quân Nhật một lần nữa tấn công và tổn thất 5.000 người.

Chiến sự chỉ có dấu hiệu thay đổi vào ngày 11.5 khi Tướng Buckner ra lệnh tập trung tấn công vào bên sườn quân Nhật. Tránh rơi vào thế cô lập, phát xít Nhật rút quân về phía nam và chỉ giữ lại một nhóm bảo vệ thành phố Shuri đến ngày 31.5.

Trận đổ bộ chiếm đảo đẫm máu chôn vùi 120.000 mạng người - 5

Lính Mỹ cắm cờ ở Shuri.

Binh sĩ Mỹ phải nhờ đến thuốc nổ và súng phun lửa mới dần vượt qua được các lô cốt phòng thủ Nhật Bản. Lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lên phía tây nam bán đảo Oroku, mở rộng thêm sân bay để hỗ trợ đồng minh tiến quân về phía nam.

Tướng Buckner thậm chí còn thiệt mạng ngày 18.6 do pháo kích Nhật khi đến thị sát tình hình trên chiến trường. 3 ngày sau, chỉ huy quân Nhật trên đảo Okinawa, Ushijima và các sĩ quan đồng loạt tự sát ở trung tâm chỉ huy thay vì chấp nhận đầu hàng.

Binh sĩ Nhật nghe lệnh Ushijima sau đó vẫn tấn công du kích nhằm vào quân Mỹ cho đến cuối tháng 6. 7.400 quân Nhật cuối cùng đã đầu hàng sau đó, kết thúc 82 ngày giao tranh ác liệt.

Trận chiến trên đảo Okinawa là thảm kịch với đế quốc Nhật khi 110.000 binh sĩ thiệt mạng. Quân Mỹ tổn thất 12.000 binh sĩ, bao gồm 5.000 người chết trên biển và 37.000 người khác bị thương.

Về quy mô, các nhà sử học nhận định, trận Okinawa chỉ đứng sau cuộc đổ bộ Normandy. Đây cũng là trận chiến gây thương vong nhiều nhất trên mặt trận Thái Bình Dương.

Chưa đầy 2 tháng sau khi thất thủ tại Okinawa, Nhật Bản hứng chịu 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Đế quốc Nhật sau đó tuyên bố đầu hàng phe Đồng minh. Cuộc chiến tranh đẫm máu nhất lịch sử nhân loại chính thức kết thúc.

____________

Trong giai đoạn cuối Thế Chiến 2, Nhật Bản trở nên bế tắc và kiệt quệ. Mời bạn đọc theo dõi bài viết xuất bản sáng sớm ngày 4.11 về chiến dịch dùng 9.000 quả khinh khí cầu chở theo chất cháy và những khối thuốc nổ lớn, vượt Thái Bình Dương để tấn công lục địa Mỹ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - War History Online ([Tên nguồn])
Những trận chiến lừng lẫy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN