Phóng viên BBC mạo hiểm đến gần đảo nhân tạo ở Biển Đông

Ngồi trên chiếc phi cơ loại nhỏ, phóng viên Đài BBC có chuyến khảo sát gần khu vực Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chuyến đi của ông không được Hải quân Trung Quốc chào đón, thậm chí còn đe dọa.

Kế hoạch suýt đổ bể

Phóng viên Đài BBC Rupert Wingfield-Hayes từng trở thành nhà báo đầu tiên "mục sở thị" Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông trong một chuyến khảo sát tới khu vực này bằng tàu đánh cá năm ngoái.

Cách đây vài ngày, ông trở lại khu vực này trên một chiếc phi cơ loại nhỏ. Tuy nhiên, chuyến đi của phóng viên kỳ cựu này chọc giận Hải quân Trung Quốc và ông thậm chí còn bị Hải quân Trung Quốc liên tục đe dọa.

Phóng viên BBC mạo hiểm đến gần đảo nhân tạo ở Biển Đông - 1

Bất chấp nguy hiểm, phóng viên Đài BBC Rupert Wingfield-Hayes vừa thực hiện chuyến khảo sát gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo phóng viên Rupert, các bãi đá ngầm, rạn san hô và cồn cát nằm rải rác ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là khu vực rất khó tiếp cận. Càng khó tiếp cận hơn là những hòn đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trong khu vực này.

"Hãy tin tôi đi, đừng mong chờ lời mời tới thăm khu vực này từ Bắc Kinh", phóng viên Rupert chia sẻ và cho biết thêm rằng, ban đầu Bắc Kinh đã cố gắng ngăn chặn chuyến đi vốn đã được chuẩn bị kỹ càng trong nhiều tháng của ông.

"Sau nhiều tháng chuẩn bị và đàm phán, tôi đang ngồi trong phòng khách sạn ở Manila sửa soạn hành lý để chuẩn bị lên đường thì chuông điện thoại reo. Đó là Chika, đồng nghiệp của tôi. Cô ấy thông báo, giấy phép để hạ cánh xuống đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippines đang chiếm đóng trái phép) của chúng tôi đã bị thu hồi", phóng viên BBC kể lại.

Phóng viên BBC mạo hiểm đến gần đảo nhân tạo ở Biển Đông - 2

Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhìn từ trên cao. Ảnh BBC.

Sau đó, Rupert biết được rằng, giấy phép đã bị thu hồi trước sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Manila. Bằng cách nào đó, Bắc Kinh đã biết được ý đồ chuyến đi. Đại sứ quán Trung Quốc ở London đã liên hệ với Đài BBC để cảnh báo...

Tuy nhiên, sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, Rupert cũng được đồng ý cho hạ cánh xuống đường băng trên đảo Thị Tứ.

Ngay sau đó, phóng viên BBC tới đường băng Puerto Princesa, nằm trên đảo Palawan của Philippines để chuẩn bị cất cánh tới khu vực tranh chấp trên Biển Đông trên chiếc phi cơ Cessna 206 rất nhỏ, chỉ có một động cơ duy nhất. Tổng cộng phi cơ chở 5 người, bao gồm 2 phi công, một kỹ sư, quay phim Jiro và phóng viên Rupert.

Muốn thử phản ứng của Trung Quốc

Phóng viên đài BBC chia sẻ, chuyến đi của ông có 2 mục tiêu. Một là, tiếp cận càng gần càng tốt các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép để quay các công trình họ đang thi công ở đây. Mục đích thứ 2 không kém phần quan trọng là để thử phản ứng của Trung Quốc.

"Trung Quốc bị ràng buộc bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà họ đã tham gia. Nội dung của Luật Biển quy định rõ các đá và rạn san hô chìm dưới biển không được tuyên bố là thực thể có chủ quyền, và việc xây dựng các cấu trúc nhân tạo trên chúng cũng không biến chúng thành có chủ quyền được".

“Một quốc gia chỉ có quyền tuyên bố vùng lãnh hải và không phận 12 hải lý đối với những hòn đảo tự nhiên. Đảo nhân tạo không có quyền này. Nói cách khác, việc chúng tôi áp sát các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép và bồi đắp, xây dựng phi pháp không vi phạm luật pháp quốc tế. Bắc Kinh không nên can thiệp vào lộ trình bay của chúng tôi”, Rupert nhấn mạnh.

Phóng viên BBC mạo hiểm đến gần đảo nhân tạo ở Biển Đông - 3

Chiếc phi cơ chở phóng viên Đài BBC khảo sát gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong khi cất cánh, chiếc máy bay tròng trành, chao đảo, song chỉ vài phút sau, "trước mắt chúng tôi là vùng nước xanh mênh mông của Biển Đông", phóng viên Đài BBC mô tả và cho biết thêm rằng, từ Palawan, phi cơ chở ông sẽ bay thẳng tới đảo Thị Tứ, hạ cánh và tiếp nhiên liệu.

"Sau đó chúng tôi bay về phía tây nam và lượn vòng quanh Đá Chữ Thập (Trung Quốc đang chiếm đóng và xây dựng trái phép). Trung Quốc bị cáo buộc đang xây dựng một căn cứ hải quân và không quân tại đây. Tiếp đó, chúng tôi lại phải trở về đảo Thị Tứ để tiếp nhiên liệu một lần nữa. Cuối cùng, chúng tôi sẽ bay qua Đá Vành Khăn (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) trên đường trở về Palawan. Đây là khu vực diễn ra một loạt các hoạt động xây dựng trái phép quy mô lớn trong năm nay", Rupert chia sẻ. 

Mục sở thị đảo Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép

Từ đảo Thị Tứ, phi cơ chở phóng viên BBC bay khoảng 30 phút về phía nam. Từ xa, phóng viên Rupert đã trông thấy một dải đất màu vàng qua ô cửa máy bay. Trên dải đất này là một khu nhà màu trắng. Ông nhận ra nó ngay lập tức.

"Đó là Đá Ga Ven! Có nhớ là chúng ta đi thuyền qua đây năm ngoái không? Lúc đó họ mới chỉ bắt đầu các hoạt động xây dựng phi pháp thôi", Rupert hô to với quay phim Jiro trong tiếng ồn của động cơ máy bay.

Phóng viên BBC mạo hiểm đến gần đảo nhân tạo ở Biển Đông - 4

Đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - một điểm phóng viên Đài BBC bay qua.

Ngay sau tiếng hô đó, Rupert nhận được cảnh báo từ Hải quân Trung Quốc: "Máy bay quân sự chưa xác định ở phía tây của Bãi Nam Huân (tên Trung Quốc gọi đá Ga Ven của Việt Nam), đây là Hải quân Trung Quốc. Các vị đang đe dọa tới an ninh trạm của chúng tôi! Để tránh những tính toán sai lầm, hãy rời khỏi khu vực này ngay lập tức!".

Theo phóng viên BBC, chiếc phi cơ Cessna chở ông, hoàn toàn không thể xem là máy bay quân sự đảo hướng về phía Tây. Tuy nhiên, những lời cảnh báo vẫn tiếp tục vang lên không ngớt, bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, ngày càng lớn hơn và căng thẳng hơn.

Sau đó, phi cơ tiếp tục hướng tới Đá Chữ Thập của Việt Nam. Sau 1 giờ bay, Rupert nhìn thấy Đá Chữ Thập từ xa, một dải rộng lớn màu vàng nổi lên giữa đại dương.

Phóng viên BBC mạo hiểm đến gần đảo nhân tạo ở Biển Đông - 5

Ảnh chụp Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp hồi tháng 3.2015. Ảnh: CSIS Asia Maritime Transparency Intitiative/DigitalGlobe.

Khi tới khu vực 20 hải lý gần Đá Chữ Thập, họ lại nghe rõ những lời cảnh báo gay gắt của Hải quân Trung Quốc vang lên trên sóng radio: “Máy bay quân sự nước ngoài đang ở phía tây bắc Đá Vĩnh Thử (Tên Trung Quốc gọi Đá Chữ Thập của Việt Nam). Đây là Hải quân Trung Quốc. Các vị đang đe dọa sự an toàn trạm của chúng tôi. Để tránh những tính toán sai lầm, hãy rời khỏi khu vực này ngay lập tức!".

Hai phi công chiếc Cessna lập tức đổi hướng về phía Bắc, cách xa khu vực này.

"Chúng ta cần tới gần hơn. Chúng ta cần phải quay trở lại. Chúng tôi không thể ghi hình được từ khoảng cách xa như vậy", Rupert tha thiết đề nghị cơ trưởng.

Ban đầu đề nghị của ông bị từ chối vì các phi công Philippines lo ngại vấn đề an toàn. Tuy nhiên, sau nỗ lực thuyết phục trong nhiều giờ của phóng viên, họ đổi ý.  

Chiếc phi cơ lại cất cánh lần thứ 3. Chẳng bao lâu thì Rupert nhìn thấy một dải đất hình lưỡi liềm vàng - hình dạng không thể nhầm lẫn của Đá Vành Khăn của Việt Nam.

Phóng viên BBC mạo hiểm đến gần đảo nhân tạo ở Biển Đông - 6

Ảnh chụp Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp hồi tháng 9.2015. Ảnh: CSIS Asia Maritime Transparency Intitiative/DigitalGlobe.

Các phi công hạ độ cao xuống 1.500 m. Tới khu vực 12 hải lý, cảnh báo của Hải quân Trung Quốclại vang lên: "Máy bay quân sự nước ngoài tại phía tây bắc của Đá Mỹ Tế (tên Trung Quốc gọi Đá Vành Khăn của Việt Nam). Đây là Hải quân Trung Quốc, các vị đang đe dọa an ninh của trạm chúng tôi! Để tránh những tính toán sai lầm, hãy rời khỏi khu vực này ngay lập tức!".

Cơ trưởng chiếc Cessna chở phóng viên BBC bình tĩnh trả lời: "Hải quân Trung Quốc, đây là máy bay dân sự Philippines trên đường đến Palawan, chở theo hành khách dân sự. Chúng tôi không phải là máy bay quân sự, chúng tôi là máy bay dân sự một động cơ".

Sau đó, các phi công bay men về phía bắc của Đá Vành Khăn bất chấp Hải quân Trung Quốc vẫn phát cảnh báo liên hồi.

"Phía dưới chúng tôi có rất nhiều loại tàu thuyền lớn nhỏ. Trên dải đất mới bồi đắp là nhà máy xi măng và phần móng của những tòa nhà mới. Sau đó, chúng tôi lượn vòng qua một đám mây, và lần đầu tiên chúng tôi đã nhìn rõ một đường băng mới Trung Quốc đang xây dựng ở đây, chỉ cách bờ biển Philippines 140 hải lý. Tôi đã làm một phép tính nhanh. Một chiến đấu cơ của Trung Quốc cất cánh từ đây có thể bay tới bờ biển Philippines chỉ trong khoảng 8, 9 phút", Rupert nhấn mạnh.

Sau khi quan sát cận cảnh hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn, Rupert cùng tổ bay quay về Palawan. Trên đường quay trở về, họ nghe thấy một giọng tiếng Anh phát ra từ radio: "Hải quân Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc. Chúng tôi là một máy bay của Úc đang thực hiện quyền tự do bay trong không phận quốc tế theo công ước hàng không dân dụng quốc tế, và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển – Xin hết"....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng (theo BBC) ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN