Nơi đầu tiên ở Nhật hứng tên lửa nếu Triều Tiên tấn công

Người dân Nhật sống gần căn cứ quân sự Mỹ, chiến tuyến nếu nổ ra xung đột với Triều Tiên, khá bình thản với viễn cảnh bị tên lửa Bình Nhưỡng tấn công chỉ trong vài phút.

Nơi đầu tiên ở Nhật hứng tên lửa nếu Triều Tiên tấn công - 1

Mối đe dọa tên lửa Triều Tiên ngày càng gia tăng ở Nhật Bản. Ảnh minh họa.

“Điều đó là không thể. Chúng tôi sẽ không thể chạy trốn khỏi mối đe dọa đó”, ông Seijiro Kurosawa, người lái xe taxi 58 tuổi ở Fussa, gần căn cứ không quân Yokota nói với phóng viên AP. “Chúng tôi không hề có hầm tránh bom, nơi trú ẩn hay bất cứ thứ gì đó tương tự”.

Công ty nơi ông Kurosawa làm việc mới đây đã hướng dẫn các tài xế cách đưa xe taxi đến nơi an toàn và tìm chỗ trú ẩn nếu vụ tấn công xảy ra.

Nhưng người đàn ông 58 tuổi thừa nhận là ông không biết mình sẽ trốn đi đâu. “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là chạy vào một cửa hàng nào đó”, ông nói.

Nguy cơ Triều Tiên phóng tên lửa vào Nhật Bản là thông tin xuất hiện tràn ngập trên truyền hình Nhật những tuần qua. Bình Nhưỡng liên tục phóng thử tên lửa, trong khi Mỹ điều đội tàu sân bay hùng hậu đến khu vực.

Với năng lực hiện tại, Triều Tiên có thể chưa phóng được tên lửa đến Mỹ, nhưng nhằm mục tiêu 50.000 binh sĩ Mỹ đóng quân ở Nhật Bản thì hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhật Bản đã nâng mức báo động kể từ sau khi Triều Tiên phóng thử 4 tên lửa đạn đạo tầm trung, rơi xuống vùng biển cách bờ biển nước này chỉ vài trăm km.

Nơi đầu tiên ở Nhật hứng tên lửa nếu Triều Tiên tấn công - 2

Máy bay vận tải C-130 của Mỹ ở căn cứ không quân Yokota.

Trong khi các trang báo, truyền hình Nhật Bản đưa tin về làn sóng đổ xô mua hầm trú ẩn của giới nhà giàu, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường ở Fussa, thị trấn hẻo lánh có khoảng 58.000 người sinh sống.

“Chuyện gì xảy ra thì nó sẽ xảy ra thôi”, người đàn ông 34 tuổi tên Jumpei Takemiya nói. Ông Takemiya có một cửa hàng sửa giày dép gần căn cứ quân sự Yokota.

“Hãy nghĩ thật bình tĩnh. Yokota sẽ là nơi trúng tên lửa đầu tiên? Tôi không loại trừ điều đó và tôi cũng không cảm thấy lo lắng”, ông Takemiya nói thêm.

Nhìn ra ngoài ô cửa sổ, người đàn ông Nhật nói: “Bạn có thể thấy đó, khu vực này không hề được tăng cường an ninh hay có hoạt động điều quân bất thường nào ở đây”.

Đối với cụ ông Yoshio Takagi, 75 tuổi, người từng trải qua giai đoạn đi sơ tán đến vùng hẻo lánh để tránh bom Mỹ, nói rằng ông hoàn toàn thực tế về những gì đang xảy ra.

“Căng thẳng gia tăng và ngày càng khó đoán định hơn dưới thời Trump”, ông nói. “Nhật Bản phụ thuộc vào quân đội Mỹ, có căn cứ Mỹ ở đây. Tôi nghĩ chúng ta chỉ có thể chấp nhận hậu quả”.

Trên trang web của chính phủ Nhật, người dân có thể dễ dàng truy cập vào tài liệu hướng dẫn cách đối phó nếu đợt tấn công bằng tên lửa nổ ra.

Nơi đầu tiên ở Nhật hứng tên lửa nếu Triều Tiên tấn công - 3

Ông Seijiro Kurosawa nói cư dân sống gần căn cứ Mỹ sẽ không thể kịp tìm nơi trú ẩn.

Tài liệu hướng dẫn viết khá đơn giản: Nếu bạn đang ở ngoài đường, hãy tìm tòa nhà chắc chắn hoặc khu vực mua sắm ngầm dưới lòng đất. Nếu không có cơ sở nào như vậy, hãy nằm xuống mặt đất và lấy tay che đầu.

Vũ khí hóa học cũng có thể được sử dụng, do đó việc bịt mũi và mồm bằng vải là điều cần thiết.

Tuy vậy, một số người dân Nhật lại cho rằng mối đe dọa đang bị thổi phồng.

“Triều Tiên luôn phô trương sức mạnh quân sự và truyền thông thì đang khuếch đại mối đe dọa này”, ông Hiroki Fujii, 40 tuổi, sống gần Yokota nói.

Một người tên Akinori Otani thì lo ngại về việc các máy bay Mỹ gặp nạn ở Nhật hơn là mối đe dọa tên lửa Triều Tiên. “Những chiếc MV-22 Osprey đang hoạt động gần đây. Tôi lo lắng về chúng hơn là các tên lửa sẽ không đe dọa Nhật Bản”.

Reio Naya, chủ cửa hàng lưu niệm bên ngoài căn cứ Yokota thì lo ngại về căng thẳng chỉ là cái cớ để chính phủ mở rộng năng lực quân sự.

“Nhật Bản đã trải qua chiến tranh, nhưng dường như chúng ta lại đang bị cuốn vào xung đột”, bà Naya nói.

Nhật Bản phản ứng gấp khi Triều Tiên phóng tên lửa

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản phản ứng bằng cách này trước mối nguy tên lửa từ Triều Tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - AP ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN