Người âm thầm giúp Obama ăn nói như mây trôi nước chảy

Để cho ra đời những bài diễn văn hùng hồn như ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 24.5, Tổng thống Obama cần tới sự trợ giúp đắc lực của một nhóm tác giả ẩn danh.

Người âm thầm giúp Obama ăn nói như mây trôi nước chảy - 1

Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia hôm 24.5.

Bài phát biểu của ông Obama trước đông đảo 2.000 người có mặt ngày 24.5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia được đánh giá là hay và truyền tải nhiều thông điệp quan trọng. Tuy nhiên, ít ai biết để có những bài diễn văn đi vào lòng người như vậy, ê-kíp phía sau đã phải rất vất vả chuẩn bị cho tổng thống Mỹ.

Hiện nay, Cody Keenan là phụ trách nhóm viết diễn văn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama. Cody từng theo đuổi khoa học chính trị ở trường đại học Northwestern. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc trong văn phòng thượng viện Ted Kennedy trước khi lấy bằng tiến sĩ trong ngành chính sách công tại đại học Harvard Kennedy. Khi phụ trách viết diễn văn Jon Favreau rời Nhà Trắng năm 2013, Cody trở thành người đứng đầu nơi sản sinh ra gần 300 bài diễn văn lay động của Obama.

Người âm thầm giúp Obama ăn nói như mây trôi nước chảy - 2

Cody và Obama tại phòng Bầu Dục.

Bố mẹ của Cody đều là những người hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo ở hạt Fairfield, bang Connecticut. Chính điều này giúp Cody thừa hưởng phần nào gen viết lách của cha mẹ. Hồi nhỏ, Cody muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật, tuy nhiên sau đó đã thay đổi chuyên ngành liên tục từ tiếng Hoa sang ngoại giao và cuối cùng là khoa học chính trị. Cody tốt nghiệp năm 2002.

Thực ra, thời điểm Cody tiếp quản vai trò phụ trách nhóm diễn văn năm 2013, người tiền nhiệm Jon Favreau đã xây dựng được những thành công to lớn. Jon là một chàng trai tài năng tới từ bang Massachusetts và từng đảm nhiệm viết diễn văn cho chiến dịch tranh cử của John Kerry. Hiện nay ông Kerry là Ngoại trưởng Mỹ. Sau đó, Jon được giới thiệu với Obama trước chiến dịch tranh cử lịch sử năm 2008 và được coi là “người đọc não” của ông chủ Nhà Trắng.

Sau khi Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2012, Jon vẫn tiếp tục phụ trách nhóm viết diễn văn của Obama thêm một năm với những bài diễn thuyết rất chất lượng. Nhờ quá trình khổ luyện thời sinh viên khi viết bài cho các tờ báo trong trường đại học, Jon đã “mài” được bút lực sắc bén.

Người âm thầm giúp Obama ăn nói như mây trôi nước chảy - 3

2 nhân vật viết diễn văn kỳ cựu: Jon và Cody cùng Obama. Người góc bên trái là Ben Rhodes, hiện là phó cố vấn an ninh quốc gia.

Trái với suy nghĩ rằng nghề viết lách cho Tổng thống Barack Obama thật nhàn nhã và sang trọng, viết diễn văn là quá trình dài hơi, mệt mỏi và rất tốn neuron thần kinh. Để bắt đầu, Cody hoặc Jon sẽ phải trò chuyện với Obama hoặc người liên quan, chốt ý tưởng đưa vào bài viết. Sau đó bản viết nháp ra đời và sẽ là trung tâm của những “búa rìu dư luận”. Mọi quan điểm từ khen tới chê đều được tiếp nhận để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Tuy nhiên, nếu chỉ có một bài diễn văn thì lại quá đơn giản. Vấn đề xảy ra khi những người viết chuyên nghiệp phải xử lý nhiều văn bản cùng lúc với độ khó trải dài ở nhiều lĩnh vực. Quan trọng hơn cả là yếu tố thời gian. Obama là một diễn giả rất năng suất. Có ngày ông thực hiện tới 10 cuộc diễn thuyết nên tiến độ của viết diễn văn phải theo sát từng phút.

Người âm thầm giúp Obama ăn nói như mây trôi nước chảy - 4

Jon và Obama bàn thảo về bài diễn văn sẽ viết.

Dù ra mắt những ngôn từ để đời nhưng người viết diễn văn thường ít được biết tới. Tổng thống là người hưởng hết vinh hạnh khi được khen và cũng là người chịu mọi lời chỉ trích nếu bài viết không hoàn hảo. Cố tổng thống John F.Kennedy với câu nói nổi tiếng “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?”. Dù vậy, nhiều người tin rằng câu này là của người viết diễn văn cho Kennedy.

Miêu tả về quá trình viết bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Obama năm 2009, tờ Guardian đăng tải: “Bài viết này bị cắt khúc làm 4,5 lần. Những cuộc họp vài giờ đồng hồ diễn ra để Obama trình bày quan điểm của mình và Jon ghi lại ý tưởng. Sau đó, Jon dành hàng tuần lễ nghiên cứu rồi chỉnh sửa. Nhóm của Jon phải phỏng vấn các sử gia, người viết diễn văn khác và đối chiếu các bài diễn thuyết trong lịch sử”.

Người âm thầm giúp Obama ăn nói như mây trôi nước chảy - 5

Jon và Obama trên chuyên cơ Không lực Một.

Trong bài diễn thuyết trưa ngày 24.5, câu trích dẫn “nối vòng tay lớn” trong bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khiến người nghe rất thích thú. Chuyên gia tư vấn cho bài phát biểu của ông Obama chính là giáo sư Peter Zinoman, người từng dịch tác phẩm “Số đỏ” sang tiếng Anh và giới thiệu ở Mỹ.

Cody từng trả lời trên kênh NBC rằng giúp việc cho ông hoàn thành mỗi tác phẩm diễn văn lên là đội ngũ cố vấn, hỗ trợ 200 người trải dài nhiều lĩnh vực khác nhau. Dấu ấn lớn nhất của Cody chính là bài diễn văn của ông Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và bài nói chuyện với những người trẻ thuộc nhóm sáng kiến YSEALI.

Người âm thầm giúp Obama ăn nói như mây trôi nước chảy - 6

Jon là một người viết diễn văn tài năng và để lại nhiều dấu ấn cá nhân đậm nét.

Ngoài ra, ấn tượng mạnh nhất với những người có mặt chính là câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du trong "Truyện Kiều: "Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi". Dịch giả Anh Phạm tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến công du lần này được cho là người đã "tham mưu" để ông chủ Nhà Trắng đưa 2 câu thơ đậm chất Việt vào bài diễn thuyết của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh – Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN