Quân đội Mỹ bị buộc phải “dịu giọng” với Trung Quốc

Giới chức quân đội Mỹ bị buộc phải tránh dùng những từ ngữ mạnh như “sự cạnh tranh quyền lực lớn” khi đề cập đến những thách thức ngày càng gia tăng bởi quân đội Trung Quốc.

Quân đội Mỹ bị buộc phải “dịu giọng” với Trung Quốc - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) và Đô đốc Sun Jianguo, phó Tham mưu trưởng của Quân uỷ Trung ương Trung Quốc.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Nhà Trắng muốn ổn định mối quan hệ với Bắc Kinh trong những tháng cuối nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama. Do đó, giới chức hàng đầu ở Lầu Năm Góc bị buộc phải tránh dùng những từ ngữ có thể thổi bùng lên căng thẳng.

Các nhà phân tích nói mệnh lệnh bí mật của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) cũng là dấu hiệu cho thấy Washingon có ý muốn làm giảm căng thẳng với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.

Nguồn tin giấu tên tiết lộ trên trang Navy Times (Mỹ) rằng, NSC ra lệnh cho Lầu Năm Góc tránh dùng cụm từ “sự cạnh tranh quyền lực lớn” và lựa chọn từ ngữ bớt kích động hơn. Quan chức Nhà Trắng cũng nói cụm từ này gây hiểu lầm trong quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng.

Nhưng một số chuyên gia khác cảnh báo Trung Quốc sẽ chống lại lợi ích của Mỹ nếu tiếp tục ngang ngược tuyên bố chủ quyền, xây cảng, đảo nhân tạo trái phép. Lầu Năm Góc hiện chưa lên tiếng bình luận về những thông tin này.

Su Hao, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định, những lời nói của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thường tạo ra ấn tượng rằng, “Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh và đối lập nhau”.

Quân đội Mỹ bị buộc phải “dịu giọng” với Trung Quốc - 2

Tàu sân bay Mỹ John C. Stennis liên tục tuần tra Biển Đông nửa đầu năm nay.

“Mối quan hệ Mỹ-Trung dường như đã bị tác động bởi vấn đề Biển Đông hoặc bởi quân đội. Điều này không mô tả toàn diện của mối quan hệ song phương”, ông Su nói.

Tổng thống Mỹ Barack Obama chắc chắn không muốn để quan hệ Mỹ-Trung rơi vào hỗn loạn cho người kế nhiệm sắp tới. “Nhà Trắng phải thận trọng trong cách ổn định quan hệ”, ông Su bình luận.

Chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, Li Jie nói chỉ thị của NSC cho thấy Nhà Trắng có thể lo ngại, Lầu Năm Góc thách thức quân đội Trung Quốc dẫn đến những hệ quả tiêu cực.

Một nhà phân tích chuyên về quan hệ Mỹ-Trung nói, Bắc Kinh và Washington đã đạt thỏa thuận tránh tạo ra xung đột trực tiếp ở Biển Đông.

Điển hình là việc Mỹ rút tàu sân bay USS John C. Stennis khỏi Biển Đông, tới Hawaii ngày 5.7, chỉ một tuần trước khi Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Trung Quốc cũng chấp nhận thỏa hiệp… ngừng hoạt động xây đảo nhân tạo ở Bãi cạn Scarborough hay tránh thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông”, chuyên gia này nhận định. “Không bên nào muốn leo thang căng thẳng, lựa chọn đối thoại dân sự hoặc thông qua kênh ngoại giao để giải quyết mâu thuẫn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN