TQ đối mặt thảm họa khi mực nước biển lên cao kỉ lục

Tác động của mực nước biển tăng sẽ là "vô cùng khủng khiếp”, theo một giáo sư Viện Vật lý Khí tượng thủy văn Trung Quốc.

TQ đối mặt thảm họa khi mực nước biển lên cao kỉ lục - 1

Thành phố Thượng Hải trước nguy cơ gánh chịu hậu quả tự nhiên khi nước biển tăng.

Các nhà khoa học từ Viện Đại dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) cảnh báo rằng những thảm họa tự nhiên như bão lốc, vòi rồng sẽ gia tăng đột biến khi mực nước biển ở quốc gia đông dân nhất thế giới lên cao.

Trong báo cáo môi trường biển mới công bố, SOA cho biết mực nước biển trung bình ở Trung Quốc đã tăng thêm 82mm trong khoảng thời gian từ 1993 đến 2001. Mực nước biển năm ngoái cao hơn năm 2015 là 38mm.

Mực nước biển tăng cao gây thiệt hại 5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 14.000 tỉ đồng) năm 2016 và khiến 60 người chết hoặc mất tích. Dựa trên số liệu thống kê, SOA cho biết những vùng biển ở Thượng Hải, Chiết Giang và Phúc Kiến sẽ chứng kiến mức tăng nước biển cao nhất.

Ở thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, nước biển tăng khiến xói mòn đất đai và năm 2016 đã xâm thực 59m vào bờ. Ngoài yếu tố tự nhiên như El Nino và La Nina, tại những thành phố như Thiên Tân, đất đai sụt lún khiến mực nước biển tăng lên. SOA dự tính mực nước biển ở thành phố công nghiệp quan trọng này sẽ tăng lên 180mm trong 30 năm tới.

Mực nước biển tăng cao cũng gây ra bão, xói mòn và thủy triều xâm thực ở Quảng Đông. SOA cảnh báo mực tăng nước biển là 3,2 mm/năm trong giai đoạn từ 1980 đến 2016. NASA cho biết mức tăng cao nhất có thể là 3,6mm/năm, dựa trên số liệu từ vệ tinh.

“Tăng vài milimet có vẻ ít nhưng nếu bạn biết đại dương lớn tới mức nào, sự tác động sẽ là vô cùng khủng khiếp”, giáo sư Hoàng Cương từ Viện Vật lý Khí tượng thủy văn Trung Quốc, nói.

Giáo sư Hoàng làm đề tài nghiên cứu từ năm 2015, dự đoán rằng mực nước biển sẽ tăng lên 1,2m ở đồng bằng sông Châu Giang cuối thế kỷ này. Khi đó, những khu vực như Hong Kong, Macau sẽ bị nhấn chìm. “Tác động của mực nước tăng sẽ đến nhanh hơn nếu môi trường bị biến đổi nhiều hơn”.

SOA trong vài năm trở lại đây cảnh báo rằng sự ấm lên của nước biển và băng tan hai cực do ảnh hưởng khí hậu càng khiến mực nước biển tăng nhanh. Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước của Trung Quốc cũng khiến tình trạng này thêm trầm trọng.

Năm ngoái, 191 quốc gia kí Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu nhưng phó giáo sư Lưu Trung Huy từ đại học Hong Kong không lạc quan về con số giảm 2 độ C nhiệt độ trung bình trái đất như cam kết. “Nỗ lực của thế giới trong thời gian qua nhằm cắt giảm khí CO2 không thành công. Nước biển tăng cao, tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng rõ rệt hơn trong tương lai gần”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN