Tàu ngầm TQ làm tăng nguy cơ đụng độ hạt nhân trên biển

Với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Pakistan sẽ có trong tay hạm đội tàu ngầm và vũ khí hạt nhân tương đương với Ấn Độ trên biển Ấn Độ Dương.

Ngày 16/4, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc nhiều khả năng sẽ hoàn tất thương vụ bán 8 tàu ngầm cho Pakistan trong chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình tới nước này vào ngày 20/4 tới đây, nhằm tăng gấp đôi quy mô hạm đội tàu ngầm của Pakistan.

Các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng thương vụ này của Trung Quốc có thể là bước đầu tiên giúp Pakistan có khả năng bắn được vũ khí hạt nhân từ trên biển nhằm bắt kịp với nước láng giềng cũng sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ.

Tàu ngầm TQ làm tăng nguy cơ đụng độ hạt nhân trên biển - 1
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (trái) bắt tay ông Tập Cận Bình năm 2014

Chuyên gia David Tweed của tờ Bloomberg cho rằng số tàu ngầm này của Trung Quốc sẽ làm gia tăng đáng kể căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan trên khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt là trong bối cảnh New Delhi cũng đang tăng cường sức mạnh hải quân để đối phó với sự ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc.

Một báo cáo gần đây của tổ chức nghiên cứu chính sách Hội đồng Đại Tây Dương cho hay các chỉ huy hải quân Pakistan đang rất muốn học tập theo Israel để trang bị các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân cho các tàu ngầm thông thường của mình.

Theo đó, những vũ khí hạt nhân trên biển này có sức hủy diệt và khả năng răn đe lớn hơn rất nhiều so với các tên lửa bố trí trên mặt đất, bởi chúng được giấu ở trong lòng biển và rất khó phát hiện.

Trong khi đó, Hội đồng Quan hệ Quốc tế ở New York cho hay Pakistan đang là nước có chương trình hạt nhân phát triển nhanh nhất thế giới. Với sự giúp đỡ của Trung Quốc, hiện Pakistan đang sở hữu từ 100 đến 120 đầu đạn hạt nhân, so với 250 đầu đạn của Trung Quốc và khoảng trên dưới 100 đầu đạn của Ấn Độ.

Tàu ngầm TQ làm tăng nguy cơ đụng độ hạt nhân trên biển - 2
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bán cho Pakistan 8 tàu ngầm S20

Mặc dù đã cho chạy thử tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo vào năm 2009, nhưng Pakistan đến nay vẫn chưa thể đưa được vũ khí hạt nhân ra biển. Trong khi đó, nước láng giềng Ấn Độ vừa mới tăng ngân sách quốc phòng lên mức 40 tỉ USD và phê chuẩn kế hoạch đóng mới 6 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Để đối phó với bước đi trên của Ấn Độ, vào đầu tháng 4, chính phủ Pakistan quyết định mua thêm 8 tàu ngầm Trung Quốc, và nhiều khả năng thương vụ này sẽ được “chốt” trong chuyến công du sắp tới của ông Tập.

Bà Tasnim Aslam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan tuyên bố: “Chúng tôi buộc phải phát triển đầy đủ các loại vũ khí hạt nhân để duy trì khả năng răn đe, đặc biệt là trước các nguy cơ đến từ Ấn Độ”.

Hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ sẽ bán loại tàu ngầm nào cho Pakistan, và liệu số tàu ngầm này có giúp Pakistan tăng cường khả năng răn đe trên biển hay không.

Theo chuyên gia Li Jie thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, số tàu ngầm bán cho Pakistan lần này có thể là loại tàu ngầm S20 sử dụng công nghệ động cơ đẩy khí độc lập hiện đại được trang bị các loại ngư lôi dẫn đường và tên lửa chống hạm. Theo ông Li, số tàu ngầm này sẽ giúp Pakistan “thu hẹp đáng kể khoảng cách tác chiến ngầm với Ấn Độ” trên Ấn Độ Dương.

Tàu ngầm TQ làm tăng nguy cơ đụng độ hạt nhân trên biển - 3
Tàu ngầm Trung Quốc sẽ có thể giúp Pakistan tăng cường khả năng răn đe trên biển. Ảnh minh họa

Hiện hải quân Pakistan đang sử dụng 5 tàu ngầm động cơ điện-diesel của Pháp, trong đó có những chiếc được sản xuất từ thập niên 1970.  Hạm đội tàu ngầm này không thể sánh được với lực lượng tàu ngầm khá lớn của Ấn Độ, trong đó có cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Sau khi mua số tàu ngầm trên của Trung Quốc, Pakistan sẽ phải có những cải tiến nhất định đối với các ống phóng ngư lôi để có thể phóng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân theo chiều thẳng đứng, và theo chuyên gia David Brewster của Đại học Quốc gia Úc, Trung Quốc sẽ bí mật giúp đỡ Pakistan thực hiện các cải tiến quan trọng này.

Chuyên gia này cho hay vào thập niên 1980, Trung Quốc đã giúp Pakistan chế tạo vũ khí hạt nhân và phát triển khả năng phóng các vũ khí này, thế nên giờ đây không có lý do gì họ lại không giúp Pakistan phát triển vũ khí hạt nhân trên biển để cạnh tranh với Ấn Độ. Ông nói: “Ấn Độ càng tiêu tốn nhiều nguồn lực và sự xao nhãng do Pakistan tạo ra, Trung Quốc càng được hưởng lợi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN