Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn

Trận Dã Hổ Lĩnh mở rộng cửa cho Thành Cát Tư Hãn kéo quân chinh phạt hoàn toàn Trung Quốc, chiếm cứ một vùng lãnh thổ rộng lớn và nhiều tài nguyên.

Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 1

Thành Cát Tư Hãn là chỉ huy trận đánh Dã Hồ Lĩnh lịch sử tiêu diệt hơn 500.000 quân nhà Kim.

Thành Cát Tư Hãn được xem là nhân vật đặc biệt quan trọng trong lịch sử thế giới với tài năng quân sự và tầm nhìn lỗi lạc. Đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lập nên được xem là quốc gia có diện tích liền mạch và lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Loạt bài này sẽ kể lại những câu chuyện sống động về cuộc đời, sự nghiệp và tài năng kiệt xuất của Thành Cát Tư Hãn.

Trận chiến Dã Hồ Lĩnh là một trận đấu then chốt giữa quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn cầm quân và tộc người Nữ Chân của triều đại nhà Kim. Trận Dã Hồ Lĩnh diễn ra trong bối cảnh Thành Cát Tư Hãn củng cố xong lực lượng trên toàn cõi Mông Cổ và bắt đầu đưa quân chinh phạt Trung Quốc, bắt đầu bằng cuộc chiến với nhà Kim.

Thời điểm diễn ra trận chiến lịch sử này là từ tháng 3 đến tháng 10.1211 tại Dã Hồ Lĩnh, gần phía tây bắc huyện Vạn Toàn, Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc ngày nay. Sau trận Dã Hồ Lĩnh, quân nhà Kim nhanh chóng suy yếu và tàn lụi.

Bối cảnh lịch sử

Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 2

Quân Mông Cổ công thành trước nhà Kim (Ảnh minh họa).

Năm 1206, Thiết Mộc Chân thống nhất tất cả các bộ lạc ở Mông Cổ dưới trướng của mình và được phong danh hiệu Thành Cát Tư Hãn (Bá chủ vũ trụ). Triều đình nhà Kim do tộc người Nữ Chân kiểm soát ở phía bắc Trung Quốc là “cái gai” trong mắt Thành Cát Tư Hãn nếu ông muốn chinh phạt thế giới. Chưa kể trong quá khứ, nhà Kim thường xuyên quấy phá và bắt Mông Cổ phải cống nộp lễ vật.

Trước đây, nhà Kim đã phát triển chính sách “chia để trị” rất hiệu quả khiến quân Mông Cổ luôn chịu sự cai quản, áp bức. Khi nhận ra kế sách này không còn phù hợp, nhà Kim bắt đầu lên kế hoạch tấn công đế chế Mông Cổ để diệt trừ hậu họa. Bắt đầu từ thời hoàng đế Chương Tông, nhà Kim đã xây dựng một tuyến phòng ngự kiên cố dài 300km dọc đường biên giới phía bắc. Nhiều học giả gọi đây là “Vạn Lý Trường Thành của nhà Kim”.

Đầu năm 1204, Thành Cát Tư Hãn chinh phạt tộc người Ongud ở biên giới phía bắc nhà Kim. Bộ tộc này có nhiệm vụ giúp nhà Kim cai quản biên giới trong một thời gian dài. Sau chiến thắng, Thành Cát Tư Hãn cũng liên minh với nhà Ongud bằng cách gả con gái của ông cho con trai của tộc trưởng.

Quân Mông Cổ kiểm soát vùng phía bắc núi Âm và bắt đầu tích trữ lương thảo, chuẩn bị vũ khí tấn công nhà Kim trong tương lai gần. Không những vậy, quân của Thành Cát Tư Hãn còn mua chuộc người Nữ Chân đầu hàng hoặc bỏ trốn sang Mông Cổ. Hoàng đế triều Kim là Hoàn Nhan Vĩnh Tề đánh giá thấp sức mạnh của quân Mông Cổ nên bỏ qua phần cảnh giới và tự vệ ở biên giới. Ông luôn lầm tưởng rằng quân nhà Kim mạnh gấp bội so với quân Mông Cổ.

Năm 1210, Thành Cát Tư Hãn sỉ nhục Hoàn Nhan Vĩnh Tề bằng cách công khai nói rằng hoàng đế triều Kim hèn nhát và không đủ tư cách thiên tử. Thành Cát Tư Hãn còn nói: “Hoàng đế phải là người nhà trời như ta mới phải”.

Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 3

Đạo quân Mông Cổ thiện chiến đã sớm thể hiện năng lực của mình trước nhà Kim không có đội hình và ý chí chiến đấu kém (ảnh minh họa)

Khi Hoàn Nhan Vĩnh Tề biết tin, ông vô cùng giận dữ và ra lệnh xử tử sứ giả người Mông Cổ. Căng thẳng giữa hai bên bắt đầu leo thang chóng mặt. Sau đó một năm, quân Mông Cổ tấn công nhà Kim với quân số lên tới 90.000 người và chỉ để lại 2.000 người canh phòng ở căn cứ. Điều này đồng nghĩa 97% quân Mông Cổ được huy động cho trận chiến.

Trước khi tham chiến, Thành Cát Tư Hãn cầu nguyện với thần bầu trời Tengri trên sông Kherlen với hy vọng quân Mông Cổ sẽ giành chiến thắng. Thành Cát Tư Hãn cũng thề sẽ rửa hận cho tổ tiên là Yêm Ba Hài bị xử tử năm 1146 dưới lệnh của hoàng đế nhà Kim là Hy Tông.

Trong 8 tháng giao tranh dữ dội, trận Dã Hồ Lĩnh có ba mốc lịch sử quan trọng

Trận chiến Ô Sa Bảo

Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 4

Phim tư liệu về Thành Cát Tư Hãn.

Quân sư của nhà Kim là Độc Cát Tư Trung dẫn một lượng lớn 750.000 quân nhà Kim tới vùng biên giới phía tây bắc. Mục tiêu của Độc Cát Tư Trung là củng cố “Vạn Lý Trường Thành của nhà Kim” và ngăn quân Mông Cổ tiến sâu hơn về phía Nam.

Thành Cát Tư Hãn ra lệnh cho con trai thứ ba là Oa Khoát Đài chỉ huy một lực lượng đơn lẻ tấn công vào kinh thành Tây Kinh (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc ngày nay) và ngăn chặn kẻ địch “đổ bê tông”. Thành Cát Tư Hãn đích thân dẫn một đạo quân khác tấn công Ô Sa Bảo và chiếm được Ô Nguyệt Doanh. Phòng tuyến quan trọng của nhà Kim bước đầu bị phá hủy. Độc Cát Tư Trung cũng bị giết trong trận chiến này và quân nhà Kim nhanh chóng rơi vào cảnh tan tác.

Trận chiến Ô Sa Bảo diễn ra trong ba tháng và kết thúc vào tháng 6.1211. Quân Mông Cổ nghỉ ngơi một tháng trước khi tiến vào Dã Hồ Lĩnh và gửi một sứ giả gặp triều đình nhà Kim.

Trận Dã Hồ Lĩnh và Hoan Nhi Chủy

Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 5

Thành Cát Tư Hãn đã khiến lịch sử Trung Quốc thay đổi sau khi diệt xong nhà Kim.

Hoàn Nhan Thừa Dụ là người kế nhiệm Độc Cát Tư Trung trong vai trò quân sư đã ra lệnh cho dân ở 3 thành phố là Hằng Châu, Xương Châu, Phủ Châu di chuyển về Dã Hồ Lĩnh. Mục tiêu của ông là tận dụng địa hình núi non của Dã Hồ Lĩnh để ngăn bước kị binh Mông Cổ.

Triều đình nhà Kim cử Thạch Mạt Minh An, một người gốc du mục Mông Cổ thuộc bộ lạc Khitan ra điều đình với Thành Cát Tư Hãn. Dù vậy, chủ soái của quân Mông Cổ đã thuyết phục và chiêu hàng thành công Thạch Mạt Minh An. Thậm chí người này còn cung cấp những thông tin tình báo quân sự quan trọng về quân nhà Kim cho Thành Cát Tư Hãn.

Thành Cát Tư Hãn sai tướng tài là Mộc Hoa Lê chỉ huy lực lượng Bát Lỗ Doanh tấn công chớp nhoáng vào quân nhà Kim qua lối Hoan Nhi Chủy (tỉnh Hà Bắc ngày nay). Trước trận chiến, Mộc Hoa Lê hứa với Thành Cát Tư Hãn: “Thần nguyện chết nếu không tiêu diệt được quân nhà Kim”. Lời tuyên bố này của tướng Mộc Hoa Lê khiến tinh thần quân sĩ lên rất cao.

Do địa hình ở Dã Hồ Lĩnh núi non hiểm trở, quân Mông Cổ không thể sử dụng chiến thuật kị binh nên phải dắt bộ ngựa. Dù vậy với tinh thần phấn chấn, quân Mông Cổ dễ dàng tiêu diệt khu trại chính của Hoàn Nhan Thừa Dụ bằng chiến thuật du kích rồi mới đánh lớn.

Quân Kim mất tổng cộng 300.000 lính trong trận chiến tháng 8.2011 này. Tướng của nhà Kim là Hoàn Nhan Cửu Cân cũng bị chém chết. Một trận chiến Dã Hồ Lĩnh đã đủ khiến binh lực hơn chục năm tích lũy của nhà Kim bị hủy diệt hoàn toàn.

Trận Quái Hà Bảo

Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 6

Vó ngựa Mông Cổ khiến nhà Kim lụn bại trong vòng chưa đây 8 tháng.

Hoàn Nhan Thừa Dụ sau khi thua trận kéo tàn quân còn lại về tập hợp ở Quái Hà Bảo. Dù vậy, lực lượng này cũng sớm bị quân Mông Cổ phát hiện và tiêu diệt trong tháng 10.1211. Sau ba ngày bao vây và giao tranh, quân Mông Cổ đã tiêu diệt hoàn toàn tàn quân sót lại. Chỉ mỗi Hoàn Nhan Thừa Dụ là thoát hiểm một cách bí ẩn và được thay thế bởi Đồ Đan Dật.

Sau ba trận chiến lớn, hoàng đế nhà Kim là Hoàn Nhan Vĩnh Tề bị tướng của mình là Hồ Sa Hổ giết hại ở Trung Đô (Bắc Kinh ngày nay). Hồ Sa Hổ sau đó chiếm quyền kiểm soát đất nước.

Quân Thành Cát Tư Hãn tiếp tục tấn công và bao vây Trung Đô trong suốt 4 năm. Trong thời gian này, cư dân Trung Đô sống rất khổ sở vì đói ăn và thiếu thốn nên sau đó phải xin hàng.

Thành Cát Tư Hãn cho phép quân Kim được kiểm soát Trung Đô nhưng phải nộp chiến phí gồm 500 nam, 500 nữ, 3.000 ngựa. Mùa hè năm 1212, hoàng đế Tuyên Tông từ bỏ Trung Đô và rời tới tỉnh Hà Nam ngày nay.

Trận Dã Hồ Lĩnh khiến quân nhà Kim thiệt hại hơn 500.000 người. 10 thành phố lớn của triều nhà Kim bị quân Mông Cổ tiêu diệt hoàn toàn. Dù nhà Kim vẫn tồn tại sau đó 20 năm nhưng thực lực hầu như đã tắt. Con đường chinh phục hoàn toàn Trung Quốc của Thành Cát Tư Hãn cũng rộng mở hơn sau khi chinh phạt nhà Kim.

___________
Trung Quốc là vùng đất màu mỡ, rộng lớn mà Thành Cát Tư Hãn luôn muốn chinh phục để trở thành bá chủ thiên hạ. Phải mất tới 60 năm liên tục chinh chiến và 50 năm kể từ ngày Thành Cát Tư Hãn qua đời, Trung Quốc mới bị thần phục hoàn toàn. Mời bạn đọc bài tiếp theo xuất bản sáng sớm 15.10 để hiểu thêm về quá trình chinh phục Trung Quốc đầy huy hoàng của Thành Cát Tư Hãn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thành Cát Tư Hãn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN