Thực ra dân Mỹ bầu cho Clinton nhiều hơn Trump

Donald Trump đã trở thành tân tổng thống Mỹ nhưng có một điều không thể chối cãi, Hillary Clinton có nhiều phiếu bầu phổ thông hơn.

Thực ra dân Mỹ bầu cho Clinton nhiều hơn Trump - 1

Dù thua phiếu đại cử tri nhưng Clinton vẫn giành được số phiếu phổ thông lớn hơn.

Đây là lần thứ hai trong 20 năm qua, ứng viên đảng Dân chủ thua ở Nhà Trắng dù giành được nhiều phiếu phổ thông hơn.

Theo đánh giá, Clinton có nhiều hơn đối thủ 200.000 phiếu phổ thông với khoảng 59 triệu 800 nghìn phiếu. Trump hơn bà Clinton ở số phiếu đại cử tri với 279 phiếu trong khi cựu ngoại trưởng chỉ được 218 phiếu. Năm 2000, ứng viên George Bush cũng thua Al Gore hơn nửa triệu phiếu phổ thông nhưng thắng ở phiếu đại cử tri nên vẫn giành chiến thắng.

Năm 2000, tỉ lệ đi bầu thậm chí còn thấp hơn với 55,3% cử tri hợp lệ có mặt ở điểm bầu cử. Bush chỉ thắng được đối thủ ở bang tranh chấp Florida khi tòa án tối cao đưa ra quyết định cuối cùng. Theo số liệu sơ bộ, số lượng cử tri đi bầu năm 2016 là thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây.

Năm nay, con số đi bầu dao động khoảng 128 triệu người trong khi thời ứng viên Obama tranh cử, con số này là 131 triệu cử tri. Tỉ lệ cử tri hợp pháp đi bầu là 62,2%.

Tờ Washington Post phát hiện ra rằng Trump chiến thắng sát nút ở những thành phố xa xôi, hẻo lánh tại những bang chiến địa như North Carolina. Bà Clinton thì ngược lại, giành ưu thế ở những khu vực đô thị, giống trường hợp của Obama năm 2008. Ở Philadelphia, Obama có 600.000 phiếu và Clinton ngày 8.11 có 560.000 phiếu ở địa điểm này.

Thực ra dân Mỹ bầu cho Clinton nhiều hơn Trump - 2

Bà Clinton phát biểu ở một khách sạn ở New York sau khi thua cuộc.

Tầng lớp công nhân da trắng ở khu vực hẻo lánh xuất hiện ở địa điểm bầu cử khá đông và bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa nhiều hơn thông lệ. Đây là lí do khiến Virginia và North Carolina mang lại chiến thắng cho Trump.

Các cử tri đảng Dân chủ ngược lại ở nhà nghỉ ngơi. “Cử tri đảng Dân chủ bận vào sáng sớm nhưng những vùng xa xôi và hẻo lánh như Trung Tây, họ bận vào buổi chiều”, Michael McDonald, phụ trách chương trình mang tên Elections Projects, nói. “Trong ngày bầu họ không có mặt”.

Theo McDonald, một phần lí giải cho sự thờ ơ của cử tri chính là những lời công kích mà Trump nhằm vào đối thủ. Doug Sosnik, cựu tư vấn chiến lược cho ông Bill Clinton cho biết bà Clinton cũng phải chịu phần nào trách nhiệm.

“Bà Clinton đại diện cho một thế giới mà nhiều người không muốn sinh sống”, Sosnik nói. Ông cho rằng cử tri trẻ tuổi và thiểu số không hào hứng với Clinton.

“Mọi người cảm thấy bước thụt lùi trong chương trình tranh cử. Thế giới của bà Clinton vẽ ra tụt hậu và khiến họ bị kẹt lại phía sau. Tôi nghĩ rằng đã tới lúc cần một sự “thay máu chính trị” cho toàn bộ nước Mỹ”, Sosnik nhấn mạnh.

Một ví dụ điển hình sức mạnh của Trump ở vùng thiểu số là hạt Red Lake, tiểu bang Minnesota. Năm 2012, ứng viên Romney giành được 50% số phiếu khi 1.963 người đi bầu. Năm nay Trump được 61% số phiếu dù số người đi bầu chỉ là 1.871.

Thực ra dân Mỹ bầu cho Clinton nhiều hơn Trump - 3

Người ủng hộ khóc khi bà Clinton không thể trở thành tân tổng thống Mỹ.

Tờ New York Times cho biết Trump làm tăng tỉ lệ cử tri nam đảng Cộng hòa đi bầu lên 5% so với năm 2012. Bà Clinton, nữ ứng viên đầu tiên tranh cử tổng thống, chỉ tăng được tỉ lệ cử tri nữ thêm 1%.

Những thống kê sau bầu cử còn cho thấy Trump tăng được tỉ lệ ủng hộ của nhóm người thiểu số gồm gốc Phi, gốc châu Á và Latinh. Sự thay đổi lớn nhất trong cơ cấu dân số bầu cho Trump chính là những người có thu nhập dưới 30.000 USD/năm. Những người nghèo nhất nước Mỹ tăng ủng hộ với ứng viên đảng Cộng hòa thêm 18 điểm phần trăm so với năm 2012. Clinton giành chiến thắng với nhóm thu nhập dưới 50.000 USD/năm trong khi Trump áp đảo ở những người thu nhập trên 50.000 USD. Theo trang Nate Silver, Trump giành được số phiếu chủ yếu ở các bang đông người da trắng thuộc tầng lớp công nhân.

Kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng Dân chủ đã thắng tới 6 trong 7 lần bỏ phiếu gần đây với số phiếu cử tri phổ thông. Chưa đảng phái nào thực hiện được điều này kể từ khi hệ thống bầu cử hiện đại ra mắt năm 1828.

Sự thành công về mặt phiếu bầu phổ thông ở đảng Dân chủ cho thấy cơ cấu dân số đã thay đổi. Cư dân Mỹ đã đa dạng hơn, bằng cấp cao hơn, trẻ hơn, ít sùng tôn giáo hơn. Đại cử tri năm 2016 có sự phân hóa giữa các tầng lớp lớn nhất lịch sử hơn 200 năm lập quốc ở Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh – Huff Post ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN