TQ sẽ lập Ủy ban An ninh Quốc gia siêu quyền lực

Ủy ban An ninh Quốc gia sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực tuyệt đối đối với các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang có kế hoạch thành lập ủy ban an ninh quốc gia mới mà theo các chuyên gia phân tích là sẽ tăng cường đáng kể quyền lực cho Chủ tịch Tập Cận Bình, củng cố vững chắc vị thế của ông này đối với quân đội cũng như các chính sách an ninh nội địa và đối ngoại hơn hẳn các bậc tiền bối trước đây.

Việc thành lập ủy ban có chức năng như Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ này là một trong số ít những kết quả được công bố hôm 12/11 sau Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc với sự tham gia của 376 lãnh đạo cấp cao nhất của nước này.

Động thái này góp phần đưa ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình, người đã thực hiện công cuộc cải cách theo định hướng thị trường ở Trung Quốc vào năm 1978 và trở thành nhà lãnh đạo tối cao cho đến khi ông qua đời vào năm 1997.

TQ sẽ lập Ủy ban An ninh Quốc gia siêu quyền lực - 1

Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) trong Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương ĐCS Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình, người vừa mới nhậm chức 1 năm trước đây, đã thể hiện được quyền lực vượt trội của mình bằng cách nhanh chóng thiết lập ảnh hưởng đối với quân đội và phát động một chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt và lâu dài nhằm duy trì kỷ luật trong đảng Cộng sản Trung Quốc.

Với ủy ban an ninh quốc gia mới mà ông chắc chắn sẽ giữ chức chủ tịch này, ông Tập Cận Bình sẽ có thể tự do điều chỉnh các chính sách đối ngoại và quốc phòng mà ít chịu ảnh hưởng hơn từ Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị gồm 7 thành viên.

Điều đó có thể sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt căng thẳng quan hệ với Mỹ. Washington vẫn thường cho rằng sự thiếu đồng thuận trong các nhà lãnh đạo Trung Quốc và thiếu thống nhất giữa giới quân sự và các cơ quan khác của nước này là những trở ngại trong việc nâng cao chất lượng đối thoại giữa hai nước về an ninh và quản lý các tranh chấp biển đảo ở châu Á.

Cơ quan mới đầy quyền lực này cũng sẽ giúp ông Tập Cận Bình nắm quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các cơ quan an ninh nội địa của Trung Quốc, những cơ quan nắm giữ quyền lực rất lớn trong những năm qua dưới sự giám sát của Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa vừa mới nghỉ hưu hồi năm ngoái.

Cựu chuyên gia phân tích Christopher Johnson của CIA nhận định: “Trung Quốc đã bàn rất nhiều về vấn đề này, và ông Tập Cận Bình đã làm được ngay trong năm đầu tiên nhậm chức. Ông ấy đang cho thấy rằng ông kiểm soát tất cả mọi tầng nấc quyền lực.”

Một thông cáo báo chí được Trung Quốc đưa ra hôm thứ Ba cho biết ủy ban mới này sẽ “cải thiện hệ thống và chiến lược an ninh quốc gia để đảm bảo an ninh quốc gia cho Trung Quốc” mà không đưa ra bất cứ thông tin chi tiết nào khác.

Ông Jin Canrong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận xét: “Quan hệ quốc tế và tình hình trong nước của Trung Quốc đều ngày càng trở nên phức tạp. Các cơ quan trong nước ngày càng trở nên thiếu liên kết và cần sự phối hợp chặt chẽ hơn. Một lý do nữa là vị thế chính trị của nhà lãnh đạo mới vững chắc hơn các nhà tiền nhiệm.”

Ông Canrong cho biết ý tưởng về việc thành lập một ủy ban như thế này đã được đề xuất từ những năm 1980 và đã từng được cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân tìm cách thực hiện vào thập niên 1990. Song ý định này của ông Giang Trạch Dân không thành vì vấp phải sự phản đối của quân đội và các thành viên khác trong Ủy ban thường trực Bộ Chính trị muốn duy trì tiếng nói của mình trong chính sách đối ngoại và an ninh. Những người phản đối ý tưởng này cũng cho rằng ủy ban đó sẽ chồng lấn chức năng với các cơ quan khác của đảng.

Ông Shi Yinhong, một chuyên gia khác về quan hệ quốc tế của Đại học Renmin nói: “Tôi cho rằng giờ đây ông Tập Cận Bình đã nắm giữ mọi quyền lực. Ông có nhiều quyền lực hơn các nhà lãnh đạo trước đây để thực thi các chính sách đối ngoại và vấn đề an ninh.”

TQ sẽ lập Ủy ban An ninh Quốc gia siêu quyền lực - 2

Đồ lưu niệm có hình ông Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông được bán ở Bắc Kinh

Nhiều chuyên gia cho rằng ủy ban này nhiều khả năng sẽ chú trọng vào vấn đề an ninh nội địa hơn so với Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ rất nhiều. Các cơ quan an ninh của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các phong trào đòi li khai ở khu vực phía tây như Tân Cương và Tây Tạng.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng quyền hạn của cơ quan này phụ thuộc rất nhiều vào việc ai sẽ được chọn làm cấp phó cho ông Tập Cận Bình và liệu người đó có vai trò quyền lực như các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ hay không.

Theo nhận định của các chuyên gia, ứng viên hàng đầu hiện nay cho vị trí này là Wang Huning, một cựu học giả quan hệ quốc tế từng đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương từ năm 2002 và được đưa vào Bộ Chính trị hồi năm ngoái.

Một ứng cử viên sáng giá khác là ông Meng Jianzhu, ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc và hiện là người đứng đầu cơ quan giám sát cảnh sát, tư pháp và tình báo của đảng.

Trong những năm gần đây các chính sách an ninh và đối ngoại của Trung Quốc đã phải chịu ảnh hưởng lớn từ các nhóm nhân vật có ảnh hưởng lớn, trong đó có nhiều vị tướng diều hâu và lãnh đạo của nhiều công ty quốc doanh lớn.

Từ năm 2000, Trung Quốc đã thành lập Tiểu ban Chỉ đạo An ninh Quốc gia bao gồm các quan chức thuộc giới quân sự, ngoại giao và kinh tế, tuy nhiên tiểu ban này không thường xuyên hoạt động, không có danh sách thành viên cố định và chỉ có một nhóm nghiên cứu quy mô nhỏ.

Dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, tiểu ban này có quyền lực rất hạn chế vì người đứng đầu cơ quan này là ông Đới Bỉnh Quốc, nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc thời kỳ đó, tuy nhiên ông lại không có ghế trong Bộ Chính trị và bị các tướng lĩnh cao cấp của quân đội lấn lướt.

Người kế nhiệm của ông Đới là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì cũng không phải là ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo WSJ) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN