TQ: Thế hệ "lính cậu" không có tinh thần chiến đấu

Chính sách một con hà khắc đã tạo ra thế hệ binh lính TQ yếu đuối và nhút nhát.

Chính sách một con hà khắc của Trung Quốc được áp dụng trong một thời gian dài đã tạo ra hàng triệu cậu ấm được coi như những “tiểu hoàng đế” trong gia đình bởi sự cưng chiều thái quá của bố mẹ và ông bà. Hậu quả nhãn tiền của chính sách này là các cậu ấm quen được nuông chiều có thể sẽ trở thành những người lính tệ hại trong quân đội Trung Quốc.

Theo giáo sư Liu Mingfu tại Học viện Quốc phòng Trung Quốc, 70% binh lính hiện nay trong quân đội Trung Quốc là các “cậu ấm cô chiêu” trong các gia đình con một, và tỉ lệ quá lớn này đang khiến các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đau đầu.

Tờ Study Times của Trung Quốc cũng đã từng cảnh báo: “Những binh lính thuộc thế hệ con một chỉ là những kẻ nhút nhát không hề có tinh thần chiến đấu.”

TQ: Thế hệ "lính cậu" không có tinh thần chiến đấu - 1

Những người "lính cậu" quen được nuông chiều sẽ không có tinh thần chiến đấu

Các chuyên gia quốc phòng đang quan ngại rằng sức mạnh thực chất của quân đội ngày càng được đầu tư mạnh tay của Trung Quốc yếu ớt hơn vẻ bề ngoài của nó rất nhiều. Điều dễ nhận thấy nhất là trong hơn 30 năm qua, binh sĩ Trung Quốc chưa hề trải qua trận thực chiến nào, và các sĩ quan dành tới 40% thời gian để “học tập chính trị”.

Ông Antony Wong Dong, một chuyên gia quân sự ở Macau nói: “Theo kỷ luật nghiêm khắc của quân đội Trung Quốc, những kẻ hèn nhát bỏ chạy sẽ bị bắn tại chỗ. Ngay cả khi những người lính con một này không sợ phải chiến đấu, ai sẽ chăm sóc cho gia đình họ nếu họ chết hoặc bị thương trong chiến trận?”

Hồi thập niên 1980, người Trung Quốc tin tưởng rằng những thanh niên thuộc thế hệ con một sẽ là niềm hy vọng cho quân đội nước này. Họ cho rằng những thanh niên “chất lượng cao” được chăm sóc, giáo dục tốt, quen thuộc với công nghệ sẽ “nhanh chóng tiếp thu được chiến tranh hiện đại trong thời đại công nghệ cao”.

TQ: Thế hệ "lính cậu" không có tinh thần chiến đấu - 2

Những binh lính thế hệ một con này từng được coi là niềm hy vọng của quân đội Trung Quốc

Thế nhưng, đến khi những “cậu ấm cô chiêu” này nhập ngũ, các chiến lược gia mới ngã ngửa ra rằng những thanh niên quen sống trong cưng chiều này quá hư hỏng, bi quan, ích kỷ và yếu đuối trong môi trường vô cùng khắc nghiệt đòi hỏi sức chịu đựng và ý chí và tinh thần cộng tác cực cao.

Sun Youpeng, một người lính nhập ngũ năm 2010 ở tuổi 22 cho biết: “Khi còn nhỏ tôi là một đứa trẻ quen được nuông chiều. Năm đầu tiên vào quân đội, ngày nào sau khi huấn luyện tôi cũng vùi mình vào chăn và khóc suốt cả đêm vì nhớ nhà, nhớ bạn gái.”

Ông Dean Cheng, một chuyên gia phân tích thuộc Qũy Di sản ở Washington chuyên nghiên cứu về chiến tranh tâm lý nhận định: “Những người lính trẻ con một này khá yếu đuối và non nớt về tinh thần trước các thử thách khắc nghiệt. Bởi vậy họ phải trải qua các khóa đào tạo phòng thủ về tâm lý để hạn chế tác động của áp lực thời chiến.”

Hồi tháng 12 năm ngoái, tờ Korea Times của Hàn Quốc cũng tuyên bố chắc nịch rằng: “Nếu xung đột trên nhóm đảo Senkaku nổ ra, quân đội Trung Quốc sẽ bị lực lượng phòng vệ Nhật Bản đánh bại bởi phần lớn binh lính Trung Quốc đều chỉ là những tiểu hoàng đế hư hỏng.”

TQ: Thế hệ "lính cậu" không có tinh thần chiến đấu - 3

Nhiều binh lính Trung Quốc chỉ là những "tiểu hoàng đế" quen được cưng chiều

Trong một báo cáo gửi cho chính phủ năm 2012, giáo sư Liu Mingfu cũng nhấn mạnh rằng từ xa xưa, việc đưa đứa con trai duy nhất ra trận đã là một điều cấm kỵ trong văn hóa của các gia đình Trung Quốc. Ngay cả quân đội Mỹ cũng có chính sách ưu đãi cho những người con trai duy nhất của gia đình sau khi 5 anh em nhà Sullivan đều thiệt mạng trong vụ tàu chiến USS Juneau bị đánh đắm ở Thái Bình Dương trong Thế Chiến II.

Ông Liu cũng chỉ ra rằng các chỉ huy quân đội Nhật Bản cũng có trách nhiệm ngăn chặn việc điều những người con cả trong các gia đình thực hiện các nhiệm vụ có nguy cơ rủi ro lớn.

Trong thời gian gần đây, quân đội Trung Quốc đã phải tổ chức các khóa huấn luyện đặc biệt để củng cố tinh thần cho những cậu lính “yếu đuối” này. Tuy nhiên ông Liu chỉ ra rằng tỉ lệ con một quá cao trong quân đội vẫn là “nỗi lo sợ chiến lược” cho sự phát triển lâu dài của quân đội Trung Quốc, và quân đội có thể sẽ đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng trong ít nhất hai thập kỷ nữa.

Trước tình hình đó, mới đây Trung Quốc đã phải thay đổi chính sách một con hà khắc bằng cách cho phép những cặp vợ chồng “con một” được phép sinh thêm con thứ hai.

Giáo sư Ni Lexiong, một chuyên gia quân sự ở Thượng Hải nhận định: “Quân đội cần phải đợi ít nhất 20 năm nữa cho đến khi những đứa trẻ thuộc thế hệ mà chính sách một con được nới lỏng lớn lên. Trong thời gian đó, Trung Quốc không thể tham chiến mà không ngớt lo lắng.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN